Giữ giới hạn làm thêm trong năm nhưng được tăng giờ làm trong tháng
(Dân trí) - Quốc hội thống nhất giữ quy định về khung giờ làm thêm tối đa là 300 giờ/năm như quy định hiện hành. Tuy nhiên, việc làm thêm giờ theo tháng được nâng lên mức 40 giờ thay vì giới hạn chỉ 30 giờ hiện nay.
Sáng 20/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi với 4 loạt bấm nút. Trước khi thông qua toàn văn Bộ luật, Quốc hội biểu quyết về một số điều luật, quy định cụ thể, trong đó có nội dung về giờ làm thêm (Điều 107).
Có 454 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó 433 đại biểu tán thành quy định thể hiện tại Điều 107 Bộ luật (tương đương 89,65% tổng số đại biểu Quốc hội), 14 đại biểu không tán thành (chiếm 2,9%).
Đây cũng là một nội dung được tổ chức lấy phiếu thăm dò ý kiến các đại biểu Quốc hội trước phiên biểu quyết thông qua vì mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa là vấn đề nhận tranh luận găng qua suốt các vòng thảo luận. Có 2 phương án được đưa ra xin ý kiến các đại biểu.
Phương án 1: Giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật Lao động hiện hành, nhưng cần ghi rõ nâng thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
Phương án 2: Nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ trong một năm theo đề xuất của Chính phủ.
Kết quả, trong số 406 phiếu thể hiện ý kiến thu về, có 318 đại biểu Quốc hội đồng ý phương án 1, có 83 đại biểu đồng ý phương án 2. 15 đại biểu đồng ý một trong hai phương án. 5 đại biểu không đồng ý phương án nào cũng không có ý kiến khác.
Trong số các vị đồng ý phương án 1, có ý kiến đề nghị ban hành danh mục đầy đủ các loại nghề, công việc theo nhóm quy định mức tăng giờ làm thêm hợp lý, trong đó xác định rõ số giờ cao nhất làm thêm ban ngày và ban đêm vì đây là hai khoảng thời gian khác nhau, tác động khác nhau lên người lao động nhằm tránh lạm dụng, tranh chấp và rủi ro cho người lao động và cả doanh nghiệp.
Có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về làm việc theo giờ (hợp đồng theo hình thức thỏa thuận ngoài hợp đồng lao động). Theo đó đơn vị, cá nhân có nhu cầu sử dụng lao động theo giờ có trách nhiệm: đăng ký hoặc thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động nhu cầu sử dụng lao động trả lương theo giờ. Ký hợp đồng làm việc theo giờ với người lao động có nhu cầu làm việc theo giờ. Trang bị bảo hộ lao động theo quy định, mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động theo giờ (khi có luật này Chính phủ cần quy định các đơn vị kinh doanh bảo hiểm phải có trách nhiệm cung ứng sản phẩm bảo hiểm theo loại hình làm việc theo giờ).
Đồng thời, đại biểu cho rằng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu để Chính phủ ban hành quy định về mức lương tối thiểu theo nguyên tắc thu nhập trả gộp và thay đổi theo khung giờ. Nếu có quy định này sẽ bảo vệ được hàng triệu người làm việc tự do ngoài doanh nghiệp.
Báo cáo về nội dung này trước Quốc hội đầu buổi làm việc sáng 20/11, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, từ kết quả lấy phiếu,Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý quy định về làm thêm giờ tại dự thảo bộ luật trình Quốc hội thông qua.
Bắt đầu lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu từ 2021
Bên cạnh nội dung này, nội dung quy định về tuổi nghỉ hưu (khoản 2 Điều 169) Bộ luật nhận được sự thống nhất cao.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cho biết, xung quanh nội dung này, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định theo phương án 1 là tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 với nam, 60 đối với nữ, lộ trình tăng đề ra là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.
Một số đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án 2 (tương đồng về việc tăng tuổi nghỉ hưu với cả 2 giới nhưng lộ trình thực diện giao Chính phủ quy định). Hướng ý kiến này lập luận, việc áp dụng cùng một lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu khó có thể áp dụng chung cho các đối tượng lao động khác nhau.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Một số ý kiến đề nghị đối với lao động nữ thì tuổi nghỉ hưu chỉ đến 58 tuổi. Có ý kiến đề nghị đối với nhóm lao động trực tiếp và một số lao động đặc thù cần xem xét giữ như Bộ luật hiện hành…
Giải trình nội dung này, UB Thường vụ Quốc hội cho biết, đã chỉ đạo xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Kết quả, có 371 đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến về nội dung này thì có 280 đại biểu Quốc hội đồng ý phương án 1, lộ trình đề ra là, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ”.
UB Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và thể hiện quy định này tại Điều 169 Bộ luật.
Biểu quyết thông qua toàn thể Bộ luật, có 435 trong số 453 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (tương đương 90,06% tổng số đại biểu Quốc hội). Còn 9 đại biểu không tán thành (tương đương 1,86% tổng số đại biểu Quốc hội).
Phương Thảo