Giữ được hệ sinh thái đặc trưng thì mới còn là U Minh Hạ
(Dân trí) - “U Minh bốn bể là tràm, nếu giữ nước không khéo thì tràm ngả nghiêng, xảy ra cháy thì mất rừng…”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn lưu ý.
Hàng ngàn ha rừng quốc gia đang có nguy cơ cháy rất cao
Trong chuyến công tác tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn đánh giá cao Vườn Quốc gia đã chủ động trong công tác phòng, chống cháy rừng, nhất là việc giữ mực nước các kênh hiện còn trên 2m.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, tình hình khô hạn năm nay rất gay gắt, có thể kéo dài đến tháng 5. Chúng ta phải đối mặt thêm khoảng 2 tháng nữa, khi đó mực nước sẽ rút rất nhanh. Thứ trưởng đề nghị Vườn Quốc gia tăng cường kiểm soát các cống, đập giữ nước, không để rò rỉ, thẩm thấu, vỡ,…
Theo UBND tỉnh Cà Mau, qua thống kê của các đơn vị, địa phương cho thấy hiện nay tỉnh này có hơn 43.000 ha rừng bị khô hạn với nhiều cấp độ cháy khác nhau. Trong đó báo động cấp cháy cực kỳ nguy hiểm (cấp 5) là trên 12.000 ha, còn lại là cấp cháy cao, cấp cháy nguy hiểm (cấp 3, 4) đang có nguy cơ cháy rất cao.
Riêng toàn lâm phần Vườn Quốc gia U Minh Hạ có hơn 8.527 ha rừng đã khô hạn (trong đó, dự báo cháy cấp 5 hơn 423,3 ha, cấp 4 có 1.338 ha, cấp 3 có 4.840 ha và cấp 2 có 1.926 ha).
Theo dự báo, năm nay mùa khô có khả năng kéo dài đến khoảng tháng 5, thậm chí tháng 6 thì công tác phòng, chống cháy rừng của Cà Mau sẽ gặp không ít khó khăn. Do lượng nước trên các kênh trong lâm phần sẽ giảm đáng kể, nhiều khả năng bị khô cạn, ảnh hưởng đến việc đi lại, sử dụng nước khi có cháy xảy ra.
Ông Huỳnh Minh Nguyên- Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, cho biết ngay từ đầu mùa khô năm nay, Vườn Quốc gia đã chủ động xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Bên cạnh đó là thực hiện tốt việc đắp đập, đóng cống để giữ nước phục vụ cho công tác chữa cháy.
“Trước tình trạng nắng gắt, hạn hán, Vườn Quốc gia đang tập trung lực lượng 24/24 tổ chức tuần tra, kiểm tra, luồn rừng thường xuyên ở các khu vực trọng điểm, trực chòi quan sát lửa rừng, canh phòng nghiêm ngặt để phát hiện kịp thời khi có sự cố xảy ra”, ông Nguyên nói.
Nghiên cứu khoa học để giữ sinh thái đặc trưng của U Minh Hạ
Báo cáo với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, ông Lê Thanh Dũng- Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ - đánh giá hiện nay bề mặt trên của Vườn Quốc gia có khả năng cháy rất cao. Nếu nắng nóng liên tục kéo dài khoảng hơn một tháng nữa thì mực nước ở tầng dưới rút hết, đất sẽ khô lại, khi có khả năng cháy sẽ khó chữa do đây là lớp than bùn.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đặt ra nhiệm vụ cho Vườn Quốc gia U Minh Hạ là quyết tâm cao nhất năm nay cố gắng không để lửa cháy, dứt khoát nếu có cháy thì phải dập được ngay.
“Chúng ta có lực lượng, phương tiện, đủ con người có năng lực để làm, chỉ mỗi cái nữa là động viên nhau thường xuyên, sự quyết tâm và cảnh giác 24/24, thì chúng ta sẽ đảm bảo được, tôi có niềm tin vào điều đó”, Thứ trưởng Tuấn hy vọng.
Ngoài công tác phòng cháy, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng đề nghị Vườn Quốc gia U Minh Hạ cần tập trung nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu trước hết ở đây là đảm bảo an toàn về cháy, và việc giữ mực nước với sinh trưởng phát triển của cây tràm.
“U Minh bốn bể là tràm, nếu giữ nước không khéo thì tràm ngả nghiêng, xảy ra cháy thì mất rừng. Tôi nghĩ các đồng chí đã có nghiên cứu rồi thì cần tiếp tục nghiên cứu có bài bản hơn”, Thứ trưởng Tuấn gợi mở.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng lưu ý Vườn Quốc gia U Minh Hạ quan tâm nghiên cứu hệ thực vật bản địa, đánh giá diễn thế trước tình hình biến đổi khí hậu; nghiên cứu hệ động vật ở đây như khỉ, rái cá,…, hệ sinh thái dưới nước làm sao cho cân bằng. Nếu như cứ để lượng khỉ cùng với rái cá tăng rất nhanh có khi dẫn đến tự mất cân bằng sinh học.
“Làm sao giữ được hệ sinh thái đặc trưng này thì mới còn là U Minh Hạ - Cà Mau”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nêu quan điểm.
Huỳnh Hải