Giới trẻ Việt Nam sử dụng mạng xã hội 7 giờ mỗi ngày
(Dân trí) - Thời lượng sử dụng mạng xã hội trong 1 ngày của giới trẻ Việt Nam trung bình là 7 giờ. Mạng xã hội dần trở nên gần gũi và phổ biến, thậm chí đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hiện đại của giới trẻ.
Tại cuộc giao lưu trực tuyến “Bàn về văn hoá ứng xử của giới trẻ trên không gian mạng” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức ngày 5/11, ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, với hơn 60 triệu người sử dụng, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 trên thế giới về tỉ lệ người dân sử dụng Internet và là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook, YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn.
Một kết quả khảo sát gần đây cho thấy, thời lượng sử dụng mạng xã hội trong một ngày của giới trẻ Việt Nam trung bình là 7 giờ, khá cao so với khu vực và thế giới. Một bộ phận giới trẻ dành quỹ thời gian cho mạng xã hội rất lớn, gây nên tình trạng “nghiện” mạng xã hội ngày càng phổ biến.
Mục đích sử dụng mạng xã hội của giới trẻ rất đa dạng, trong đó, 5 mục đích chiếm tỷ lệ cao nhất gồm: Tìm kiếm, cập nhật thông tin xã hội; làm quen với bạn mới, giữ liên lạc với bạn cũ; liên lạc với gia đình, bạn bè; chia sẻ thông tin hình ảnh, video, status và để giải trí.
“Thông qua internet, mạng xã hội, cơ hội kết nối của thanh thiếu niên ngày càng được tăng cường. Giao tiếp trên không gian mạng chi phối ngày càng lớn đến thanh thiếu niên”- ông Huy cho hay.
Theo ông Huy, mạng xã hội đã dần trở nên gần gũi và phổ biến, thậm chí đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hiện đại của giới trẻ. Tuy nhiên, nếu không có đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng xã hội thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống của mỗi bạn trẻ.
“Không ít bạn trẻ vì mục đích “câu like”, muốn được nổi tiếng trong cộng đồng mạng mà sẵn sàng hành động ngược lại quy tắc ứng xử được xã hội thừa nhận, thậm chí vi phạm pháp luật. Cũng có nhiều bạn, vì thiếu hiểu biết, không có đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng xã hội nên đã có nhận thức, thái độ, hành vi không phù hợp trên mạng xã hội” - ông Huy dẫn chứng.
Trong khi đó, ông Phan Hồng Nguyên - Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho hay, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021”, trong đó có nhiệm vụ đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông.
Đồng thời tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò của công tác giáo dục pháp luật nói chung, phổ biến và giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên qua mạng xã hội nói riêng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp các ngành.
Ông Phan Hồng Nguyên - Phó vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Ảnh: PLVN).
“Theo tôi, cần quan tâm đến thông tin hạn chế, tác hại của mạng xã hội đối với thanh, thiếu niên; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sử dụng mạng xã hội để bảo đảm phát huy tối đa ưu thế của mạng xã hội” - ông Nguyên nói.
Thực hiện tuyên truyền theo từng chuyên đề sâu cho từng nhóm đối tượng thanh, thiếu niên; chú trọng các vấn đề được xã hội nói chung, thanh, thiếu niên nói riêng hiện đang quan tâm như: Bạo lực học đường, buôn bán người, tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy, an toàn giao thông đường bộ…
Đáng chú ý, ông Nguyên đề xuất cơ chế khuyến khích các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương xây dựng Fanpage có nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm tính chính xác, bảo mật, kịp thời.
“Nên bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, phù hợp để phụ trách quản trị Fanpage. Cấp kinh phí để bảo đảm duy trì hoạt động của trang Fanpage” - ông Nguyên khuyến cáo.
Thế Kha