Giờ cao điểm: Tàu Cát Linh - Hà Đông kín khách, trục Nguyễn Trãi vẫn ùn tắc
(Dân trí) - Trong khung giờ cao điểm các ngày trong tuần, tàu điện Cát Linh - Hà Đông thường xuyên đông khách vào nội đô buổi sáng và hướng ngược lại vào chiều tối, trục đường Nguyễn Trãi bên dưới vẫn ùn tắc.
Ghi nhận sau một tuần chính thức bán vé cho hành khách đi tàu, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thường xuyên vắng khách buổi sáng (hướng từ Ga Cát Linh ra ngoại thành) nhưng lại đông khách từ Hà Đông vào trung tâm thành phố (từ ga Yên Nghĩa vào nội đô). Hành khách chủ yếu là người lao động, nhân viên hành chính, văn phòng... vào trung tâm thành phố để làm việc và trở về nhà khi tan ca. Vào buổi chiều tối, hình ảnh đông, vắng khách trái ngược với khung giờ buổi sáng (Ảnh: Mạnh Quân).
Tàu điện Cát Linh - Hà Đông được xây dựng mang kỳ vọng sẽ là phương tiện giao thông công cộng hữu ích cho người dân, rút ngắn thời gian di chuyển, an toàn và giảm tải cho trục đường Nguyễn Trãi khi số lượng phương tiện cá nhân ra đường sẽ giảm bớt (Ảnh: Tiến Tuấn).
Tuy nhiên, trong khung giờ cao điểm buổi sáng, dù trên tàu điện đông hay vắng khách thì các trục đường bên dưới vẫn chật kín phương tiện giao thông đổ ra đường, đặc biệt tại nút giao 4 tầng Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến (Ảnh: Hữu Nghị - Tiến Tuấn).
Trục đường Nguyễn Trãi có 2 điểm đen thường xuyên ùn tắc giao thông là nút giao 4 tầng và đoạn đường dẫn lên, xuống cầu vượt Ngã Tư Sở. Sau 3 tuần chính thức vận hành tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông, các điểm đen này vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ như trước đây, khung giờ cao điểm là từ 7h45 đến 8h30 sáng và 17h45 đến 19h tối (Ảnh: Tiến Tuấn).
"Vợ chồng tôi làm cùng công ty, nhà lại gần ga Văn Quán nên cả hai đã mua vé tháng để bắt tàu đi làm cho tiện. Tàu đi nhanh hơn chạy xe máy, chạy đúng giờ, sạch sẽ và còn tránh được mưa nắng, tắc đường. Lên từ ga Văn Quán thì toa cũng khá đông khách rồi, thường xuyên còn ghế trống, thỉnh thoảng tôi mới phải đứng trên tàu", chị Hoa, một nhân viên văn phòng làm việc tại một tòa nhà (đầu phố Giang Văn Minh) nằm cạnh ga Cát Linh chia sẻ.
"Tuy nhiên, thỉnh thoảng hai vợ chồng vẫn có ngày phải đèo nhau đi làm bằng xe máy vì trong ngày hôm đó tôi hoặc chồng tôi có lịch phải đi ra ngoài làm việc. Nếu bắt taxi thì đắt đỏ mà đi buýt thì sợ trễ giờ và không tiện đường, khó chủ động. Hiện nay mới chỉ có một tuyến tàu điện nên cũng chưa tiện lắm", chị Hoa nói thêm (Ảnh: Hữu Nghị - Tiến Tuấn).
Khung giờ tan tầm buổi chiều tối, ga Cát Linh đông khách chờ tàu, khác biệt hoàn toàn bối cảnh vào buổi sáng (Ảnh: Mạnh Quân).
Tàu di chuyển tới ga Láng, các toa tàu dần đông khách và sắp kín chỗ ngồi, nhiều người phải đứng khi tàu chạy (Ảnh: Mạnh Quân).
Tàu Cát Linh - Hà Đông chạy ngang qua đoạn đường dẫn xuống Ngã Tư Sở. Bên trên cao, tàu di chuyển nhanh, các toa tàu bên trên vẫn đông khách, giao thông bên dưới ùn ứ, phương tiện nối đuôi nhau di chuyển chậm chạp (Ảnh: Mạnh Quân).
Hình ảnh tương tự diễn ra tại điểm ra vào ga Vành đai 3. Tàu di chuyển nhanh, dòng phương tiện bên dưới ùn ứ kéo dài hàng trăm mét.
Đây cũng chưa phải thời điểm mật độ người ra đường tham gia giao thông trong khung giờ cao điểm là lớn nhất khi mà tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp, học sinh chưa đi học, sinh viên và người lao động từ các tỉnh thành chưa đổ về Hà Nội (Ảnh: Tiến Tuấn).
Đoàn tàu di chuyển nhanh qua nút giao 4 tầng Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến. Giao thông bên dưới vẫn đang ùn tắc kéo dài (Ảnh: Tiến Tuấn).
"Nếu tôi di chuyển bằng xe máy ở phía đường bên dưới kia như mọi ngày, không biết khi nào mới thoát khỏi đám đông và về tới nhà...", anh Tiến (bên phải) nói.