Tàu Cát Linh - Hà Đông không chỉ là bài toán thu hồi vốn
(Dân trí) - Tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã chính thức vận hành thương mại từ ngày 6/11 với hình thức miễn phí cho người dân đến hết ngày 20/11.
Trong 15 ngày vận hành miễn phí, tàu Cát Linh - Hà Đông chạy tổng cộng hơn 2.400 chuyến an toàn với gần 350.000 hành khách. Đây là những con số rất ấn tượng.
Không hề nói quá rằng việc vận hành tuyến đường sắt này là một trong những sự kiện nổi bật nhất, đáng chú ý nhất năm nay. Hình ảnh người dân Hà Nội xếp hàng những ngày đầu mới ra mắt phần nào cho thấy sự háo hức, trông đợi của họ. Không háo hức sao được khi họ phải mất tới hơn 10 năm chờ đợi.
10 năm là bao lâu? Là thời gian để một sinh viên trở thành ông này, bà nọ; để những cô bé, cậu bé thiếu niên có thể trở thành phụ huynh; để những công chức, viên chức thuở nào đến tuổi nghỉ hưu… Và chừng đó thời gian, cũng đã có những người khuất núi, họ không bao giờ còn cơ hội được ngồi lên những chuyến tàu hôm nay nữa.
Đợi chờ lâu là vậy, song ít nhất là 15 ngày trải nghiệm đó không khiến người ta thất vọng. Dù rằng, theo công suất thiết kế, tàu trên cao Cát Linh - Hà Đông có tốc độ tối đa 80 km/h nhưng tốc độ khai thác là 35 km/h; thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) khoảng 23 phút - không phải là nhanh, nhưng ít nhất là hành khách không phải vật lộn với tình trạng tắc đường giờ cao điểm.
Mức giá vé phổ thông 200.000/người/tháng và nếu theo chặng khoảng 8.000-15.000 đồng, nếu so với việc di chuyển bằng xe cá nhân hay thuê taxi đều không phải là đắt. Bên cạnh đó, chính sách miễn phí vé tàu cho người già và trẻ em dưới 6 tuổi là nhân văn và hợp lý.
Sau một ngày mở bán vé, các phương tiện truyền thông ghi nhận về tình trạng vắng khách. Nhiều thời điểm trong ngày đã ghi nhận cảnh không có một hành khách nào trên một số toa tàu. Người viết cho rằng, điều này không lạ. Dĩ nhiên, thời gian miễn phí cũng tựa như các chương trình khuyến mại, một khi không mất tiền thì khách tham gia càng đông.
Theo ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Metro Hà Nội - cũng nhìn nhận rằng, khi tàu đi vào giai đoạn khai thác thu phí, hành khách đã thực chất hơn, người đi tàu trải nghiệm giảm là dễ hiểu và hành khách sử dụng tàu điện là phương tiện đi lại đúng với nhu cầu đã ổn định hơn.
Theo ông Trường, trong ngày đầu tiên bán vé (21/11), Metro Hà Nội khai thác thương mại 203 chuyến tàu, chở được 25.320 hành khách. Tỷ lệ hành khách sử dụng vé lượt chiếm 39%, vé ngày 42%, vé tháng là 17%, số khách thuộc nhóm đối tượng được miễn phí đi tàu trong ngày là 2%. Như vậy, rõ ràng là vẫn có rất nhiều người có đánh giá tốt và chấp nhận phương tiện này.
Ví dụ như anh An, một hành khách hiếm hoi trên chuyến tàu khởi hành từ ga Cát Linh trong ngày đầu bán vé, đã nói với phóng viên Dân trí: Dù không phải là người thường xuyên đi làm trên lộ trình của đoàn tàu nhưng anh vẫn lựa chọn tàu Cát Linh - Hà Đông vì những tiện ích đem lại so với các phương tiện khác.
Tôi rất hy vọng, tương lai sẽ có nhiều người như anh An, sẽ có một thế hệ người Việt lựa chọn phương tiện công cộng thay vì lệ thuộc vào phương tiện cá nhân. Song, điều đó còn phụ thuộc vào cung cách phục vụ lâu dài của các tuyến metro, mà Cát Linh - Hà Đông chỉ là một trong số đó. Họ cần cạnh tranh không chỉ với các phương tiện giao thông khác, mà còn phải cải thiện chính mình, thay đổi thói quen đi lại của người dân trong thành phố.
Nói gì thì nói, dẫu có vô số bê bối trong quá trình xây dựng nhưng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đến nay cũng đã được vận hành. Người dân thêm một lựa chọn, Nhà nước có cơ hội thu hồi vốn đầu tư...