1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Gian nan tục bắt vợ của người Mông

(Dân trí) - Giống như người Mông ở vùng Tây Bắc nước ta, người Mông ở huyện Quế Phong (Nghệ An) cũng có tục bắt vợ hay còn gọi là tục cướp vợ.

Gian nan tục bắt vợ của người Mông - 1

Người Mông ở bản Huồi Mới - Quế Phong có vợ có chồng từ khi còn rất trẻ bởi một hủ tục lạc hậu (Ảnh: Nguyễn Duy)

Tục bắt vợ xưa - nét đẹp văn hoá của người Mông

Tục bắt vợ đã có từ rất lâu đời, vốn là một nét đẹp văn hoá của người Mông nơi vùng biên này. Theo tục cũ, khi một chàng trai và một cô gái thích nhau, hoặc trường hợp đặc biệt hơn là chỉ phía chàng trai có tình cảm với cô gái, chàng trai sẽ nhờ một số bạn bè đi “bắt vợ” cùng mình. Trước đây, để đi bắt vợ, chàng trai và các bạn sẽ phải chuẩn bị những con ngựa tốt, lựa lúc cô gái đi chơi với bạn vào buổi tối, các chàng trai sẽ từ chỗ núp phi ngựa ra bế cô gái lên và chạy thẳng về nhà mình. Ngày nay, các chàng trai Mông ít sử dụng ngựa để đi bắt vợ mà thay vào đó là… những chiếc xe máy.

Gian nan tục bắt vợ của người Mông - 2
Nhiều học sinh nữ mới 13-14 tuổi đã bị bắt về làm vợ (Ảnh: Nguyễn Duy)

Khi bị bắt về nhà chàng trai, cô gái sẽ  được ở riêng một phòng trong vòng 3 ngày. Trong thời gian này, chàng trai không được gặp cô gái, mọi chuyện liên quan đến việc thuyết phục cô gái về làm vợ mình đều phải nhờ đến mẹ hoặc chị, em gái. Khi mẹ hoặc chị, em gái của chàng trai đưa váy áo cho cô gái thay, nếu cô gái mặc bộ váy áo đó nghĩa là cô đã đồng ý lấy chàng trai làm chồng. Lúc đó gia đình chàng trai sẽ nhờ người làm mối đến nhà cô gái bàn chuyện cưới xin và chuẩn bị các lễ vật cần thiết theo lễ thách cưới của nhà gái. Cô gái sẽ được làm vía, cúng ma nhà chàng trai.

Nếu cô gái nhất quyết không chịu mặc váy áo nghĩa là không đồng ý, khi đó chàng trai sẽ phải đưa cô gái về trả cho bố mẹ cô cùng với lễ vật bao gồm một con lợn, một con gà và một vò rượu cần.

“Ngày nay, các đôi người Mông yêu nhau, khi cả hai gia đình đã đồng ý cho họ về ở với nhau thì chàng trai cũng phải đến bắt cô gái về. Trước sự chứng kiến của nhiều người, chàng trai sẽ phải cầm cổ tay cô gái và kéo cô về phía mình. Cô gái đã đồng ý làm vợ chàng trai nhưng cũng phải chống cự. Họ hàng, anh em, bạn bè của cô gái sẽ ra “giả vờ” giữ cô gái ở lại, không cho chàng trai kéo đi. Bắt vợ đã trở thành thủ tục cần thiết trong truyền thống cưới hỏi của người Mông”, một cán bộ xã Nậm Nhoóng, cho biết.

Tục bắt vợ xưa là một nét đẹp văn hoá của người Mông nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy buồn như nạn tảo hôn. Ngày nay, tục có phần biến tướng đi, cũng làm phai nhạt dần những nét đẹp, nét trong sáng của tình yêu đôi lứa.

Khi học sinh trở thành nạn nhân của tục bắt vợ

Một thầy giáo của trường PTTH Dân tộc nội trú Quế  Phong thở dài: “Cứ một khoá tôi chủ nhiệm từ lớp 10 đến lớp 12 thì mất từ 5 đến 6 học sinh vì tục cướp vợ”. Rất nhiều thầy cô giáo của trường đã trở thành “ông bà bất đắc dĩ” ở tuổi 30 khi học trò của mình lấy vợ, lấy chồng và sinh con đẻ cái.
Gian nan tục bắt vợ của người Mông - 3

Cán bộ chiến sỹ biên phòng dạy các em học sinh có một cái nhìn đúng đắn hơn về đời sống hôn nhân (Ảnh: Sông Hiếu)

Các cô gái bị bắt vợ hầu hết đều ở lứa tuổi từ 15 đến 18; có em bị bắt làm vợ khi đang học lớp 8, lớp 9. Khi bị các chàng trai bắt, với sự ràng buộc của tục lệ người Mông cùng với sự tác động của các bậc phụ huynh, hầu hết các em đều chấp nhận bỏ học về làm vợ người ta khi tuổi đời còn quá nhỏ. “Lấy vợ, lấy chồng mà không đến Ủy ban đăng ký nên chính quyền cũng không biết được ai đã đủ tuổi, ai chưa”, anh Sầm Văn Cường - cán bộ xã Tri Lễ, cho biết. Từ bản người Mông ra đến trung tâm xã cũng mất đến nửa ngày cắt rừng, trèo núi nên cán bộ xã không thể quản lý hết cũng là điều dễ hiểu.

Các cô gái Mông cho rằng lấy chồng rồi, cái chữ chẳng còn ý nghĩa gì nữa bởi công việc của những người phụ nữ Mông sau khi lấy chồng là đi rừng, làm rẫy và nuôi con.

Thầy Lê Khắc Phú - giáo viên trường Dân tộc nội trú Quế Phong - kể cho tôi nghe câu chuyện về cậu học trò Lương Văn Tòng (bản Quạch, xã Châu Thôn). Sau Tết, nghe các bạn xôn xao chuyện Tòng đã lấy vợ, thầy Phú hỏi thăm: “Đang đi học thì lấy gì mà nuôi vợ?”. Cậu học trò 17 tuổi hồn nhiên trả lời: “Lấy em rồi, nó đi làm nương với cha mẹ em. Không bắt vợ bây giờ, con gái đẹp trong bản chúng nó bắt hết, em phải lấy vợ xấu à?”. Lương Văn Tòng là một trong số ít học sinh còn tiếp tục đi học sau khi có vợ.

Giống như Tòng, Vi Kim Hoa ở bản Cắm, xã Tri Lễ, là cô gái Mông duy nhất ở trường THPT Dân tộc nội trú còn được đi học sau khi đã lấy chồng. Được biết đây là một trong những điều kiện thách cưới của gia đình Hoa. Hiện Hoa đang là học sinh lớp 10A15 trường nhưng không biết thời gian đến trường của Hoa còn kéo dài được bao lâu khi trách nhiệm của người con dâu, của người vợ và hàng trăm thứ lễ giáo khắt khe khác của người Mông đang tròng vào cổ cô gái mới tuổi trăng tròn này.

Hoàng Lam - Nguyễn Phê

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm