Gian nan đưa trẻ nhiễm HIV đến trường
(Dân trí) - “Ước mơ được đến trường của trẻ nhiễm HIV là chính đáng. Nhưng qua thực tế cho thấy, nếu trẻ vào học luôn phải dấu bệnh. Trẻ nào bị phát hiện sẽ bị kỳ thị, phản ứng dữ dội từ phía nhà trường hay phụ huynh học sinh”.
Tại hội nghị bàn về việc đưa trẻ nhiễm HIV và bị ảnh hưởng do HIV (có người thân nhiễm HIV) tổ chức ở TPHCM ngày 22/12, BS Tiêu Thị Thu Vân, Phó chánh văn phòng UB phòng chống AIDS TPHCM phải rút ra kết luận đáng buồn trên sau 2 năm theo dõi phản ứng của xã hội khi đưa đối tượng này học hòa nhập tại cộng đồng.
Quang cảnh hội nghị
Bức xúc nhất là sự việc xảy ra vào đầu năm học 2009 – 2010 tại trường tiểu học An Nhơn Đông (huyện Củ Chi). Trung tâm Mai Hòa đã đưa 15 em nhiễm HIV đến trường nhập học, nhưng chưa bước đến cổng trường thì phụ huynh học sinh (PHHS) toàn trường chặn lối vào cổng trường không cho các em vào. PHHS còn kéo lên UBND huyện yêu cầu không cho các em nhiễm HIV được học tại trường.
Dù sau nhiều lần vận động, tuyên truyền, giải thích nhưng hầu hết các PHHS tại đây vẫn không yên tâm. BS Thu Vân cay đắng nói: “PHHS phản ứng mạnh mẽ bằng cách đưa con ra về, toàn trường 269 em chỉ còn 40 em ở lại”.
Trước tình hình đó, trường An Nhơn Đông phải mở thêm một phân hiệu chỉ dành riêng cho 15 em nhiễm HIV ở trung tâm Mai Hòa học… ngay tại trung tâm. Vậy là ước mơ được học hòa nhập của các em đành tan vỡ…
Cũng trong năm 2009, một trường mẫu giáo của quận 11 đã có tình trạng kỳ thị, hiệu trưởng không nhận trẻ vào học khi biết bé bị nhiễm HIV. Năm 2010, tại Nhà Bè, PHHS ở một trường cấp 1 cũng phản ứng dữ dội, rút đơn để chuyển con học trường khác khi biết có trẻ nhiễm HIV học trong trường…
BS Thu Vân phát biểu: “Điều đó cho thấy sự kỳ thị của cộng đồng vẫn còn rất lớn, cô lập hoàn toàn cuộc sống của các em”.
Có mặt tại hội nghị, bà Cao Thị Gái, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết: “UBND huyện cũng không ngờ người dân phản ứng mạnh mẽ đến vậy. Sau này huyện đề xuất tách các em ra để đưa từng em về các trường trên địa bàn học hòa nhập. Nhưng ngay em đầu tiên đến trường, PHHS toàn trường lại chặn cổng trường phản đối”.
Bà lo ngại: “Phải chăng chúng ta đã tuyên truyền quá mức. Ai cũng nghĩ AIDS là một cái gì đó rất ghê gớm, đụng vào là chết ngay. Dù chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều nhưng cũng không thuyết phục được”.
Với kinh nghiệm nhiều năm can thiệp cho trẻ nhiễm HIV đến trường, cô Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng nhóm Xuân Vinh (đang chăm sóc 200 trẻ nhiễm HIV) chia sẻ: “Để can thiệp tốt phải có sự ủng hộ từ phía chính quyền và ngành giáo dục, trong đó ngành giáo dục rất quan trọng. Vì các trường chịu sự quản lý của ngành giáo dục, khi phòng giáo dục ra chỉ thị thì các trường sẽ tìm mọi cách cho các em được nhập học”.
BS Nguyễn Trọng An, Cục phó Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho rằng: “Luật chúng ta đã có rồi. Không ai có quyền ngăn cản quyền được học tập của các em. Nếu hiệu trưởng trường nào không làm, không tích cực giúp các em đến trường thì cách chức hiệu trưởng đó. Chúng ta hãy thử xem!”.
BS Kim Dung, đại diện Bộ Giáo dục – Đào tạo thì đóng góp bằng 1 trường hợp vận động thành công tại Hải Phòng: “Bà mẹ trẻ ấy nhiễm HIV từ chồng và truyền sang cho con. Khi bé đến trường, bạn bè cứ ném đất đá rác rưởi vào người em và chửi: “con quỷ sida”. Bà mẹ ấy phải tự trang bị kiến thức tuyên truyền và tìm đến nhà từng bạn học của con mình để giải thích cho mọi người hiểu về căn bệnh này, về hoàn cảnh đáng thương của con mình mong mọi người cảm thông. Cuối cùng, sự kiên trì của cô ấy đã thành công”.
BS Thu Vân cho rằng: “Qua thực tế cho thấy chiến dịch vận động đưa trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng do HIV đến trường vẫn là cuộc chiến lâu dài và gian nan. Quan trọng nhất là phải tuyên truyền để người dân thấu hiểu, cảm thông, tìm kiếm sự đồng thuận của cả xã hội đối với hoàn cảnh của các em”.
Đó không chỉ là sự cảm thông mà còn là trách nhiệm của cả xã hội đối với một bộ phận không nhỏ những đứa trẻ bị thiệt thòi ngay từ lúc chào đời. Bởi con số trẻ nhiễm HIV và bị ảnh hưởng do HIV hiện nay rất đôngg chỉ riêng tại TPHCM đã lên đến hơn 60.000 em.
Tùng Nguyên