1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Giãn cách 2 tuần sẽ giúp TPHCM giải quyết căn cơ F0 chưa rõ nguồn lây"

Quang Huy

(Dân trí) - "Việc giãn cách thêm 2 tuần sẽ giúp thành phố khoanh vùng, truy vết, giải quyết căn cơ hiện tượng F0 chưa rõ nguồn lây ngoài cộng đồng", Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh.

Chiều 14/6, Sở Thông tin Truyền thông và Sở Y tế TPHCM, phối hợp tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. 

Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng, cho biết sau 2 tuần giãn cách vừa qua, thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đặc biệt là chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 không rõ nguồn lây ngày càng tăng, 2 tuần giãn cách tiếp theo là cần thiết để thành phố khoanh vùng, truy vết, giải quyết căn cơ vấn đề.

"Việc giãn cách thêm 2 tuần sẽ giúp thành phố khoanh vùng, truy vết, giải quyết căn cơ hiện tượng F0 chưa rõ nguồn lây ngoài cộng đồng", ông Nguyễn Hữu Hưng nhấn mạnh.

Giãn cách 2 tuần sẽ giúp TPHCM giải quyết căn cơ F0 chưa rõ nguồn lây - 1

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng tại buổi họp báo.

2 tuần tập trung truy vết ca bệnh chưa rõ nguồn lây

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) Nguyễn Trí Dũng khẳng định không ai chắc chắn sau 2 tuần, việc giãn cách sẽ thành công hay hiệu quả. Việc phòng, chống dịch Covid-19 thành công hay không phụ thuộc dịch đang lây lan trong cộng đồng ở mức độ nào trước khi giãn cách, và việc tuân thủ các biện pháp giãn cách ra sao.

"Đối với chuỗi lây nhiễm điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, ngành y tế đã tổ chức truy vết, phong tỏa cách ly tận gốc. Những trường hợp mới phát hiện liên quan chuỗi này đều ở khu phong tỏa, cách ly", ông Nguyễn Trí Dũng dẫn chứng.

Giãn cách 2 tuần sẽ giúp TPHCM giải quyết căn cơ F0 chưa rõ nguồn lây - 2

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM Nguyễn Trí Dũng.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM nêu thực trạng, trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua gần 50 bệnh nhân mắc Covid-19 được phát hiện qua khám sàng lọc tại các bệnh viện. Ông Dũng đánh giá số này không nhỏ, sẽ gây hậu quả lớn nếu đi sâu vào môi trường bệnh viện.

Từ những trường hợp trên, thành phố đã truy vết khoảng 400 ca tiếp xúc và có liên quan. Chuỗi lây nhiễm này phát triển song song với chuỗi ở điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng. Ngoài ra, nhiều ca bệnh khác không có triệu chứng, không khám sàng lọc và chưa thể phát hiện ngoài cộng đồng.

"Nhận định chung là mầm bệnh Covid-19 đã len lỏi vào cộng đồng. Việc giãn cách là cần thiết để hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan bùng phát dịch đối với những ca đang âm thầm bên ngoài. 14 ngày là thời gian ủ bệnh của virus SARS-CoV-2. Sau thời gian này, tỷ lệ lây lan là rất thấp", Giám đốc HCDC lý giải và khẳng định 2 tuần tới, thành phố sẽ quyết liệt truy vết, khoanh vùng, dập những ca mắc chưa rõ nguồn lây. 

Người dân cần tuân thủ trong 2 tuần quý giá

"Khi áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, chúng tôi hiểu đời sống người dân sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, người dân thành phố nên hiểu và tuân thủ để chung sức cùng ngành y trong khoảng thời gian 2 tuần quý giá", Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sở Y tế khuyến cáo người dân tuân thủ 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay sát khuẩn để hạn chế lây nhiễm.

Người dân cần theo dõi các địa điểm bị phong tỏa hay có ca mắc Covid-19 để nắm tình hình dịch bệnh, liên hệ ngay cơ sở y tế nếu tiếp xúc gần ca mắc hoặc có liên quan đến địa điểm đó.

Giãn cách 2 tuần sẽ giúp TPHCM giải quyết căn cơ F0 chưa rõ nguồn lây - 3

Người dân cần theo dõi thông tin về ca mắc Covid-19, địa điểm phong tỏa, cách ly để áp dụng biện pháp giám sát y tế nếu có liên quan (Ảnh: Phạm Nguyễn).

"Trong 2 tuần vừa rồi, chúng tôi thấy cơ bản người dân chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống Covid-19, nhưng sự tiếp xúc vẫn còn nhiều. Chúng tôi mong mọi người hạn chế các hoạt động tiếp xúc trong 2 tuần tới", Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM kêu gọi.

Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, xí nghiệp, Sở Y tế TPHCM đề nghị quản lý chặt danh sách nhân viên, hạn chế sử dụng điều hòa, sẵn sàng phương án xử lý khi có ca mắc Covid-19, tránh bị động.