Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An “né” vấn đề XKLĐ “chui”
(Dân trí) - Về vấn đề tuyển dụng người XKLĐ “chui” sang Đức hay một số doanh nghiệp XKLĐ sau khi thu tiền đã chậm hoặc chưa đưa được lao động sang nước bạn, ông Nguyễn Bằng Toàn – giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết sẽ trả lời bằng văn bản sau.
Ông Nguyễn Bằng Toàn (áo đen), Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An trao đổi với các đại biểu trong giờ nghỉ giải lao.
Sáng 12/12, các đại biểu tham gia kỳ hợp thứ 13, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVI đã tham gia chất vấn ông Nguyễn Bằng Toàn – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An. Tại buổi chất vấn, tình trạng lợi dụng xuất khẩu lao động để lừa đảo, trục lợi gây thiệt hại, bức xúc trong nhân dân đã được các đại biểu chất vấn người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH Nghệ An.
Ông Nguyễn Bằng Toàn thừa nhận, thời gian gần đây có một vài cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã lợi dụng XKLĐ để lừa đảo một số lao động có mong muốn đi xuất khẩu lao động. Vào tháng 3/2014, có 3 đối tượng giả danh cán bộ Thanh tra Chính Phủ, Bộ Ngoại giao lừa đảo 43 lao động tại huyện Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Tân Kỳ đi làm việc tại Hàn Quốc, Canada. Hay như Công ty CP Thương mại Đầu từ XD và cung ứng lao động 19-5 đưa lao động đi làm việc tại Na Uy.
Hiện tại, các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ sai phạm của các công ty này. Tuy nhiên, hiện nay, Công ty XKLĐ Cửu Long – đơn vị liên quan đến việc lừa đảo 43 lao động ở Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương… đã giải thể. Hiện hồ sơ liên quan đến đơn vị này đã được chuyển cho Bộ Công an điều tra. Lúc nào có kết quả sẽ báo cáo cụ thể.
Theo ông Nguyễn Bằng Toàn, những công ty xuất khẩu lao động đã nhận tiền nhưng không hoặc chưa đưa được lao động đi, Sở LĐ-TB&XH đang kiểm tra. Các doanh nghiệp này nếu không đưa được lao động đi xuất khẩu sẽ phải trả lại tiền cho các lao động. Kết quả kiểm tra, xử lý sẽ báo cáo tới các đại biểu sau khi hoàn tất.
Một trong những vấn đề đại biểu chất vấn là tình trạng lao động nhập khẩu khống vào các huyện nghèo để lợi dụng chính sách hỗ trợ XKLĐ. Đại biểu Phan Thế Phương – đại biểu huyện Diễn Châu hỏi: “Vừa qua có 122 người đã nhập khẩu khống vào các huyện nghèo Tương Dương, 60 người nhập hộ khẩu khống vào huyện Kỳ Sơn để lợi dụng chính sách hỗ trợ đẩy mạnh XKLĐ cho các huyện nghèo. Một số lợi dụng hộ khẩu khống đã đi qua nước bạn. Sở LĐ-TB&XH giải quyết vấn đề này như thế nào?
Vấn đề này, ông Nguyễn Bằng Toàn cho biết, Nghệ An có 242 chỉ tiêu lao động huyện nghèo được hưởng chính sách ưu đãi này. Tuy nhiên, sau thời gian đào tạo tiếng thì chỉ có 156 người đủ tiêu chuẩn và đã có 54 người đi sang Hàn Quốc. Việc kiểm tra các đối tượng này chỉ căn cứ vào hộ khẩu và xác nhận của chính quyền địa phương chứ không thể đi sâu tìm hiểu từng lao động.
Ông Trần Hồng Châu - Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An thừa nhận vẫn có nhiều hộ dân không muốn thoát nghèo, cố tình bám nghèo, chạy theo cái nghèo hoặc "phấn đấu" trở thành hộ nghèo.
Vấn đề nhập khẩu khống vào các huyện nghèo để được hưởng chính sách ưu đãi XKLĐ, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An mới biết qua các phương tiện thông tin đại chúng và đang cho kiểm tra. Tuy nhiên theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH thì người lao động có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên 12 tháng tại các huyện nghèo 30a vẫn đủ điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi này. Sở LĐ-TB&XH Nghệ An xin tiếp thu ý kiến của cử tri sẽ làm việc với UBND các huyện, UBND các xã và công an huyện để xác minh lại để sàng lọc các lao động. Các lao động không đúng đối tượng sẽ có hướng xử lý để không làm ảnh hưởng đến chính sách xóa đói giảm nghèo theo con đường XKLĐ cho các huyện nghèo.
Tại buổi chất vấn, vấn đề Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An tuyển chui lao động sang Đức trong khi chỉ có Cục quản lý lao động ngoài nước mới là cơ quan đủ thẩm quyền để thực hiện (Dân trí đã có bài phản ánh) được đại biểu đề nghị người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH làm rõ. Ông Nguyễn Bằng Toàn cho biết, vấn đề lãnh đạo Sở LĐ-BT&XH đã biết thông quan các phương tiện thông tin đại chúng. Sở LĐ-TB&XH đã giao cho phòng chức năng làm rõ và sẽ trả lời bằng văn bản sau.
Công tác bình xét hộ nghèo cũng được rất nhiều đại biểu quan tâm như việc bình xét chưa thực sự khách quan, mang tính cả nể, chưa chính xác, việc hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo, hộ đói còn nhiều bất cập dẫn đến không công bằng, gây băn khoăn, bức xúc trong nhân dân.
Sau khi ông Nguyễn Bằng Toàn giải trình, ông Trần Hồng Châu – Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An thừa nhận, “Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn có tình trạng các hộ nghèo không muốn thoát nghèo, cố tình bám nghèo, chạy theo cái nghèo hoặc phấn đấu trở thành hộ nghèo. Đây là một xu hướng xấu, cần phải lên án. Cái này là nghèo về văn hóa, nghèo về ý chí. Cái nghèo này khó giải quyết hơn”.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị các ngành chức năng, bên cạnh thực hiện các giải pháp nhằm bình xét hộ nghèo đúng, đảm bảo công bằng, tránh tình trạng cào bằng hay bệnh thành tích của các địa phương cũng cần quan tâm đến nhóm giải pháp nhằm giúp các hộ nghèo thoát nghèo một cách bền vững, chống tư tưởng ỷ lại, trông chờ.
Hoàng Lam