Giám định ADN hài cốt liệt sĩ sẽ "chặn" các nhà ngoại cảm lừa đảo

(Dân trí) - “Thông qua việc giám định ADN hài cốt liệt sĩ sẽ hạn chế tình trạng mạo danh ngoại cảm để trục lợi và lừa đảo. Tuy nhiên, do tính cẩn trọng của công tác, việc triển khai không thể nhanh chóng được dù các cơ quan chức năng đang chạy đua với thời gian”.


Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (Ảnh: H.M)

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (Ảnh: H.M)

Ông Đào Ngọc Lợi - Cục Phó Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) - trao đổi với PV Dân trí về công tác xác minh danh tính liệt sĩ thông qua việc giám định AND và chứng thực thời gian qua.

- Thưa ông, Cục Người có công đang cùng nhiều cơ quan chức năng triển khai Đề án 150 nhằm triển khai công tác xác minh danh tính liệt sĩ. Vậy tới nay, kết quả triển khai ra sao?

- Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 Đề án liên quan tới việc quy tập và xác minh hài cốt, danh tính liệt sĩ, đó là: Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237), do Bộ Quốc phòng triển khai; Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), do Bộ LĐ-TB&XH triển khai.

Đề án 150 được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định AND và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai trên gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

Thông qua phương pháp thực chứng và sự phối hợp với nhiều cơ quan chức năng, thông tin đồng đội, đơn vị, thân nhân liệt sĩ và nơi quy tập hài cốt liệt sĩ, kết quả đã khớp nối thông tin được 2.044 liệt sĩ báo tin về cho thân nhân.


Ngày 26/7, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH công bố thêm 99 danh tính liệt sĩ thông qua phương pháp giám định ADN.

Ngày 26/7, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH công bố thêm 99 danh tính liệt sĩ thông qua phương pháp giám định ADN.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thiện một phần mềm cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; nghiên cứu xây dựng quy trình xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin và trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ phục vụ công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

“Việc xác định danh tính liệt sĩ qua giám định AND đã hạn chế tình trạng thân nhân liệt sĩ nôn nóng muốn tìm mộ nhưng thiếu thông tin về liệt sĩ nên đã nhờ vào một số người tự xưng là có khả năng đặc biệt gọi là nhà ngoại cảm. Không ít trường hợp thân nhân liệt sĩ đã bị lừa đảo từ việc nhờ nhà ngoại cảm” - ông Đào Ngọc Lợi nói.

- Chiến tranh đã lùi xa, công việc của những người làm giám định ADN dường như đang chạy đua với thời gian để phục hồi lại danh tính liệt sĩ từ những thông tin dù là nhỏ nhất. Vậy, những khó khăn chính mà người thực hiện gặp phải khi triển khai công việc này là gì, thưa ông?

- Công tác tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt càng để lâu càng khó khăn, phức tạp. Vì vậy, chúng tôi luôn xác định phải đẩy nhanh hơn nữa công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN.

Khó khăn nhất hiện nay là mẫu hài cốt liệt sĩ đã chôn cất nhiều năm, sự phân hủy rất lớn, khó khăn trong việc phân tích ADN.

Mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ, đặc biệt là đối tượng lấy mẫu theo dòng mẹ đã già yếu, cá biệt có một số trường hợp không còn thân nhân để lấy mẫu đối chiếu.

Năng lực của các đơn vị giám định còn hạn chế, do việc đầu tư, nâng cấp chưa thực hiện được. Bên cạnh đó việc quản lý, lưu trữ hồ sơ, thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ không đầy đủ.

Ông Đào Ngọc Lợi - Cục Phó Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH).
Ông Đào Ngọc Lợi - Cục Phó Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH).

Chúng ta cũng chưa ban hành được quy trình xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Trong khi đó, công suất phân tích ADN của các đơn vị giám định vẫn thấp.

- Vậy trường hợp thân nhân liệt sĩ có nhu cầu xét nghiệm ADN để xác định hài cốt cần phải làm gì, thủ tục giám định về cơ bản ra sao, thưa ông?

- Gia đình liệt sĩ sẽ được hỗ trợ toàn bộ kinh phí một lần giám định ADN đối với mỗi liệt sĩ cần xác định danh tính. Thủ tục về cơ bản sẽ theo các bước sau.

Thân nhân liệt sĩ làm đơn đề nghị (có xác nhận của UBND xã, phường) gửi Cục Người có công. Đơn đề nghị có kèm theo giấy báo tử liệt sĩ, bằng Tổ quốc ghi công, bản trích lục thông tin về quân nhân mấ tin, mất tích do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố cấp.

Trong trường hợp mất giấy báo tử, thân nhân liệt sĩ có thể đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành phố nơi đang quản lý mộ xin sao lục lại. Trường hợp thông tin được xác định do đồng đội cũ thì phải xác định rõ họ tên, địa chỉ của người cung cấp thông tin (có xác nhận của chính quyền xã, phường nơi người cung cấp thông tin cư trú).

Trường hợp thân nhân liệt sĩ gửi hồ sơ đề nghị đến Sở LĐ-TB&XH nơi cư trú hoặc nơi có mộ liệt sĩ cần xác định danh tính thì Sở LĐ-TB&XH phải có công văn và gửi hồ sơ đến Cục Người có công.

Cục Người có công sẽ hướng dẫn thân nhân liệt sĩ cách thức lấy mẫu hài cốt liệt sĩ và thân nhân, gửi văn bản cho thân nhân liệt sĩ, Sở LĐ-TB&XH nơi quản lý hồ sơ và nơi quản lý mộ liệt sĩ để thực hiện việc lấy mẫu hài cốt liệt sĩ.

Sau khi lấy mẫu hài cốt liệt sĩ và thân nhân, Sở LĐ-TB&XH hoặc thân nhân gửi biên bản bàn giao mẫu hài cốt liệt sĩ và các giấy tờ có liên quan đến Cục Người có công để gửi đi giám định.

Khi có kết quả giám định, Cục Người có công rà soát lại hồ sơ và thông tin về liệt sĩ báo tin về cho thân nhân liệt sĩ, Sở LĐ-TB&XH nơi quản lý hồ sơ và nơi quản lý mộ liệt sĩ (nếu đúng thì tổ chức gắn bia, ghi tên trên bia mộ liệt sĩ và báo tin về phần mộ liệt sĩ cho thân nhân liệt sĩ).

“Cả nước có hơn 500.000 hài cốt liệt sĩ chưa được xác minh thông tin (thiếu hoàn toàn thông tin; thiếu một phần thông tin, như chỉ có tên, quê, đơn vị ...), gồm: Khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang, nằm chủ yếu ở các tỉnh phía Nam và ở nước bạn Lào, Campuchia; Trên 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin” - ông Đào Ngọc Lợi nói.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Mạnh (thực hiện)