Giải trình về quy hoạch để chặn lợi ích nhóm, thông đồng, tiêu cực
(Dân trí) - Chính quyền thu hồi quy hoạch treo, người dân phấn khởi. Cần quy định lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch xây dựng, trách nhiệm giải trình của đơn vị quy hoạch, tư vấn nhằm ngăn chặn lợi ích nhóm trong việc lập quy hoạch… ĐBQH góp ý trong phiên thảo luận chiều 11/11.
Khó giám sát công trình lớn của TƯ
Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), nhiều ý kiến của đại biểu tập trung vào vấn đề quy hoạch xây dựng. Báo cáo thẩm tra về dự án luật của UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, nguyên tắc cần đặt lên hàng đầu là tắc quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước, tạo cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư và công cụ quản lý khi luật mới chưa được ban hành.
Đại biểu Phạm Văn Cường (Lào Cai) nêu thực tế, thời gian qua, vấn đề quy hoạch xây dựng có quá nhiều bất cập, đó là việc quy hoạch treo hay quy hoạch rồi sau đó lại điều chỉnh, việc sửa đi, sửa lại đã gây bức xúc trong nhân dân. Đại biểu nêu yêu cầu, việc sửa luật hiện hành cần phải quy định việc công khai minh bạch trong thực hiện quy hoạch.

Đại biểu Lê Trọng Sang (TPHCM) nhận định, quy hoạch xây dựng là một vấn đề rất quan trọng. Kinh nghiệm ở một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc, cần quy định rõ ràng về việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch xây dựng, trách nhiệm giải trình của các đơn vị quy hoạch, tư vấn nhằm ngăn chặn lợi ích nhóm trong việc lập quy hoạch.
Ông Sang chỉ rõ, dự thảo luật đề xuất quy định thời gian lấy ý kiến nhân dân đồ án quy hoạch là 30 ngày, đối với cơ quan là 15 ngày. Đại biểu đề nghị tăng thời gian gấp đôi để bảo đảm chặt chẽ hơn. Đại biểu cũng gợi ý quy định cụ thể những loại đồ án quy hoạch do UBND tỉnh chỉ định, còn lại nên cho đấu thầu đơn vị lập quy hoạch đồ án để tránh thông đồng lợi ích, ngăn chặn tiêu cực.
Ông Lê Trọng Sang cũng “phê” quy định về vấn đề cấp phép xây dựng tạm. Đại biểu lập luận, xây dựng gì thì người dân cũng phải bỏ công sức, tiền bạc đầu tư, xác định “tạm” hết sức lãng phí. Vì vậy, cần quy định cụ thể hơn về việc cấp phép xây dựng trong khu vực đã có quy hoạch (không gọi là cấp phép xây dựng tạm) để giải quyết bức xúc của người dân, giải quyết tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch tạm.
Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TPHCM) cũng góp ý, đối với các dự án treo, cần quy định rõ việc nhà nước bồi thường như nào cho người dân khi quy hoạch quá hạn mà chưa triển khai. Kinh nghiệm của TPHCM vừa qua, thành phố thu hồi các dự án treo, người dân rất phấn khởi. Từ đó, đại biểu đề nghị tăng cường vai trò của người dân trong quy hoạch như quy định lấy ý kiến nhân dân về đồ án quy hoạch phải ghi rõ đối tượng người dân được mời lấy ý kiến như đại diện MTTQ, hội Phụ nữ…
Tán thành ý kiến này, đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) cho rằng đó là một cách tăng cường sự giám sát của cộng đồng trong lĩnh vực xây dựng. Nữ đại biểu cho rằng trong thực tế, giám sát trong cộng đồng chỉ giám sát được những công trình địa phương đầu tư, còn các công trình lớn của bộ, ngành TƯ rất khó để giám sát. Nếu quy định rõ trong luật đầy đủ quy trình công bố, trách nhiệm, quyền hạn của cộng đồng giám sát sẽ góp phần phát huy được sự giám sát của nhân dân ở địa phương, hạn chế được tiêu cực trong quá trình xây dựng.
“Trói” trách nhiệm cơ quan thanh tra môi trường
Cũng trong chiều 11/11, các tổ đại biểu Quốc hội cũng dành thời gian thảo luận về dự thảo Luật bảo vệ môi trường. Một số đại biểu đề nghị dự luật cần quy định về nội dung, giải pháp và trách nhiệm trong phòng chống, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là trong tình hình thiên tai như hiện nay. Các đại biểu cũng đồng tình cần thiết phải sửa luật, vì ô nhiễm môi trường hiện nay là đáng báo động, tác động đến đời sống dân cư.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) lên tiếng đầy bức xúc khi chỉ rõ, ô nhiễm môi trường hiện nay là đáng báo động, tác động đến đời sống nhân dân. “Cần đưa chế tài ngay trong luật để xử phạt hành chính đủ nặng, đủ sức răn đe với tổ chức, cá nhân vi phạm, cũng như chấm dứt tình trạng cơ quan quản lý vẫn đi kiểm tra, giám sát, chỉ ra sai phạm, sau đó xử phạt nhẹ nhàng và bỏ ngỏ vụ việc” – Ông Thiện đặt vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Văn Phụng (TPHCM) cũng phân tích, xử phạt trong lĩnh vực môi trường chủ yếu là phạt hành chính, chưa có vụ nào truy cứu hình sự dù hành vi rất nghiêm trọng. Ông Phụng dẫn chứng, Vedan vi phạm nghiêm trọng, xả thải trộm, đầu độc sông Đồng Nai nhưng chỉ bị phạt 200 tỷ đồng. Hào Dương vi phạm tới lần thứ 10 nhưng cũng chỉ bị phạt hành chính. Trong khi hành vi của các doanh nghiệp này là không thể chấp nhận được, khi xả thải trực tiếp ra môi trường.
Cũng là một đại biểu của TPHCM, bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang đề cập đến quy định về thanh tra, kiểm tra trong bảo vệ môi trường. Bà Trang khát quát, công tác thanh, kiểm tra trong bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều hạn chế khi thời gian qua, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường do thanh tra phát hiện còn ít, nhiều vụ việc nghiêm trọng chủ yếu do lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện hoặc do người dân phản ánh.
Nữ đại biểu đề nghị, ngoài quy định bắt buộc thanh tra định kỳ 2 lần/năm, dự án luật cần bổ sung quy định ít nhất 1 lần thanh tra đột xuất, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra trong việc phát hiện các hành vi vi phạm về môi trường.
P.Thảo