1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giải thưởng báo chí Quốc gia 2010: Dân trí lập hat-trick

(Dân trí) - Nếu năm 2008, chỉ có 1 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, năm 2009 có 2 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo (một tác phẩm đoạt Giải khuyến khích) thì năm 2010, báo Dân trí có ba tác phẩm đoạt Giải báo chí Quốc gia (01 giải B và 2 Giải Khuyến khích).

Đây là cú hat-trick đầu tiên của báo Dân trí, đánh dấu một bước đi mới trong chặng đường phát triển. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin giới thiệu đôi nét về các tác phẩm được giải.
 
Chúng tôi đã may mắn
 
Khu đất xây dựng khách sạn SAS Royal Hotel vốn là đất của Công viên Thống Nhất và cuối cùng cũng đã trở về với Công viên này. Chúng tôi là những người may mắn khi có cơ hội theo đuổi vụ việc đến cùng và may mắn hơn, bài báo viết về vụ việc này còn đạt giải tại Giải báo chí quốc gia 2010.
 
Giải thưởng báo chí Quốc gia 2010: Dân trí lập hat-trick - 1
PV Cấn Cường (trái) và Phương Thảo.
 
Sau khi Kiến trúc sư Trần Thanh Vân có bài phản đối việc xây dựng khách sạn SAS trong Công viên Thống nhất, chúng tôi đã có bài phỏng vấn Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (ngày 12/2/2009) xung quanh sự việc này, nhất là ở khía cạnh quy hoạch.
 
Trong trả lời phỏng vấn, KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh: “Dành ra những quĩ đất rất giá trị trong khu đô thị để làm của công là việc đòi hỏi phải có sự cám đảm, quyết tâm rất cao. Còn việc biến công viên thành khác sạn rõ ràng không phải là cố gắng của cộng đồng, của số đông”...
 
Quan điểm KTS Ánh nêu lên cũng là quan điểm của những người dân mà chúng tôi gặp ngẫu nhiên tại công viên Thống Nhất. “Có ai lại đi chọn giải pháp cắt bớt một phần lá phổi của mình để làm khách sạn, phục vụ mục đích kinh doanh?” hay “chật chội, ô nhiễm, đầy áp lực - thành phố đã thừa bức bối rồi trong khi những khoảng xanh như này đếm được bao nhiêu mà còn cắt xây khách sạn? không hợp lý chút nào!”... là những điều đã được nhiều người nói lên.
 
Nhiều người từng góp sức xây dựng công viên nay tuổi cao, chiều chiều tập thể dục tại công viên cũng tỏ rõ sự buồn tiếc cho công sức của cả một thế hệ thanh niên hồ hởi, chung tay để tạo nên một khoảng xanh quý giá giữa lòng Thủ đô Hà Nội...
 
Trước nhiều ý kiến phản hồi của dư luận, đại diện Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố đã trao đổi với báo chí về việc xây dựng khách sạn này. Theo giải thích của đại diện Văn phòng Ủy ban, việc xây dựng khách sạn nhằm tôn trọng cam kết với Thụy Điển và khu đất xây khách sạn hiện đã là đất công cộng (không còn là đất công viên).
 
Dân trí tiếp tục có bài phỏng vấn GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường và trong bài phỏng vấn, ông Võ khẳng định, cho dù là đất công cộng đi nữa cũng không thể là căn cứ pháp lý để chuyển mục đích sử dụng công sang làm mặt bằng sản xuất kinh doanh (trong đó có xây khách sạn).
 
Sau đó, Đại sứ quán Thụy Điển (tại văn bản gửi báo Dân trí) cũng khẳng định, Thụy Điển không còn liên quan đến dự án xây dựng khách sạn... Trước đó, việc Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố cho ý kiến chỉ đạo xem xét các ý kiến của cộng đồng cùng những ý kiến của các chuyên gia, độc giả cũng được Dân trí thông tin.
 
Ngày 26/3/2009, Bộ Xây dựng có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định dừng dự án xây dựng khách sạn SAS tại Công viên Thống Nhất. Ngày 14/4/2009, Thủ tướng đã có ý kiến dừng việc xây dựng khách sạn SAS Royal Hotel và giao Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan lựa chọn một địa điểm khác giới thiệu cho nhà đầu tư...
 
Tất cả những diễn tiến này đều được chúng tôi bám sát đưa tin. Tổng cộng chúng tôi đã có 16 tin bài xung quanh việc xây dựng khách sạn tại Công viên Thống nhất. Các tin bài đều đã được Ban Biên tập báo điện tử Dân trí xử lý kịp thời và đặt ở những vị trí quan trọng, trong đó có nhiều bài ở vị trí nổi bật.
 
Những nỗ lực của báo Dân trí cùng với các tờ báo khác đã mang lại kết quả khả quan, khu đất vốn thuộc Công viên Thống nhất cuối cùng đã trở về với Công viên Thống Nhất.
 
Với loạt bài về sự việc này chúng tôi (Cấn Cường - Phương Thảo) đã may mắn đạt giải B Giải báo chí toàn quốc năm nay. Đây là giải thưởng đầu tiên và cũng là giải thưởng rất có ý nghĩa đối với mỗi chúng tôi. Và có thể nói, "thần may mắn" đã mỉm cười với chúng tôi.
 
Giải thưởng đầu tiên
 
Là phóng viên theo dõi mảng giáo dục nên hàng ngày tôi nhận được rất nhiều thông tin và đơn thư của bạn đọc phản ánh về giáo dục.
 
Giải thưởng báo chí Quốc gia 2010: Dân trí lập hat-trick - 2
PV Hồng Hạnh.
 
Vào cuối tháng 8 năm 2009, tôi nhận được đơn thư của nhiều phụ huynh ở trường Tiểu học thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội phản ánh phải đóng góp đầu năm học tới 23 khoản thu, trong đó các khoản thu rất phi lý như Quỹ quản trường; Quỹ chăm sóc cây; Giấy kiểm tra; Tu sửa cơ sở vật chất (trong và ngoài khu vực); Bảo hiểm điện; Vở rèn chữ của Phòng Giáo dục; Vở rèn chữ mẫu chữ thẳng hàng và mẫu chữ nghiêng 2 cuốn; Vật kỷ niệm; Khăn bông bay; Hao mòn đồ dùng...
 
Thực sự khi nhận được đơn thư phản ánh của phụ huynh ở khu vực nông thôn nghèo này mà phải gánh những khoản thu vô lý của trường, tôi cũng rất bức xúc và trực tiếp gặp nhiều phụ huynh để kiểm tra thông tin và nghe giãi bày của họ.
 
Ngay sau đó, tôi gặp trực tiếp bà Hiệu trưởng của trường và được giải thích: “Trong các khoản thu này, chính thức nhà trường chỉ có 2 khoản là học 2 buổi/ngày và hao mòn đồ dùng. Còn lại các khoản thu khác là do phụ huynh đề ra và nhờ giáo viên chủ nhiệm thu hộ (?).
 
Đây chính là hình thức mà nhiều trường học hiện nay lợi dụng hội phụ huynh để thu tiền. Để khẳng định việc thu sai của trường, tôi đã gặp bà Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Xuyên và bà khẳng định: “Học sinh tiểu học được miễn các khoản đóng góp, trừ các khoản thu như quỹ Đoàn, Đội và các loại tiền bảo hiểm hoặc đóng tiền khi các trường tổ chức học 2 buổi/ngày. Chúng tôi sẽ xuống kiểm tra lại các khoản thu mà báo phản ánh”.
 
Ngay sau khi bài báo được đăng tải, lãnh đạo Phòng GD&ĐT, Huyện ủy, UBND huyện Phú Xuyên đã về trường làm việc. Sở GD&ĐT đã cử đoàn thanh tra về kiểm tra.
 
Ngày 9/9/2009, Phòng GD&ĐT Phú Xuyên và Sở GD&ĐT Hà Nội, đã kết luận: Trong 23 khoản mà Trường tiểu học Phú Minh thông báo thu của phụ huynh học sinh thì chỉ có 01 khoản thu học 2 buổi/ngày là đúng quy định. Đoàn đã yêu cầu thu hồi và niêm phong những khoản thu không đúng quy định và trả lại hết cho phụ huynh học sinh vào ngày 16/9/2009.
 
Sau loạt bài báo thu - chi sai này trên báo Dân trí, lần đầu tiên Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị với 29 lãnh đạo phòng GD&ĐT quận, huyện trên địa bàn để hướng dẫn mức thu phí và các khoản thu của năm học 2009 - 2010.
 
Phản ánh sự việc trên, tôi (Hồng Hạnh) chỉ đơn giản nghĩ rằng đó là công việc của phóng viên, là trách nhiệm của nhà báo nên tôi thực sự bất ngờ và xúc động khi bài báo đã được trao giải báo chí quốc gia năm 2010. Tuy không phải giải cao nhưng đây là giải thưởng đầu tiên trong cuộc đời làm báo của tôi nên tôi rất xúc động và hạnh phúc.
 
Linh cảm nghề nghiệp đã giúp tôi
 
Đó là một ngày Hà Nội rét bất thường. Tại quán cà phê vỉa hè đầu ngã tư Lý Thường Kiệt - Quang Trung HN, em bé đánh giày Nguyễn Văn Sao xuất hiện trước mắt tôi như một kẻ nghiện ma túy thâm niên. Đôi môi thâm đen, da tái xanh, bàn tay xù xì cùng với đôi mắt hoen đỏ, nhưng lại luôn nhìn xoáy vào người khác một cách khó hiểu. Linh tính nghề nghiệp mách bảo, tôi đưa giày cho em.
 
Giải thưởng báo chí Quốc gia 2010: Dân trí lập hat-trick - 3
PV Tuấn Hợp.
 
Câu chuyện tâm sự của tôi và Sao lúc to lúc nhỏ, kèm theo là những tiếng nấc nghẹn ngào của một đứa trẻ bất hạnh vì gia đình vỡ tan, bố mẹ chia tay nhau đã đẩy cuộc đời em ra hè phố với căn bệnh tim bẩm sinh.
 
Trong sự thổn thức, Sao nói với tôi rằng mơ ước lớn nhất của em là làm thế nào gom đủ số tiền đánh giày hàng ngày để chờ có cơ hội vào viện mổ tim. Mơ ước đó đối với thu nhập của một người đánh giày bình thường đã quá khó, đối với Sao càng không tưởng vì với dáng vẻ môi thâm, da tái xanh của bệnh tim, nhiều người tưởng lầm em nghiện ma túy nên không phải ai cũng dám đưa giày cho Sao đánh. Số tiền ít ỏi kiếm được hàng ngày tằn tiện cũng chỉ đủ nuôi miệng ăn và trả tiền thuê phòng trọ bên kia cầu Long Biên.
 
Nhiều hôm thời tiết thay đổi, với những cơn đau đột biến đã vật em ngã lăn ra hè phố. Những người dân trong khu vực dù có thương, muốn giúp Sao thì cũng chỉ được bát cơm, cốc nước cho qua ngày.
 
Số phận của Sao vẫn mong manh bởi bệnh tim quái ác hàng ngày hành hạ em. Mơ ước kiếm tiền để tự chữa tim cho mình dần đã tắt ngấm trong em bởi càng ngày, Sao càng yếu. Những hơi thở gấp gáp như báo trước cuộc sống của Sao đang cận kề với thế giới bên kia.
 
Khi đó, Sao chỉ dám mong có ngày được trở về với bà, được sà vào lòng bà, để bà ôm ấp vuốt ve. Món quà Sao mơ ước là có một chiếc áo ấm tặng bà để bà chống chọi với bệnh khớp và cái rét nơi miền sơn cước.
 
Trong hơi thở nhọc nhằn, Sao kể cho tôi nghe mùa thu trên quê em (thôn Giao Bình, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) đẹp lắm, những ruộng lúa vàng óng hình bậc thang xếp tầng tầng lớp lớp trải dài mê mải quanh co trên các sườn núi như đường lên trời... Câu chuyện của Sao cảm động đến mức mọi người vây kín.
 
Chuyện về số phận một em bé đánh giày chờ chết trên hè phố được tôi viết gấp ngay sau đó vì lo sợ nếu không viết nhanh thì mình sẽ không còn cơ hội để viết về em nữa bởi: Em sẽ chết mà không được những tấm lòng nhân ái trong xã hội nhanh tay cứu giúp.
 
Chỉ khoảng 15 phút sau khi câu chuyện về “Em bé đánh giày chờ chết trên hè phố” được báo điện tử Dân trí đăng tải, máy điện thoại của báo Dân trí nóng ran bởi hàng nghìn cuộc điện thoại dồn dập gọi về tòa soạn chia sẻ với hoàn cảnh của Sao.
 
Cùng với đó là những tấm lòng hảo tâm của bạn đọc trong và ngoài nước ủng hộ Sao qua Quỹ Tấm lòng nhân ái của báo điện tử Dân trí. Chỉ một thời gian ngắn, số tiền giúp đỡ sao đã lên đến gần 300 triệu đồng.
 
Với sự giúp đỡ tận tình của các y, bác sĩ Bệnh viện tim Hà Nội, ca phẫu thuật tim của Sao đã thành công mở ra một tương lai tươi sáng cho Sao. Một Việt kiều giấu tên đã nhận Sao vào lớp đào tạo nghề miễn phí và hứa sẽ xin việc cho Sao vào làm việc tại một khách sạn nổi tiếng giữa chốn Hà Thành.
 
Số phận đặc biệt của em bé đánh giày Nguyễn Văn Sao đã được những tấm lòng nhân ái trong xã hội cứu giúp, đưa em trở về với một cuộc sống đời thường và một tương lai tươi sáng. Nhưng Sao là một em bé may mắn vì hiện vẫn còn hàng triệu những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác đang chờ được sự giúp đỡ, sẻ chia...
 
Số phận đã đưa tôi (Tuấn Hợp) đến với em và em đến với tôi.
 
Nhóm PV