Giải quyết vướng mắc liên quan đến xin nhập, giữ quốc tịch còn thiếu bài bản

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước giải quyết 2.487 hồ sơ quốc tịch (trong đó có 2.467 hồ sơ xin thôi, 14 hồ sơ xin nhập, 6 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam). Việc giải quyết vướng mắc liên quan đến một số trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam và xin giữ quốc tịch nước ngoài còn chưa hiệu quả, thiếu bài bản.

Theo báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ Tư pháp, công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, nhất là trong việc xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài được chú trọng.

Tổng số việc phải thi hành trên 778.400 việc và đã thi hành xong trên 389.200 việc (đạt tỉ lệ 64,7%). Tổng số tiền phải thi hành trên 171.711 tỷ nghìn đồng và đã thi hành xong gần 19.900 tỷ, đạt tỉ lệ 19% (giảm gần 7 % so với cùng kỳ năm 2017).

Bộ Tư pháp đánh giá, số việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong chuyển sang kỳ sau tăng, một số địa phương có kết quả thi hành án đạt thấp. “Còn tình trạng vi phạm, sai sót của Chấp hành viên, công chức thi hành án trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án. Vẫn còn 52 bản án, quyết định đã có hiệu lực của toà án về vụ án hành chính từ năm 2017 trở về trước chưa được thi hành xong”- Bộ Tư pháp thông tin.

Việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc tiếp tục đạt kết quả tích cực. Bộ Tư pháp đã mở rộng triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch tại 28 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; đã đào tạo, tập huấn để mở rộng áp dụng phần mềm cho các tỉnh: Bắc Kạn, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Gia Lai.

Các vấn đề về hộ tịch, quốc tịch liên quan đến người di cư tự do từ các nước có chung đường biên giới về nước được Bộ Tư pháp và các địa phương quan tâm giải quyết thông qua các hoạt động cụ thể triển khai thực hiện.

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Công tác đăng ký hộ tịch ở các địa phương được thực hiện đúng quy định, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. 6 tháng đầu năm đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho trên 1 triệu trường hợp, đăng ký khai sinh lại cho gần 500 nghìn trường hợp; khai tử cho 300 nghìn trường hợp, đăng ký kết hôn cho trên 400 nghìn cặp - trong đó có 10.336 trường hợp có yếu tố nước ngoài (tăng 6,9%).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ để trình Chủ tịch nước giải quyết 2.487 hồ sơ quốc tịch (trong đó có 2.467 hồ sơ xin thôi, 14 hồ sơ xin nhập, 6 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam); trả lời 860 trường hợp tra cứu, xác minh quốc tịch Việt Nam theo đề nghị của các cơ quan, tăng gần 66% so với 6 tháng đầu năm 2017.

“Việc triển khai phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch chưa đồng bộ, thiếu sự quyết liệt, sáng tạo, nhất là ở cấp địa phương. Hệ quả là mới chỉ có 28/63 tỉnh/thành phố vận hành Phần mềm này, trong khi đó thời gian từ nay đến thời điểm phải hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chỉ còn hơn 1 năm. Việc đăng ký hộ tịch ở một số địa phương vẫn còn xảy ra những sai sót”- Bộ Tư pháp nhìn nhận.

Trong khi đó, việc giải quyết vướng mắc liên quan đến một số trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam và xin giữ quốc tịch nước ngoài còn chưa hiệu quả, thiếu bài bản. Tình trạng lạm dụng bản sao chứng thực tiếp tục tăng cao (tăng gần 23%).

Bộ Tư pháp cũng nhận định công tác nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài tiềm ẩn một số vấn đề phức tạp; còn một số địa phương vẫn chưa chỉ định cơ sở nuôi dưỡng được giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài, không thực hiện biện pháp tìm gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, tạo nên “điểm nghẽn” trong công tác này.

Vi phạm trong hoạt động hành nghề luật sư, công chứng, nhất là trong đấu giá tài sản còn nhiều; có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa một số tổ chức hành nghề công chứng, đấu giá tài sản.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cho biết sẽ tiếp tục mở rộng và triển khai đồng bộ, hiệu quả Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch, phấn đấu có thêm ít nhất 10 tỉnh/thành phố; giải quyết dứt điểm các trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam và giữ quốc tịch nước ngoài còn tồn đọng và khắc phục tình trạng tồn đọng thông tin chưa xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Thế Kha