Hơn 6.000 Việt kiều đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam

(Dân trí) - Trong số 4,5 triệu người Việt định cư tại nước ngoài hiện nay, có hơn 6000 người đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, trên 2000 trường hợp xin thôi quốc tịch… Đây là thông tin được đưa ra trong cuộc họp báo quý I của Bộ Tư pháp, tổ chức sáng 8/4.

Báo cáo của Bộ Tư pháp thể hiện, về lĩnh vực quốc tịch, trong quý I/2014, Bộ đã tham mưu, đề xuất và trình Chủ tịch nước giải quyết 2.062 hồ sơ xin thôi, xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Trong đó, có 2.055 trường hợp xin thôi quốc tịch, 4 hồ sơ xin nhập quốc tịch và 3 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

Về câu chuyện thời sự, hàng triệu người Việt có thể mất quốc tịch Việt Nam sau thời điểm ngày 1/7/2014 tới nếu không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực của Bộ Tư pháp Nguyễn Công Khanh giải thích, quy định này đưa ra khi sửa luật Quốc tịch năm 2008 (có hiệu lực từ 1/7/2009). Khi xây dựng luật này, xét đến tình trạng không rõ ràng về quốc tịch của hàng triệu người Việt ở nước ngoài thời điểm đó, Quốc hội đã thống nhất hướng quy định công nhận người Việt định cư ở nước ngoài vẫn có quốc tịch Việt Nam và trong vòng 5 năm kết từ khi luật có hiệu lực phải đăng ký giữ quốc tịch. Sau thời hạn này, kể từ 1/7 năm nay, những người không đăng ký sẽ bị mất quốc tịch.
 
Sau 1/7/2014, những Việt kiều không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ bị mất quốc tịch.
Sau 1/7/2014, những Việt kiều không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ bị mất quốc tịch.

Ông Khanh thông tin, việc đăng ký quốc tịch đã triển khai 5 năm qua nhưng mới có trên 6.000 người đang định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước cũng xác định số lượng người đăng ký giữ quốc tịch sẽ không nhiều vì trong số 4,5 triệu Việt kiều hiện tại, phần lớn đều đã có quốc tịch nước ngoài. Quy định chặt chẽ ở nhiều nước áp dụng nguyên tắc một quốc tịch khiến nhiều người phải lựa chọn vì nếu giữ quốc tịch Việt Nam sẽ không được nhập tịch ở nước sở tại.

“Trong số 6000 người đăng ký giữ quốc tịch, không có thống kê chính xác về tỷ lệ người có hoặc chưa có quốc tịch nước ngoài nhưng chủ yếu là những người định cư ở Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp (những người chấp nhận cho người nhập tịch giữ quốc tịch cũ). Còn những địa bàn theo nguyên tắc một quốc tịch, thì rất ít người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam” – ông Khanh nói.

Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cũng chỉ rõ thêm, sự không rõ ràng về quốc tịch của phần lớn người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã gây khó khăn không những cho bản thân họ trong việc tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, mà còn gây khó khăn trong việc thực hiện chủ trương, chính sách bảo hộ của Nhà nước đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài trong trường hợp cần thiết.

Ông Nguyễn Công Khanh cho biết, trước tình trạng này, Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực đã cùng Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật Hành chính - Hình sự và một số đơn vị hành chính, trị sự liên qua đã liên tục họp để đề xuất các phương án như sửa như thế nào, kéo dài thêm thời gian hay không, hoặc kiến nghị các phương án khác…

Phương án chốt cuối cùng sẽ chờ Bộ trưởng Hà Hùng Cường họp thống nhất với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an để trình Thủ tướng trong tuần tới rồi mới công khai được.

Cục trưởng Nguyễn Công Khanh cũng trao đổi thêm quan điểm, công dân Việt Nam không định cư ở nước ngoài, hoặc định cư ở nước ngoài nhưng vẫn còn hộ chiếu có hiệu lực thì không phải đăng ký. Chỉ những người có hộ chiếu hết hạn sử dụng mà chưa gia hạn lại mới phải đăng ký, như vậy đối tượng đã khoanh lại hạn chế. Việc thôi hay không thôi giữ quốc tịch Việt Nam thời gian qua phần lớn là do pháp luật các nước có người Việt Nam định cư quy định chứ không phải do pháp luật Việt Nam.

Để khắc phục tình trạng quá ít người đăng ký giữ quốc tịch, theo ông Khanh, giải pháp tối ưu là sửa luật Quốc tịch một cách bài bản nhưng việc này cần thời gian.

“Còn giải pháp tối ưu trước mắt là xin phép QH gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch. Nếu QH cho phép, chúng tôi cũng sẽ tính đến những hình thức đăng ký thuận lợi hơn cho bà con, ví dụ việc đăng ký qua mạng về lý thuyết là hoàn toàn thực hiện được, hay vấn đề lệ phí đăng ký...”.

Còn nếu không có gì thay đổi, sau ngày 1/7 tới, những người không đăng ký sẽ mất quốc tịch VN, nếu muốn họ phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch VN. “Chúng tôi sẽ đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến việc này để tạo cơ chế thuận lợi cho những người mất quốc tịch do không đăng ký trước ngày 1/7 có thể dễ dàng trở lại quốc tịch VN” – ông Khanh nói.

P.Thảo