1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gần 6.000 hồ sơ xin thôi quốc tịch trong năm 2016

(Dân trí) - Năm 2016, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Chủ tịch nước giải quyết 6.009 hồ sơ quốc tịch, trong đó có 5.972 hồ sơ xin thôi quốc tịch, 25 hồ sơ xin nhập quốc tịch và 12 hồ sơ xin trở lại quốc tịch (tăng 1.035 hồ sơ so với năm 2015).

Bộ Tư pháp vừa có Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2016, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2017 lấy ý kiến góp ý của các bộ ngành, địa phương.

Năm 2016, Bộ Tư pháp đã cùng các bộ ngành, địa phương chú trọng tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến người di cư tự do từ Campuchia về nước; những người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú với công dân Việt Nam hiện đang cư trú trên địa bàn các huyện biên giới và tổ chức rà soát, đánh giá việc giải quyết vấn đề quốc tịch, hộ tịch của trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.

29 người Lào gốc Việt vui mừng khi được nhập quốc tịch Việt Nam (Ảnh: Đại Dương)
29 người Lào gốc Việt vui mừng khi được nhập quốc tịch Việt Nam (Ảnh: Đại Dương)

“Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Chủ tịch nước giải quyết 6.009 hồ sơ quốc tịch (trong đó: 5.972 hồ sơ xin thôi quốc tịch, 25 hồ sơ xin nhập quốc tịch và 12 hồ sơ xin trở lại quốc tịch), tăng 1.035 hồ sơ so với năm 2015; trả lời 3.990 trường hợp tra cứu, xác minh quốc tịch Việt Nam theo đề nghị của các cơ quan (tăng gần 50% so với năm 2015)”- báo cáo viết.

Cả nước đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho trên 1,86 triệu trường hợp (giảm 104.000 trường hợp so với năm 2015) và có gần 4.900 trường hợp khai sinh có yếu tố nước ngoài; khai tử cho trên 563.000 trường hợp (tăng gần 10% so với năm 2015); đăng ký kết hôn cho gần 751.000 cặp (trong đó có 16.100 trường hợp có yếu tố nước ngoài).

Số liệu trên cho thấy, trong khi số lượng đăng ký khai sinh mới và đăng ký kết hôn giảm thì đăng ký khai sinh lại, đăng ký khai tử và đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tăng khá nhiều so với năm 2015.

Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã triển khai thí điểm giai đoạn 1 phân hệ phần mềm đăng ký khai sinh tại các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và huyện Quế Phong - tỉnh Nghệ An. Sau khi sơ kết thí điểm giai đoạn 1, đã tiếp tục triển khai thí điểm giai đoạn 2, mở rộng địa bàn áp dụng phần mềm tại 7 tỉnh (An Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp); đồng thời, triển khai thí điểm phần mềm đăng ký hộ tịch (phiên bản đầy đủ) tại TP Hồ Chí Minh, An Giang và Sóc Trăng.

Đến nay, hệ thống đã thực hiện đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho gần 278.000 trường hợp.

9,5 triệu vụ vi phạm hành chính bị phát hiện

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, năm 2016 công tác kiểm soát thủ tục hành chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, các cấp chính quyền. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2016 về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Đây là một sáng kiến cải cách, tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính; đồng thời là một trong các giải pháp phòng, chống tiêu cực, nhũng nhiễu.

Thực hiện vai trò là cơ quan Thường trực Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo Đề án 896, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, xử lý các đề xuất đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính đối với một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các Bộ: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Y tế; chỉ đạo thực hiện rà soát độc lập trên 2.100 thủ tục hành chính có chứa thông tin công dân để kiến nghị phương án đơn giản hóa. Kết quả rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực đã có tác động tích cực đến người dân, doanh nghiêp như bảo hiểm, công thương, y tế.

Tuy vậy, cơ quan này thừa nhận việc thực hiện một số nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính chưa bảo đảm tiến độ. Tình trạng bộ ngành, địa phương chậm công khai thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính còn nhiều; trong việc giải quyết thủ tục hành chính, vẫn còn nhiều hồ sơ tồn đọng, quá hạn. Nhiều bộ, địa phương chưa quan tâm đến việc tổ chức triển khai, ứng dụng các sáng kiến cải cách thủ tục trong thực tiễn.

Theo báo cáo của các bộ ngành, địa phương, năm 2016 có trên 9,5 triệu vụ vi phạm hành chính bị phát hiện, đã xử phạt gần 9,3 triệu vụ; số vụ có dấu hiệu tội phạm được chuyển để truy cứu trách nhiệm hình sự là 6.631 vụ; tổng số tiền phạt, số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu hơn 10.380 tỷ đồng.

Về việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, có 30.066 đối tượng bị đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; trong đó có 15.265 đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 14.800 đối tượng bị đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND quyết định.

Thế Kha