TPHCM:
“Giải cứu” tuyến đường ra vào cảng hiện đại nhất Việt Nam
(Dân trí) - Các tuyến đường xung quanh cảng Cát Lái (quận 2) như đường Đồng Văn Cống, Vành đai 2, vòng xoay Mỹ Thủy thường xuyên bị kẹt xe, ùn ứ. Đặc biệt, đường Nguyễn Thị Định thường xuyên bị “tê liệt” vì muốn vào cảng Cát Lái, các phương tiện đều phải đi qua tuyến đường này.
Chiều 28/7, Sở GTVT TPHCM cùng các cơ quan chức năng và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị quản lý cảng Cát Lái) đã bàn về các giải pháp “giải cứu” cảng Cát Lái thoát khỏi cảnh kẹt xe thường trực.
Theo Sở GTVT TP, 6 tháng đầu năm 2016, cảng Cát Lái giao nhận một phần hàng hóa của các cảng khác như Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TPHCM), Cái Mép (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), dẫn đến lượng xe hằng ngày tăng khoảng 10,35% so với năm 2015. Trung bình có 17.000 xe/ngày đêm ra vào Cảng Cát Lái, cao điểm lên đến 21.000 xe/ngày đêm, chưa tính các loại xe ô tô khác lưu thông trên đường Nguyễn Thị Định mà không vào cảng Cát Lái, dẫn đến tuyến đường Nguyễn Thị Định bị quá tải. Trong khi đó, khả năng thông hành của đường Nguyễn Thị Định chỉ đáp ứng tối đa 16.000 xe/ngày đêm.
Theo quy hoạch đến năm 2020, năng lực dự kiến thông qua cảng Cát Lái khoảng 36 triệu tấn hàng hóa mỗi năm nhưng chỉ tính đến năm 2015 đã lên đến 49 triệu tấn/năm. Trong khi đó, hiện nay thủ tục vào Cảng Cát Lái đang tốn nhiều thời gian (trung bình mỗi xe mất 5 – 10 phút), thiếu phụ xe, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, khu vực vòng xoay Mỹ Thủy, thậm chí kéo dài ra Mai Chí Thọ và Xa lộ Hà Nội.
Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường cho biết, để giải quyết bài toán kẹt xe ở khu vực cảng Cát Lái, TP đã và đang thực hiện nhiều dự án giao thông. Tuy nhiên, do nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng, trong khi các dự án lớn chưa hoàn thành nên vẫn chưa đáp ứng đủ.
Trước mắt, ông Bùi Xuân Cường đề nghị Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cần nghiên cứu phương án nhận hàng trực tiếp ở cảng Cái Mép và Hiệp Phước, tránh để tình trạng quá tải tại cảng Cát Lái về điểm trung chuyển hàng hóa, nhằm giảm áp lực giao thông cho vực cảng.
Trước đề xuất của ông Cường, đại diện Tân Cảng Sài Gòn cho biết sẽ tiến hành rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục vào cảng, tránh trình trạng các loại xe dừng trước cổng Cát Lái gây ùn tắc, đồng thời đẩy mạnh việc làm thủ tục qua internet. Dự kiến trong quý IV/2016, bắt buộc 100% xe chở container vào cảng phải làm thủ tục trước trên mạng.
Ngoài ra, sẽ tiến hành xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái kết nối với đường Vành đai 2 để giảm áp lực cho đường Nguyễn Thị Định; nghiên cứu phương án kết nối đường A Khu Công nghiệp Cát Lái ra Vành đai 2, tránh phải đi qua vòng xoay Mỹ Thủy.
Ông Bùi Xuân Cường cho biết, sẽ thành lập tổ công tác liên ngành để tiến hành túc trực 24/24 giờ, xử lý kẹt xe trên các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái. Đồng thời, kiến nghị Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cho phép xe tải 3,5 tấn được phép lưu thông qua các đường nội bộ của khu công nghệ này để giảm áp lực trên đường Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội.
Về lâu dài, để tháo gỡ tình trạng kẹt xe tại khu vực cảng Cát Lái, Sở GTVT TP sẽ triển khai 6 dự án xây dựng cầu đường gồm: nâng cấp đường vành đai phía 2; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng đoạn đường nối từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà nội; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định; làm đường nối từ cảng Cát Lái ra đường vành đai 2 và xây cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trách, tỉnh Đồng Nai.
Đồng thời, hoàn thành xây dựng nâng cấp cầu sắt Bình Lợi trong quý III/2017 để khai thông tuyến đường thủy nội địa trên sông Sài Gòn, giảm áp lực vận chuyển hàng hóa đường bộ từ Tây Ninh, Bình Dương về cảng Cát Lái.
Quốc Anh