1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giá xăng tăng chóng mặt, tài xế xe công nghệ chuyển nghề "cò" đất

Thế Hưng

(Dân trí) - Dịch dã ít khách, giá xăng lại tăng liên tục khiến không ít người làm dịch vụ vận tải đang phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Nhiều người đã bỏ nghề về quê hoặc chuyển sang làm "cò" bất động sản.

Tài xế xe công nghệ làm bất động sản

Dịch bệnh kéo dài suốt thời gian qua, lượng khách giảm trầm trọng đã khiến rất nhiều tài xế xe công nghệ bỏ nghề. Thế nhưng, anh L.V.K. (quê Hưng Yên) vẫn phải cố gắng bám trụ với nghề lái xe vì anh nay đã gần 50 tuổi, không còn sự lựa chọn khác trong công việc.

Anh K. không thể đi làm tại các khu công nghiệp như người trẻ. Nhiều người khuyên anh bán xe để kinh doanh, nhưng do không có năng khiếu nên trước đây anh cũng đã từng thất bại.

Ở độ tuổi hiện tại, anh K. không dám mạo hiểm thêm một lần nữa. Nhưng suốt thời gian qua, trung bình mỗi tuần anh chỉ thu về khoảng 1,5 - 2 triệu đồng. Trừ đi chiết khấu của hãng, xăng xe, khấu hao xe, bảo dưỡng, lãi vay mua xe... thì số tiền kiếm được có thể âm.

Giá xăng tăng chóng mặt, tài xế xe công nghệ chuyển nghề cò đất - 1

Thu nhập một tuần của một tài xế công nghệ (Ảnh: Thế Hưng).

Hơn nữa, sau khi các xe dịch vụ phải đổi sang biển vàng, anh K. và các tài xế chạy dịch vụ mỗi khi đỗ xe đều phải nổ máy, việc này dẫn tới tiêu hao nhiên liệu khá nhiều.

Nhận cuộc gọi từ phóng viên khi đã cuối chiều, nhưng thu nhập trong ngày của anh K. mới chỉ được khoảng 80.000 đồng. Giọng khản đặc vì vừa gượng dậy sau khi mắc Covid-19, anh K. cho hay, dịch bệnh khiến người dân không có nhu cầu đi lại. Phần nữa, do giá cước tăng mạnh bởi ảnh hưởng của giá xăng cũng khiến người dân cân nhắc việc đi taxi công nghệ.

"Thu nhập của khách giảm mạnh vì dịch bệnh, chưa kể các khoản chi cho gia đình nếu có người nhiễm bệnh tốn hàng chục triệu đồng nên nhiều khách quen của tôi đã phải tự đi xe máy để tiết kiệm tiền", anh K. nói.

Để tiết kiệm chi phí, mỗi ngày đi làm anh đều nhờ vợ nấu cơm mang theo. Mọi chi phí sinh hoạt trong nhà anh đều tiết kiệm hết mức có thể. Song, nếu giá xăng thực sự tăng lên trên 30.000 đồng/lít anh K. quyết định sẽ về quê để tìm công việc khác mưu sinh.

Cũng đang chạy taxi công nghệ tại Hà Nội, nhưng anh N.B. (Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải chuyển sang chạy đường dài, chạy liên tỉnh khi giá xăng tăng cao. Theo đó, ngoài yếu tố dịch bệnh, các hãng xe công nghệ tăng giá theo giá xăng khiến người dân ít sử dụng dịch vụ hơn. Khách không có, anh B. và 40% thành viên trong nhóm tài xế công nghệ của anh đã bỏ nghề.

Giá xăng tăng chóng mặt, tài xế xe công nghệ chuyển nghề cò đất - 2

Nhiều tài xế xe dịch vụ phải bỏ nghề vì không có khách và giá xăng tăng quá cao (Ảnh: Thế Hưng).

Theo anh B., đa phần các tài xế về quê tìm công việc mới. Những người trụ lại ở Hà Nội sẽ đi lái thuê cho các hãng taxi truyền thống. Một số người bỏ nghề đi làm môi giới bất động sản, kiêm chở khách đi xem đất. "Những người còn chạy xe công nghệ trong phố đa phần là xe cũ gần hết hạn sử dụng. Họ không chạy được xa nên vẫn bám trụ với các ứng dụng gọi xe", anh B. nói.

Kinh doanh vận tải lao đao vì giá xăng

Cũng đang kinh doanh dịch vụ xe gia đình liên tỉnh, anh Nguyễn Kiên (Hải Dương) đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Trước đây, khi giá xăng mở mức 20.000 - 23.000 nghìn đồng/lít, mỗi chuyến xe đi Hà Nội anh thu về 1 triệu đồng. Thế nhưng, giá xăng tăng đến mức 27.000-30.000 nghìn đồng/lít thì anh bắt buộc phải tăng cước vận tải lên 1.200.000-1.500.000 đồng/chuyến.

Tăng giá là điều bắt buộc nhưng anh Kiên thừa nhận, số chuyến đã giảm từ 7-10 chuyến/tuần về còn 1-2 chuyến/tuần. Khách hàng của anh Kiên đã thay đổi phương thức di chuyển sang các phương tiện công cộng để tiết kiệm chi phí.

Giá xăng tăng chóng mặt, tài xế xe công nghệ chuyển nghề cò đất - 3

Người dân lựa chọn phương tiện khác để giảm chi phí (Ảnh: Thế Hưng).

Đang chạy xe cho công ty với mức cước 19 triệu đồng/tháng, anh Nguyễn Thành Trung (Trần Hòa, Hà Nội) đang tá hỏa khi giá xăng sắp chạm mốc 30.000 đồng/lít. Trước đó, anh Trung ký hợp đồng với công ty lúc giá xăng 14.000-16.000 đồng/lít nhưng hiện giờ giá xăng đã tăng gần như gấp đôi.

Không thể ép công ty tăng giá cước, anh Trung đang đối mặt với nguy cơ chạy lỗ để giữ việc. Anh Trung không biết chắc có thể duy trì tình trạng này đến khi nào, nhưng nếu giá xăng liên tục leo thang trong thời gian dài anh sẽ bán xe và chuyển nghề khác.

Giá cước taxi đã được điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng/km, nhưng thu nhập của anh Nguyễn Quang Huynh (Hải Dương) đã giảm 40% so với cùng thời điểm này năm trước. Thu nhập của anh Huynh so với lúc giá xăng chưa tăng mạnh cũng ghi nhận giảm 15%.

Đối với ngành vận tải hàng hóa, anh Nguyễn Văn Thảo (Gia Lâm, Hà Nội) cũng đang chịu sức ép khủng khiếp từ giá nhiên liệu. Trước đây, chi phí nhiên liệu chiếm 15% tổng chi phí thì hiện nay đã tăng tới 20-30%.

Xăng dầu tăng giá đã đẩy chi phí cho mỗi xe container của anh Thảo lên tới 90%, trong khi trước đây chỉ khoảng 70%. "Xăng dầu tăng giá là nguồn cơn tăng giá của mọi thứ như: ăn uống, sinh hoạt, rửa xe, bảo dưỡng... thậm chí các loại phí đỏ, phí đen khác", anh Thảo nói.

Giá xăng tăng chóng mặt, tài xế xe công nghệ chuyển nghề cò đất - 4

Người dân Hà Nội xếp hàng đi đổ xăng sáng 11/3 khi hay tin buổi chiều sẽ tăng giá (Ảnh: Thế Hưng).

Không riêng các loại hình dịch vụ vận tải của ô tô, các tài xế xe ôm công nghệ cũng gặp khó khăn lớn. Theo tài xế Nguyễn Tuyến, giá xăng lên cao khiến chiếc xe Wave của anh chỉ chạy 7 đơn hàng (khoảng cách 9-10 km) lại phải đổ 50.000 đồng tiền xăng. Trong khi trước đây, 50.000 đồng đã tương đương 90% bình xăng, anh Tuyến có thể chạy gần như cả ngày.

Vài ngày gần đây, nhiều khách hàng đã phản ánh, họ không thể nào đặt được tài xế nếu ở xa trung tâm. Các tài xế đa phần đều từ chối chạy các cuốc xe ở xa vì tốn nhiên liệu.

Đáng nói, giá xăng dầu leo thang sẽ kéo theo rất nhiều mặt hàng khác tăng giá. Do đó, không chỉ các ngành vận tải mà trong thời gian tới rất nhiều ngành nghề cũng gặp phải khó khăn tương tự.