1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giá vật liệu xây dựng “té nước” theo xăng dầu

(Dân trí) - “Ăn theo” việc giá xăng dầu tăng thêm 1.000 đồng/lít, trong khi giá lương thực, thực phẩm đã ổn định trở lại, thậm chí đang có xu hướng giảm nhẹ do sức mua yếu thì giá các loại vật liệu xây dựng và công thợ lại tăng khá mạnh.

Giá thực phẩm ổn định trở lại, mãi lực kém

Theo báo cáo của Ban quản lý thị trường TPHCM, mấy ngày gần đây do lượng hàng về các chợ đầu mối ổn định trong khi sức mua chậm khiến cả mãi lực và giá cả thị trường cùng giảm nhẹ.

Giá vật liệu xây dựng “té nước” theo xăng dầu - 1
Lương thực, thực phẩm tại Hà Nội vẫn giữ giá (ảnh: An Hạ).

Để kích cầu, sau khi tăng giá mấy hôm, hiện giá các loại rau củ quả được các tiểu thương giảm bình quân từ 1.000 - 1.500 đồng/kg, giá gà công nghiệp giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg, giá heo hơi giảm thêm 1.000 - 1.500 đồng/kg. Còn giá các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu khác nhìn chung ổn định.

Ông Chu Xuân Phương, Phó trưởng phòng nghiệp vụ Chi cục quản lý thị trường TPHCM nhìn nhận: Việc giảm giá là do sức tiêu thụ đang giảm khá mạnh khi nhiều trường đại học bước vào đợt nghỉ hè, mất đi lượng tiêu thụ thịt heo, thịt gà lớn tại bếp ăn công nghiệp và các quán cơm bình dân.

Theo khảo sát của phóng viên tại các chợ Gò Vấp, Trần Hữu Trang (Phú Nhuận), Bà Chiểu (Bình Thạnh)… các tiểu thương đều cho biết, sức mua những ngày qua quá chậm nên dù có yếu tố tăng giá xăng dầu thì cũng khó có thể tăng giá hàng hóa.

Tại Hà Nội, một số mặt hàng được người dân ưa thích trong mùa hè giá có tăng nhẹ nhưng không đáng kể. Hiện giá tôm, cua đồng, cá, chanh leo… tại một số chợ bán lẻ như Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Ngọc Hà có mức tăng thêm từ 2.000 đồng - 5.000 đồng/kg.

Các siêu thị như Fivimart, Hapro, Big C… vẫn giữ nguyên giá bán so với thời điểm trước khi xăng dầu tăng giá. Theo tiết lộ của ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng giá tại siêu thị này ở mức âm.

Vật liệu xây dựng “một mình một ngựa”

Đi ngược với mặt bằng chung, giá vật liệu xây dựng và công thợ đang tăng khá nhanh và mạnh.

 
Giá vật liệu xây dựng “té nước” theo xăng dầu - 2
Với mức giá đang tăng, nhu cầu xây dựng của người dân gặp nhiều nỗi lo lớn (ảnh: HL).

Chị Hồng Hà (Gia Lâm, Hà Nội) chuẩn bị xây nhà than thở: “Tôi đang rất lo vì báo giá mới của một số cửa hàng mà tôi đi tham khảo đã tăng thêm 2 - 3 giá so với cuối tuần qua. Với báo giá mới này (có thể còn tăng tiếp), khoản tiền để xây xong căn nhà 3 tầng của tôi ít nhất cũng đội thêm 100 triệu đồng”.

Theo khảo sát của Dân trí, mặt hàng tăng mạnh nhất của vật liệu xây dựng thời gian này là thép, gạch, đá. Tuần trước, loại gạch nhỏ có báo giá 800 đồng/viên, gạch to 1.000 đồng/viên thì nay đã tăng lên tương ứng 1.000 đồng - 1.200 đồng/viên.

Theo một chủ cửa hàng vật liệu xây dựng tại quận 12, TPHCM, giá sắt thép xây dựng bán lẻ đến tay người tiêu dùng đã tăng 1.000 đồng/kg. Hiện giá thép xây dựng phi 6, phi 8 ở mức 15.500 đồng/kg. Còn đá trộn bê tông tăng thêm 27.000 đồng/m3, lên 125.000 đồng/m3.

Chưa hết giá công thợ “theo đó” cũng tăng thêm 60.000 đồng/m2, từ 420.000 đồng nay tăng lên 480.000 đồng - 500.000 đồng/m2…

Giới buôn bán vật liệu xây dựng cho biết: Giá nguyên vật liệu tăng một phần do ảnh hưởng bởi giá xăng dầu tăng khiến chi phí vận chuyển bị đội lên. Thêm vào đó, nhu cầu xây dựng của người dân “vào mùa” cũng là lý do vật liệu xây dựng “té nước theo mưa”.

Tại TPHCM, giá cho mỗi chuyến xe vận chuyển của các cửa hàng vật liệu xây dựng đều tăng từ 50.000 đồng - 100.000 đồng/xe, tùy theo cự ly mà người mua phải chi thêm. Anh Trần Văn Thành, bán vật liệu xây dựng tại quận Bình Thạnh cho biết với mức giá xăng, dầu hiện nay nếu không tăng thì không đủ chi phí vận chuyển.

Với diễn biến giá cả hiện nay, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nguy cơ tái lạm phát là có thể. Nếu không kiểm soát tốt tình hình, lạm phát sẽ có thể “bùng lên” vào cuối năm hoặc đầu năm sau, khi đã hội tụ đủ các yếu tố như: một lượng tiền lớn bơm ra kích cầu đã “ngấm” vào nền kinh tế, tiền trong lưu thông tăng lên nhưng khả năng sản xuất hàng hóa không theo kịp, cho vay hoặc đưa tiền ra không hiệu quả…
 

Gần 10 ngày sau khi giá xăng dầu tăng thêm 1.000 đồng/lít, các hãng taxi đang chuẩn bị phương án để tăng giá cước. Theo tính toán của ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội: Từ đầu năm tới nay, với 4 lần tăng, giá xăng dầu đội thêm 2.500 đồng/lít; nếu tính trung bình chi phí cho taxi là 10 lít xăng/100km, thì số tiền mà doanh nghiệp mất thêm khoảng 25.000 đồng/100km.

“Hiện tại, các doanh nghiệp đang cân đối, tính toán để có mức tăng hợp lý nhất; nhưng theo tính toán của tôi, mức tăng giá cước taxi sắp tới ít nhất cũng thêm khoảng 10%, tức là thêm từ 500 đồng - 700 đồng/km”, ông Bình nói.

An Hạ - Hoài Lương