1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Nỗi lo tăng giá “hậu xăng dầu”

(Dân trí) - “Hậu” tăng giá xăng dầu, người tiêu dùng đang phải đối mặt với một đợt tăng giá hàng hóa, dịch vụ mới tại các chợ bán lẻ. Với các siêu thị, do nhà cung cấp còn hàng nên vẫn cam kết bình ổn giá trong vài tháng tới.

Lượng hàng về giảm, giá cả tăng nhẹ

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Thủ Đức: Hiện nay, bình quân lượng rau củ quả về chợ từ 2,7 - 3,3 tấn/đêm. Sức mua giảm nên tiểu thương hạn chế nhập hàng và đây cũng là một nguyên nhân giá cả tăng.

Nỗi lo tăng giá “hậu xăng dầu” - 1
Phí vận chuyển tăng nên giá rau đã cao hơn nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên nguyên nhân chính của việc tăng giá được nhắc đến chính là do đợt tăng giá xăng, dầu vừa qua. Hỏi về vấn đề này, đa số tiểu thương tại các chợ Bà Chiểu, Gò Vấp, quận 11, Bình Tây… đều lắc đầu ngao ngán khi giá cả đang có xu hướng leo thang.

Chị Hoàng Thị Lan, bán rau tại chợ Gò Vấp, cho biết: Trước đây giá cả đã cao buộc người mua phải chi tiêu dè xẻn, bây giờ giá xăng dầu tăng kéo theo mọi thứ nên rất ít người mua hàng.

Hiện giá bán cà chua, cải thảo khoảng 8.000 - 9.000/kg, hoa lơ được bán trên 20.000/kg… Riêng loại bầu, bí, chị Lan cho hay, hồi trước chỉ cần vài ngàn đã có thể bán 2 - 3 trái nhưng bây giờ mỗi kg bán đến 9.000 đồng.

Theo chị Lan: “Tất cả các mặt hàng hiện nay đều tăng từ 500 cho đến 2.000 đồng/kg tùy loại. Hiện giá cả không biết sao mà lường trước, xăng dầu nếu còn tăng thì giá cả còn bất thường”.

Còn tại các quầy thịt heo tại chợ Bà Chiều, các tiểu thương đều cho rằng giá cao mà người mua thì ít. Chị Nguyễn Kiều Oanh, tiểu thương tại chợ, cho hay, hiện giá cao nhất được bán ra là 65.000 đồng/kg thịt nạc mông nhưng rất vắng người mua.

Theo ghi nhận của phóng viên, một số mặt hàng thủy sản bán lẻ tại các chợ như cá diêu hồng là 30.000 - 35.000 đồng/kg, cá lóc 45.000 đồng/kg… và đa số tiểu thương đều cho rằng giá cả có nhích lên một ít do chi phí vận chuyển.

Trong khi các tiểu thương buôn bán tại các chợ đang lo lắng vì giá cả bắt đầu leo thang thì trong báo cáo của Ban quản lý thị trường TPHCM, từ 3 - 10/6, lượng hàng về các chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), Tam Bình (Thủ Đức) có xu hướng giảm (chững lại) do hàng bán chậm. Đây là dấu hiệu cho thấy giá cả thời gian tới còn nhiều biến động.

Siêu thị bình ổn giá và chờ thông tin

Trước việc giá xăng dầu tăng có nguy cơ kéo theo một số mặt hàng, bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết: hiện nay siêu thị chưa hề nhận được thông báo tăng giá từ các nhà cung cấp vì thế giá cả tại siêu thị vẫn đang bình ổn không có sự biến động.

Nỗi lo tăng giá “hậu xăng dầu” - 2
Người dân tìm đến siêu thị mua sắm vì giá ổn định hơn.

Còn theo đại diện các siêu thị Big C, Maximark… giá cả các mặt hàng tại đây vẫn bình ổn, chưa có dấu hiệu tăng. Các siêu thị này đều đang đưa ra các chương trình khuyến mãi để giảm thiểu khó khăn cho người tiêu dùng và kích cầu lượng khách đến mua sắm.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Đối ngoại của Big C cho biết, hàng hóa tại Big C trên toàn quốc vẫn được bán với giá ổn định, thậm chí nhiều sản phẩm đang có khuyến mãi giảm giá mạnh để kích cầu tiêu dùng.

“Trong thời gian tới nếu việc tăng giá xăng dầu có ảnh hưởng và nhà cung cấp đề nghị tăng giá bán, Big C sẽ xem xét nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho cả ba bên: siêu thị, nhà cung cấp và người tiêu dùng” - bà Trang khẳng định.

Khác với các doanh nghiệp kinh doanh, nhiều nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ đang lo ngại vì mức tăng giá xăng dầu lần này là khá lớn. Điều này sẽ làm cho chi phí vận chuyển và nhiều yếu tố sản xuất khác tăng theo, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.

Theo ông Bùi Duy Đức, Tổng Giám đốc Công ty Vissan: các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thời gian đầu công ty sẽ cố gắng cắt giảm tối đa chi phí để bù đắp khoản tăng ở khâu vận chuyển do giá xăng dầu tăng. Nếu giá xăng dầu còn tăng nữa thì công ty sẽ tính đến phương án điều chỉnh giá hàng hóa.

Hoài Lương