1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gia Lai:

Già làng với lễ cúng đặc biệt cầu an cho Đại tướng

(Dân trí) - Năm 1992, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm vùng biên giới xã Ia Dom (Đức Cơ, Gia Lai). Để cầu cho chuyến đi của Đại tướng được bình an, sức khỏe Đại tướng được dồi dào, già làng Siu Thiu đã giết heo cúng Yàng.

Kể từ ngày nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, già làng Siu Thiu (67 tuổi, làng Moóc Đen, xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai) thấy trong lòng buồn trĩu. Già không lên rẫy như mọi khi mà suốt ngày chỉ ở nhà xem những chương trình trên ti vi trình chiếu về Đại tướng. Già cho biết, già là người may mắn được gặp Đại tướng 2 lần khi Đại tướng lên cửa khẩu Lệ Thanh vùng biên giới giáp ranh với Campuchia để đón quân tình nguyện Việt Nam năm 1989 và lần thứ 2 là năm 1992 khi Đại tướng lên thăm mảnh đất vùng biên này.

Lần đầu tiên được gặp Đại tướng, già Thiu chỉ được nhìn Đại tướng ngồi trong xe cười tươi và giơ tay qua cửa kính vẫy chào bà con xã Ia Dom. Lúc này, già Thiu vinh dự là người dẫn đầu điều khiển đội cồng chiêng đánh chào mừng Đại tướng, đoàn đại biểu Trung ương và bộ đội tình nguyện Việt Nam tham gia chống diệt chủng tại Campuchia trở về nước.

Lần thứ 2 năm 1992, tại nhà Rông của làng Moóc Đen, trước vị tướng vĩ đại của dân tộc, đích thân già Thiu - lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng công an xã Ia Dom đã giết heo làm lễ cúng Yàng. Đây là lễ cúng đặc biệt không phải cầu cho dân làng như mọi khi mà là cầu cho một vị Anh hùng dân tộc. Tại buổi lễ, già Thiu đã lầm rầm khấn với Yàng: “…Cầu cho bác Giáp có sức khỏe tốt hơn, bảo vệ cho bác Giáp đi đường được bình an, thuận lợi. Bảo vệ cho ông của trời, của đất nhá (vùng trời, vùng đất-PV)…”.

Già Thiu kể lại dịp vinh dự được cúng Yàng cầu sức khỏe cho bác Giáp
Già Thiu kể lại dịp vinh dự được cúng Yàng cầu sức khỏe cho bác Giáp

“Theo phong tục của dân làng, các lễ cúng chỉ cầu cho người dân khỏe mạnh, được mùa rẫy, mưa thuận gió hòa… chứ không được cúng cầu cho người ngoài làng. Nhưng trường hợp bác Giáp là đặc biệt, bác chỉ lo cho nước, cho dân, là Đại tướng của đất nước, là khách đặc biệt quý của dân làng, đây là lần đầu tiên làng cúng cho người không thuộc làng mình. Hôm đó, làng đã làm một bữa liên hoan to đón bác, dân tập trung rất nhiều”, già Thiu cho biết.

Sau khi lễ cúng hoàn tất, Đại tướng đã nói lớn: “Bà con ơi, các em học sinh và thanh niên đừng nghe lời kẻ xấu vượt biên trái phép sang Campuchia. Bà con ơi, phải làm kinh tế, để xây dựng xã hội, xây dựng gia đình của mình ấm no hạnh phúc. Bà con ơi, giáo dục cho học sinh đừng bỏ trường, bỏ lớp để tăng tính toán, để sau này làm cán bộ. Bà con ơi, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ đất nước, bảo vệ bản thân để sức khỏe dồi dào, làm giàu cho gia đình của mình”, già Thiu nhớ lại.

Được Đại tướng quan tâm, chỉ dạy từ đó đến nay, người dân làng Moóc Đen nói riêng và người dân xã vùng biên Ia Dom nói chung đã bớt được đói nghèo. Bà con trước đây phải vào rừng đào củ mài ăn thì bây giờ đã có của ăn của để, hàng năm thu nhập hàng chục tới hàng trăm triệu đồng: “Xã có khoảng 3.000 hộ, hộ nào ít nhất cũng có 2ha mì. Mỗi ha thu hoạch bán cũng được khoảng 50 triệu đồng, ngoài ra bà con trong làng còn có cà phê, cao su… nên đời sống kinh tế của bà con cũng khá ổn định. Trong xã hiện có 68 em đang học đại học, các hủ tục lạc hậu đã được xóa hết”, anh Siu Tim- Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết.

“Mình cũng từng là bộ đội, và có 40 năm tuổi Đảng, nên mình thấy rõ công lao của bác Giáp đối với dân tộc Việt Nam. Ngay cả lúc đất nước đã giải phóng, thấy người dân xã mình hay vượt biên trái phép, sống cuộc sống khổ cực bác cũng biết để tới tận nơi khuyên nhủ đồng bào mình khiến chúng tôi rất cảm động. Nghe tin bác mất tôi buồn lắm, không thiết đi rẫy nữa mà ở nhà xem ti vi về bác”, già Thiu bày tỏ.

Tự hào là người con cùng quê Lệ Thủy, Quảng Bình với bác Giáp, trong lòng luôn tôn kính và ao ước được gặp bác Giáp một lần nên năm 2010, ông Lê Sỹ Soái (51 tuổi, tổ 4, phường Phù Đổng, TP.Pleiku) đã tạc bức tượng chân dung về bác Võ Nguyên Giáp. Bức tượng có chiều cao 1,2mx 90cm, nặng 1,2 tạ, tượng được làm bằng thạch cao giả xi măng và hoàn thành sau 7 tháng bắt tay thực hiện.

“Tôi luôn luôn ao ước được gặp bác một lần nhưng không được nữa rồi. Tôi rất tự hào vì quê hương Quảng Bình nói riêng và người dân Việt Nam nói chung có được một người như bác. Thế giới người ta còn nói về bác, còn ngưỡng mộ về bác chứ nói gì dân Việt Nam mình. Tôi rất thương tiếc và buồn trước sự ra đi của bác, vì không có điều kiện ra Hà Nội hay về Quảng Bình nên tôi đã lập bàn thờ bác tại nhà”, ông Soái buồn nói.

Ông Soái bên tượng chân dung Đại tướng
Ông Soái bên tượng chân dung Đại tướng

Hòa chung nỗi đau và sự tiếc thương trước sự ra đi của một vị Anh Hùng dân tộc, sau khi nghe tin Đại tướng mất, ông Soái đã mang tượng bác ra lập bàn thờ để thờ. Biết việc gia đình ông Soái đang thờ tượng bác Giáp, nhiều người dân Gia Lai đã kéo đến thắp hương trước bàn thờ bác: “Vào buổi chiều tối ngày nào cũng có khoảng trên 100 người đến thắp hương lên bàn thờ bác, nhất là những đồng hương quê Quảng Bình với tôi. Có người còn ngồi lại nói chuyện về bác rồi mới về”, ông Soái cho biết thêm.

Thiên Thư