1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

Gia đình lao động Việt mất tích tại Libya như ngồi trên đống lửa

(Dân trí) - Những ngày qua, người thân của lao động Nguyễn Văn Nhâm (đang mất tích tại Libya) như đang trên đống lửa. Cả nhà gần như không rời màn hình ti vi, trông ngóng từng thông tin, tin tức về anh.


Sáng 11/8, nhóm PV Dân trí đã tìm về gia đình anh Nguyễn Văn Nhâm ở thôn Nam Bình, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), 1 trong 3 lao động Việt Nam đang mất tích tại Libya. Không khí lo lắng, hoang mang và những đôi mắt đỏ hoe hiện diện khắp căn nhà nhỏ bé.

Chị Thạch - vợ anh Nhâm, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hiến - bố mẹ đẻ anh Nhâm, mấy ngày qua cứ thấp thỏm đứng ngồi không yên. Chị Thạch, ông Hiến phạc phờ, không dám rời xa chiếc điện thoại, ti vi lấy nửa phút; trông ngóng những thông tin dù là nhỏ nhoi về đất nước Libya, nơi người thân của họ đang mất tích.

Chị Thạch cho biết, ngày 27/6, tại TP Benghazhi (Libya), anh Nhâm cùng 3 lao động người Việt nữa xin phép ra ngoài làm thêm. 3 ngày sau thì gia đình nhận được điện thoại, sau đó là công văn từ phía Công ty SIMCO Sông Đà (đơn vị đưa anh Nhâm sang lao động tại Libya) thông báo anh Nhâm đã mất tích. Thông tin như sét đánh ngang tai ấy cộng với một số báo chí trong nước đưa tin anh Nhâm và 2 lao động còn lại bỏ trốn khiến gia đình chị Thạch thêm hoang mang.

Từ ngày nhận được tin anh Nhâm (ảnh nhỏ) mất tích, chị Thạch như người mất hồn, đứng ngồi không yên
Từ ngày nhận được tin anh Nhâm (ảnh nhỏ) mất tích, chị Thạch như người mất hồn, đứng ngồi không yên

"Nhà như đám tang chú ạ. Có ăn ngủ chi được lúc ni. Chị, các con và bố mẹ chồng đều không rời ti vi, điện thoại nửa phút. Ai cũng mong nghe được một mẫu thông tin dẫu là nhỏ nhất về anh ấy. Chưa có tin tức gì  về anh gia đình chị như ngồi trên đống lửa suốt hai tuần rồi"- chị Thạch sụt sùi lo lắng cho chồng.

Theo chị Thạch, tháng 3/2013 anh Nhâm lên đường sang Libya mang theo nhiều ước mơ, hy vọng sớm đưa cuộc sống của vợ con, của gia đình thoát khỏi đói nghèo. Nhà có đến 6 miệng ăn nhưng chỉ dựa vào mấy sào ruộng khoán, làm quần quật cả năm trời cùng chỉ đủ ăn. Vào đầu năm 2013, sau khi đi tư vấn và được phía Công ty Vinaconecmex và Simco Sông Đà giới thiệu về nhu cầu việc làm ở đất nước Libya, gia đình chị đã quyết định để anh đi.

Gia đình chị xoay xở, vay mượn ngân hàng được 40 triệu đồng để lo kinh phí cho anh đi. Sang nước bạn, anh được nhận vào làm thợ xây tại một đơn vị xây dựng. “Khi đi họ nói là thu nhập vào khoảng 300 đến 400 đô la/tháng. Nhưng phải đến 4, 5 tháng sau anh mới có việc làm”, chị Thạch cho biết.

Để kiếm thêm ít tiền gửi về cho gia đình thì ngoài thời gian làm việc cho công ty, anh đã cùng với một số người bạn đã xin phép ra ngoài làm thêm. Nhờ đó mà mỗi tháng anh gửi về được thêm ít tiền cho gia đình, vợ con.

“Khoảng 3 đến 4 tháng trở lại đây anh có gửi tiền về cho gia đình. Có tháng thì 3 triệu, có tháng thì 4 triệu”, chị Thạch cho biết.

Ông Hiến đang ngày đêm cầu nguyện cho đứa con trai của mình được trở về an toàn
Ông Hiến đang ngày đêm cầu nguyện cho đứa con trai của mình được trở về an toàn

Những tưởng thế là đã ổn định. Nào ngờ chiến sự tại Libya xảy ra đã khiến bao lao động người Việt đang làm việc ở đó rơi vào cảnh trắng tay.

“Nó là lao động chính, các con thì đang còn nhỏ, đang độ tuổi ăn học. Trước đây ngày nào nó cũng gọi điện, nhắn tin nhưng giờ đã hơn 10 ngày rồi mà chưa có thông tin gì về”, ông Nguyễn Văn Hiến (bố anh Nhâm) lo lắng.

Như ngồi trên đống lửa, gia đình chị Thạch giờ chỉ biết cầu trời phật phù hộ điều may mắn, mong các cơ quan chức năng phối hợp cùng đơn vị cung ứng lao động sớm bắt được liên lạc với anh Nhâm. “Gia đình tôi chỉ còn biết cầu mong điều may mắn, mong Công ty SIMCO Sông Đà, Bộ LĐTB-XH, Đại sứ quán Việt Nam làm hết sức, giúp chúng tôi sớm có thông tin về anh ấy. Chỉ có như thế gia đình tôi mới nguôi bớt đi nỗi lo sợ, hoảng loạn lúc này”- chị Thạch nói.

Văn Dũng - Xuân Sinh