Gia Lai:

Gia cảnh buồn của cậu học sinh tự tử vì chưa có quần áo mới

(Dân trí) - “Năm ngoái, người ta về khảo sát xây nhà đại đoàn kết, nhưng họ không tin đây là nhà chính của mình ở, họ nói đây chỉ là nhà rẫy vì thấy nhà mình xa chỗ ở của làng quá, nên họ không xây nhà cho mình”, ông B. - bố của S. kể.

Tự tử trong ngày đầu tiên đến trường sau kỳ nghỉ hè

Một tuần đã trôi qua, nỗi đau vẫn hiện rõ trên nét mặt gia đình ông B. (làng Breng 3, Ia Dêr, Ia Grai, Gia Lai). Có lẽ họ vẫn chưa tin được cái chết của S. là sự thật. Có khách đến thăm nhưng vợ chồng ông B. vẫn như bất động trên tấm bạt trước cửa nhà.

Bà Ksor H. (SN 1979), mẹ S. không rành tiếng Kinh, còn ông B. thì nói chuyện khá khó khăn do bị biến chứng của vết bỏng khiến da cổ bị co lại, kéo chiếc cằm xuống.

Ông B. đau đớn nhớ lại, sáng ngày xảy ra sự việc (22/8), cũng là ngày đầu tiên của năm học mới. Bà H. dậy thật sớm nấu cơm cho gia đình ăn để đi làm thuê, còn S. không ăn gì. Chưa có quần áo mới cho con trai út mặc đi học, bà H. động viên S. mặc tạm bộ đồng phục của năm học trước, khi nào thợ may xong quần áo mới bà sẽ lấy về cho con mặc. Nghe mẹ nói vậy, S. không nói gì, lấy quần áo cũ ra mặc, đeo khăn quàng đỏ, lấy sách vở bỏ vào cặp để chuẩn bị đến trường.

Thấy S. không tỏ thái độ gì khó chịu hay buồn bã, vẫn nghe lời mẹ bình thường nên gia đình bà H. yên tâm đi làm, nghĩ rằng S. sẽ đến trường ngay sau đó.

Chẳng ai ngờ, khoảng 8h sáng cùng ngày, gia đình ông B. nhận được hung tin người dân phát hiện S. đã tử vong trong tư thế treo cổ trên cây bời lời cách nhà chừng 40m, sách vở để ngay phía dưới, xe đạp dựng ở ngõ…

Cái chết của S. khiến cả gia đình bà H. đau đớn và dằn vặt bản thân. Họ phán đoán, do chưa có quần áo mới đi học ở ngôi trường mới (S. bắt đầu lên lớp 6, Trường THCS Trần Phú) nên S. mặc cảm và có hành động dại dột. Vì lâu nay cả nhà không ai la mắng gì S. Sau những ngày nghỉ hè, đây mới là ngày đầu tiên đến trường mới của em…

Căn nhà "không được thừa nhận"


Căn nhà tôn của vợ chồng ông B. mà đoàn cán bộ tới khảo sát cho rằng chỉ là nhà rẫy.

Căn nhà tôn của vợ chồng ông B. mà đoàn cán bộ tới khảo sát cho rằng chỉ là nhà rẫy.

Ông B. tâm sự, năm ông cũng tầm tuổi S. bây giờ, ông cùng các bạn trong làng đi chăn bò ở khu vực kho đạn cũ, nhặt được những cục thuốc mồi pháo sáng còn sót lại từ khu vực gần kho đạn. Ông B. cùng bạn cầm những cục thuốc mồi ném qua ném lại, không may cục thuốc rơi vào túi áo ông B. khiến chiếc áo bốc cháy, làm ông bị bỏng nặng. Da cổ, khuôn mặt và nhiều nơi trên cơ thể của ông B. bị biến dạng, sức khỏe cũng giảm sút.

Với khuôn mặt bị biến dạng, cứ nghĩ rằng sẽ không có ai thương mình, nhưng số phận đã se duyên ông với bà H. Rồi 3 đứa con của họ ra đời. Nhưng vì quá nghèo, sức khỏe của ông B. càng ngày càng yếu, ruộng rẫy không có trong khi các con ngày càng lớn nên cách đây chừng 8 năm, ông B. đã bán nhà và đất ở phường Đống Đa (TP Pleiku) được hơn 50 triệu, mua được 2 sào đất ở làng Breng 3 hiện nay để ở và trồng cà phê.


Bị bỏng từ nhỏ khiến da cổ của ông B. co lại, khuôn mặt biến dạng, sức khỏe giảm sút.

Bị bỏng từ nhỏ khiến da cổ của ông B. co lại, khuôn mặt biến dạng, sức khỏe giảm sút.

Hai sào cà phê trừ tiền phân, thuốc trừ sâu, mỗi năm vợ chồng ông B. chỉ lời được vài triệu đồng, đủ mua gạo ăn trong vài tháng.

Do sức khỏe hạn chế, hàng ngày vợ chồng ông B. chỉ mưu sinh bằng các nghề nhẹ như làm cỏ thuê, tưới cà phê… với tiền công hơn 100 nghìn/ngày. Tuy nhiên, công việc rất thất thường, bữa có bữa không; đặc biệt là những tháng mùa mưa hầu như không có việc làm. Trong khi đây là những ngày đầu của năm học mới, gạo ăn, mắm muối… đều phải mua nợ, nên các khoản tiền chi phí học hành cho các con ông đều bị “kẹt”.

Không có đủ khả năng cho con đi học, con trai đầu của ông là Bron (SN 1997) đã phải nghỉ học khi mới học đến lớp 5 mặc dù Bron là học sinh học giỏi, rất chăm ngoan. Em gái Bron là Ksor Thoa (SN 1999) cũng phải nghỉ học giống như anh trai mình.

Do không có ruộng, đất vườn thì ít trong khi công việc làm thuê rất thất thường, nên Bron đã xin đi học nghề sửa xe máy, còn Thoa thì đầu năm nay đã “bắt” chồng. Con gái “bắt” chồng, nhà cửa chật chội, chỉ là những tấm tôn quây lại nên gia đình ông B. đã mua chịu nguyên vật liệu để xây nhà cho vợ chồng con gái ở (người J’rai có phong tục ở rể).

“Căn nhà này mình xây hết 7 triệu đồng, mình mua vật liệu chịu ở cửa hàng, giờ còn nợ gần 5 triệu đồng nữa. Còn công xây thì nhà mình tự làm. Năm ngoái, khi nhà mình chưa xây căn nhà này, mới chỉ có nhà tôn, có người về khảo sát xây nhà Đại đoàn kết, nhưng họ không tin đây là nhà mình thật. Họ nói chắc là nhà rẫy chứ không phải nhà ở, vì nhà xa làng quá”, ông B. cho biết.

Tiền xây nhà chưa trả xong, khoảng 2 tháng qua, thời tiết ở Gia Lai ngày nào cũng đổ mưa nên gia đình ông Bsốt gần như không có ai kêu đi làm thuê. Họ phải mua chịu gạo ăn, quần áo cho năm học mới của S. vì thế mà chưa có...

“Mình đi làm cũng khổ cực lắm, có hôm nhà hết gạo, mình đi làm thuê phải bới củ mì mang đi để ăn trưa. Khi chủ nhà thấy mình không có cơm ăn, họ về nhà nấu cơm mang ra cho mình ăn. S. nó biết nhà nghèo nên nó ít đòi cha mẹ mua đồ. Vì đường đến trường xa nên năm ngoái nó muốn mình mua cho chiếc xe đạp vài trăm nghìn, mình cũng đã cố gắng làm mua xe cho nó. Tiền học mỗi năm đóng khoảng 500-600 nghìn đồng, mình không có tiền đóng 1 lúc nhưng cũng cố gắng đóng lần lần cho con để con đi học. S. nó ít nói lắm, mình may quần áo cho con nhưng chưa xong, chắc nó mặc cảm vì phải mặc quần áo cũ đi học nên nó mới làm vậy”, ông B. đau đớn kể về con trai mình.

Ông Puih Blía- Chủ tịch UBND xã Ia Dêr cho biết, gia đình ông B. năm ngoái là hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ cho 1 con bò nhưng sau đó con bò bị bệnh rồi chết. Năm ngoái Đoàn cán bộ ở huyện về nhà ông khảo sát để xây nhà Đại đoàn kết nhưng họ không đồng ý, nên đã chuyển sang xây nhà khác. Hiện gia đình ông B. không phải là hộ nghèo, mà chỉ là hộ cận nghèo. Bản thân ông B. cũng siêng làm lụng, không nhậu nhẹt chơi bời gì.

Ông Blía cho biết thêm, năm ngoái, anh họ của S. đang là học sinh cũng đã treo cổ tự tử.

Tuệ Mẫn