(Dân trí) - Những ngày giáp Tết Nguyên đán, người dân Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) lại tất bật thu hoạch cho một vụ mùa phật thủ rộn ràng nhất mà họ đã trông đợi trong suốt một năm.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, người dân Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) lại tất bật thu hoạch cho một vụ mùa phật thủ rộn ràng nhất mà họ đã trông đợi trong suốt một năm.
Phật thủ là giống cây được trồng nhiều tại xã Đắc Sở hơn chục năm nay, đây được coi là cây trồng mũi nhọn của địa phương khi người dân sống và làm giàu chủ yếu bằng việc trồng loại cây đem lại may mắn này.
Khác với nhiều loại hoa trái khác, phật thủ thuộc họ nhà cam chanh nhưng không có tép múi bên trong. Bù lại, loại quả này thơm rất lâu và có màu sắc bắt mắt, màu vàng ươm khi chín thể hiện sự sung túc, no đủ. Phật thủ chủ yếu dùng để bày trên bàn thờ cùng ngũ quả cho đẹp mắt và bởi quả này có nhiều ngón xòe ra, hệt như bàn tay phật che chở cho chúng sinh.
Phật thủ là loại quả được nhiều người coi là mang lại sự may mắn, tài lộc. Thời điểm giai đoạn cận Tết, những chủ vườn phật thủ tại Đắc Sở lại tất bật thu hoạch, bảo quản, đóng gói cho kịp những chuyến hàng cung ứng trên thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Trung bình khoảng gần 2 năm cây phật thủ sẽ được thu hoạch. Vòng đời của cây cũng chỉ 5-6 năm, vậy nên mỗi khi hết một lứa đất sẽ được cải tạo lại vài năm trước khi đưa vào trồng lứa mới.
Để đảm bảo thu nhập hàng năm, những chủ vựa phật thủ tại địa phương phải thuê thêm đất ở các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ… để trồng phật thủ trong thời gian đất tại Đắc Sở cải tạo trước khi trồng mới.
Theo anh Nguyễn Văn Tuấn, người hiện đang chăm sóc một vườn phật thủ tại Đắc Sở cho biết: "Giá trung bình của một quả phật thủ hiện tại dao động ít nhất từ 20-30 nghìn/quả, còn cao nhất khoảng 200-300 nghìn/quả. Mẫu nhà tôi mỗi lần thu hoạch được khoảng 5000 quả để cung ứng ra ngoài thị trường".
Phật thủ là loại cây ưa sống ở những vùng đất cát, loại đất dễ cải tạo, thoáng khí và giảm thiểu được sâu bọ làm hư hại rễ cây.
Việc chọn phật thủ cũng cần đòi hỏi sự tỉ mỉ khi đây là loại cây phát triển tự nhiên nên không thể tự tạo được hình dáng theo ý muốn. Phật thủ đẹp là quả có nhiều ngón, to và đều nhau.
Phật thủ ra quả quanh năm nhưng rộ nhất là vào tháng 7 và đặc biệt là cận Tết Nguyên Đán.
Người dân trồng phật thủ cũng phải thường xuyên tỉa cành và loại bỏ những quả không đạt yêu cầu để cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
Phật thủ là loại cây có giá trị kinh tế cao, hiện nay không chỉ trong nước mà loại quả này đã có thể xuất khẩu ở thị trường nước ngoài. Ngoài ý nghĩa thờ cúng trong dịp lễ Tết, những năm gần đây quả phật thủ còn được đưa ra làm thuốc hay làm mứt Tết.