1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gặp người thêu “bức tranh thơ” bằng 10 thứ tiếng

(Dân trí) - Ở tuổi 81, ông Lê Văn Kinh (ngụ 82 Phan Đăng Lưu, TP Huế) đã có 75 năm thâm niên trong nghề thêu. Ông cũng là người đầu tiên thêu thơ lên tranh với phiên bản dịch 10 thứ tiếng khác nhau trên thế giới.

Một đời thêu tranh

 

Sinh ra trong một gia đình dòng dõi quan lại thời Nguyễn, bố là một thợ thêu trong kinh thành có tiếng, chuyên nhận thêu hoàng bào, đồ áo cho nhà vua dưới thời Khải Định, Bảo Đại, nên ngay từ nhỏ, cậu bé Lê Văn Kinh đã được thừa hưởng đôi bàn tay tài khéo.

Gặp người thêu “bức tranh thơ” bằng 10 thứ tiếng       - 1

Một tác phẩm của cậu bé Kinh lúc 10 tuổi, được gìn giữ tới bây giờ.

 

10 tuổi, Kinh đã có hàng chục tác phẩm thêu khiến nhiều người thán phục, trong đó có không ít tác phẩm đã “bay” đi khắp thế giới, sang tận châu Âu, châu Mỹ. Một tác phẩm thêu trên chất liệu lụa tơ tằm, nền chỉ tissor, hình chim hạc, do bị lỗi nên được Kinh giữ lại làm kỷ niệm. Suốt mấy chục năm qua, nhiều người đã trả giá cao để được sở hữu bức tranh thêu đó nhưng ông không bán.

 

Nhớ lại quãng đời rèn luyện nghề thêu, ông Kinh kể: “Hồi đó học thêu, kim đâm nát tay, chảy máu không cam, tui vẫn mệt mài thêu cho bằng được. Phải đổi bằng cả máu và nước mắt mới có được những đường nét kỹ thuật cơ bản chứ đừng nói là điêu luyện trong nghề, đêm thắp nến học thêu tới mịt mù sáng”.

 

Năm 1975, ông được nhà nước phân công, cử đi dạy nghề thêu ở các khắp các tỉnh Bình Trị Thiên, dọc miền Trung và ra cả miền Bắc. Từ một người “học trò nhỏ của cha”, ông đã là một người thợ thêu, một người thầy được nhiều học trò kính nể.

 

Cứ sau mỗi khóa dạy lại có bài kiểm tra, thử tay nghề rồi tạo sản phẩm đầu tay, đưa vào sản xuất. Thời điểm này, các sản phẩm ở xưởng thêu đều được cung cấp cho thị trường Đông Âu. Ông Kinh nhớ lại: Năm 1979, nhà nước có chính sách hạn chế đi xe, tiết kiệm xăng dầu nhưng do hoàn cảnh chạy ngược chạy xuôi hết Nam lại ra Bắc nên ông được “đặc cách” ưu tiên cấp xăng xe đi dạy nghề. Ông cũng được nhà nước, các địa phương cấp rất nhiều bằng khen, giấy chứng nhận, ghi công những cống hiến, đóng góp  đủ mọi cấp bậc trong nghề thêu. “Giờ mà tính chắc có lẽ cũng có cả tạ giấy khen ấy” - ông Kinh dí dỏm.

 

Bí mật trong nghề thêu của ông gói gọn trong hai từ: “tâm” và “cần mẫn”. “Tâm sáng, lòng mới trong lúc đó mới nắm được cái hồn trong từng bức tranh thêu. Cần mẫn của đôi tay, sáng tạo sẽ tạo nên những bức tranh thêu hoàn mỹ nhất”, ông Kinh giải thích.

 

Cũng vì lẽ đó, tất cả những tác phẩm thêu của ông luôn có những nét rất riêng, rất độc đáo, khác lạ, dường như chứa đựng cả tấm lòng của ông gửi gắm vào đó. Năm 1958, tranh thêu của ông được chính quyền Bảo Đại đưa dự triển lãm và trao tặng ở nước Pháp, Mỹ.     
 
Gặp người thêu “bức tranh thơ” bằng 10 thứ tiếng       - 2
Bức tranh thêu bài thơ của Mãn Giác Thiền Sư bằng tiếng Việt là tác phẩm được ông Kinh tâm đắc nhất.

 

Bức tranh thêu thơ bằng 10 thứ tiếng     

 

Về hưu năm 1994, ông Kinh lại bắt tay vào quản lý và làm thợ ở cửa hiệu Thêu Đức Thành (Huế). Các bức tranh thêu của ông chủ yếu miêu tả phong cảnh, con người xứ Huế với những nét tâm sự rất riêng.

 

Rồi ông bắt tay vào nghiên cứu thêu thơ theo nét viết dạng thư pháp uyển chuyển, sống động. Bài thơ Cáo Tật Thị Chúng của Mãn giác thiền sư được ông thêu bằng tay trên nền chất vải hoàn toàn bằng lụa tơ tằm với phiên bản dịch 10 thứ tiếng khác nhau, là: Việt Nam, Anh, Pháp, Đức, Nga, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc. Hiện ông đang tìm người nhờ phiên dịch ra các thứ tiếng Lào, Campuchia, Thái Lan và các quốc gia Phật giáo khác trên thế giới.      

 

Kể về quá trình thêu những bức tranh thơ, ông nói: “Mỗi bức tranh thêu tôi phải mất hơn 2 tháng mới hoàn thành. Có những bức bị lỗi chữ, lỗi dịch, lỗi chỉ… chỉ cần có tì vết là tôi phải bắt đầu lại từ đầu của công đoạn thêu”. Điều đặc biệt của bức tranh thơ tiếng Việt là câu thơ cuối “Một Nhành Mai” được ông thêu theo nét vẽ kiểu thư pháp Việt, nhằm tạo cái hồn Việt rất riêng.

 

“Công đoạn khó nhất là dịch nghĩa cho sát, cho hay, thể hiện được hết cái ý tứ trong bài thơ gốc”, ông Kinh nói hiện ông cũng đang bắt tay vào thêu những bài thơ nổi tiếng của các thi nhân khác như Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan, Hàn Mạc Tử…      

 

Ông cho biết ý tưởng thêu thơ trên tranh được bén rễ trong một lần có du khách người Đức tới xem tranh thêu của ông, đã gợi ý với ông việc thêu thơ lên tranh. Hôm đó hai người đã ngồi đàm đạo về bài thơ của Mãn Giác Thiền Sư và bản dịch tiếng Đức đã được vị du khách gửi cho ông sau đó.

 

Lần lượt trong những ngày tiếp theo, cũng thông qua “duyên bén ngộ”, nhiều du khách đến thăm mua tranh thêu ở cửa hàng ông đều được ông giới thiệu về ý tưởng bức tranh thơ bằng nhiều thứ tiếng của mình. Họ, những du khách có người là cán bộ cao cấp, đại sứ, Bộ Trưởng, Thượng nghị sỹ ở nhiều nước trên thế giới, đã sẵn sàng đàm đạo về thơ với ông và giúp ông thực hiện các bản dịch.

 
Gặp người thêu “bức tranh thơ” bằng 10 thứ tiếng       - 3
Hai tác phẩm thêu thơ bằng tiếng Anh và tiếng Nhật.
 
Trong số 10 bức tranh thơ với 10 thứ tiếng, ông Kinh mãn nguyện, tâm đắc nhất với bức tranh thêu bằng tiếng Việt bởi ông đã nắm được cái hồn thực sự của bài thơ qua tranh. Ông kinh cũng đang ấp ủ dự định sẽ tổ chức triển lãm những bức tranh thơ thêu này để giới thiệu rộng rãi cho công chúng được thưởng lãm và có những góp ý để ông tiếp tục hoàn thiện hơn.      

 

Với nghề thêu, ông Kinh là 1 trong 27 nghệ nhân được vinh danh nhận thưởng nghệ nhân dân gian; nghệ nhân làng nghề của cả nước. Ngoài thêu, nghệ nhân Lê Văn Kinh còn nổi tiếng với những món sưu tập, bộ đồ cổ quý giá. Ông cũng là một trong những nghệ nhân thư pháp có tiếng ở trong ngoài tỉnh Thừa Thiên - Huế. “Giờ tui cũng đã có tuổi rồi, tâm nguyện lớn nhất của đời tui chỉ mong sao giữ và phát triển được nghề thêu truyền thống, gìn giữ và nâng nó lên thành một môn nghệ thuật cho các thế hệ sau, truyền nghề cho những ai đam mê”, ông Kinh tâm sự.
 

 

Phan Bá Mạnh