1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gặp người suốt 40 năm chăm sóc mộ phần liệt sĩ vô danh

(Dân trí) - “Tôi nghĩ nếu báo được tin với người thân của em thì chắc gia đình em sẽ vui lắm, tôi cũng mong chờ tìm được hài cốt em mình nên tôi hiểu”, bà Đào Thị Minh, người chôn cất và trông coi hài cốt liệt sĩ Dương Thành Hiến suốt 40 năm, tâm sự.

Chúng tôi đến nhà bà Đào Thị Minh ở số nhà 507, đường Hùng Vương - TP Hải Phòng khi bà vừa đi sinh hoạt định kì ở tổ hưu trí công an Hải Phòng về. Tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng bà Minh còn rất nhanh nhẹn và minh mẫn.

Bà Đào Thị Minh quê gốc ở xã Vĩnh Hòa - Ninh Giang (Hải Dương). Từ năm 6 tuổi, bà xuống thôn Cam Lộ, xã Hùng Vương, huyện Hải An (giờ là phường Hùng Vương - Hồng Bàng - TP Hải Phòng) sống cùng anh trai. Tại đây bà tham gia vào phong trào dân quân cùng các phong trào kháng chiến của địa phương.

Bà Đào Thị Minh (thứ 4 từ phải sang) cùng gia đình liệt sĩ Dương Thành Hiến.
Bà Đào Thị Minh (thứ 4 từ phải sang) cùng gia đình liệt sĩ Dương Thành Hiến.

Năm 1966, bà Minh lập gia đình nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, hơn một tuần sau khi kết hôn, chồng đi chiến trường. Đó cũng là giai đoạn miền Bắc bị giặc Mỹ leo thang đánh phá, phong trào kháng chiến của nhân dân quyết liệt và dâng cao. Tháng 3/1969, bà Minh lên Hà Nội nhận công tác, làm ở khối cán bộ văn phòng tại Bộ Nội vụ. Năm 1982, bà Minh chuyển về công tác tại Phòng Chính trị, Công an thành phố Hải Phòng và về nghỉ hưu tại Cam Lộ.

Những câu chuyện trong kí ức thủơ nào lần lượt trở về qua lời kể nghẹn ngào cảm xúc của bà. Đêm 16/4/1972, Hải Phòng bị Mỹ ném bom ác liệt, ngay ngày hôm sau bà lập tức lên đường từ Hà Nội trở về nhà để thăm gia đình.

Trong lúc đi bắt cáy, bà và hai người anh cùng tổ dân quân đã phát hiện ra thi thể của một chiến sĩ Hải quân. Bà Minh kể: “Hôm ấy là ngày 19/4, tôi cùng với anh Bờ và anh Vũ đi bắt cáy ở vùng đầm gần nhà nhưng chỉ mình tôi xuống trước để bắt cáy, còn hai anh ngồi chơi trên bờ chờ nước cạn để hôi đăng. Khoảng 10h trưa, khi vồ cáy tôi ngẩng lên nhìn, giật mình khi thấy một người nằm sấp, bị bùn lầy, phù sa phủ hết quần áo. Tôi gọi hai anh xuống, ba anh em đưa người ấy lên bờ, tắm rửa cho anh ấy mới phát hiện ra đó là một chiến sĩ Hải quân nhờ chiếc áo yếm anh mặc trên mình”.

Lễ bàn giao hài cốt liệt sĩ Dương Thành Hiến.
Lễ bàn giao hài cốt liệt sĩ Dương Thành Hiến.

Sau khi khâm liệm xong, thi hài của liệt sĩ ấy được bà và mọi người đưa ra bãi đất trống để chôn cất. Dù đã cố gắng làm mọi cách để tìm hiểu thông tin về người đã hi sinh nhưng bà Minh và những người có mặt lúc đó cũng chỉ biết được đó là chiến sĩ của đoàn tàu không số, ngoài ra không có một thông tin gì thêm. Do vậy trên bia mộ của người đã khuất có ghi dòng chữ “Anh bộ đội quê Củ Chi”.

Từ đó, trong suốt 40 năm qua, người phụ nữ ấy vẫn ngày ngày lặng lẽ chăm sóc khói nhang cho phần mộ của anh bộ đội vô danh, giống như chăm sóc cho người thân của mình, “để cho người đã khuất không cảm thấy lạnh lẽo cô đơn khi nằm một mình nơi đất khách quê người”. Không chỉ mình người liệt sĩ ấy, bà Minh cũng thường xuyên hương khói cho những người đã khuất tại nghĩa trang. Theo lời kể của bà thì hiện nay, ở chỗ bà vẫn còn hài cốt một liệt sĩ là bộ đội tên lửa vẫn chưa tìm được thân thế, gia đình.

Một thời gian bà Minh lên sống cùng con ở Hà Nội, chính quyền thành phố Hải Phòng có dự án giải phóng mặt bằng, toàn bộ phần đất của nghĩa trang được bàn giao cho một công ty vào tháng 2/2004. Vậy nên tất cả các phần mộ được đưa đi an táng về chỗ khác. Khi trở về, không thấy mộ của liệt sĩ còn ở đó, bà Minh lại lặn lội đi tìm lại phần mộ của người liệt sĩ mà bà đã gìn giữ và chăm sóc suốt mấy chục năm qua cùng với phần mộ của những người thân trong gia đình, và tiếp tục hương khói, chăm sóc.

Không chỉ chăm sóc hương khói, mà trong  suốt mấy chục năm qua bà Minh cũng không ngừng tìm kiếm thông tin về người thân và gia đình của người đã khuất để báo tin cho họ biết. “Tôi thương em ấy lắm, chừng bấy nhiêu năm em nằm một mình lạnh lẽo giữa nơi đất khách quê người, nên tôi đã cố gắng tìm mọi cách để báo tin cho gia đình biết”. Bao nhiêu năm tìm kiếm không có một chút thông tin, một chút manh mối nào, mọi con đường tìm kiếm đều nằm trong im lặng, tưởng chừng như anh sẽ cùng với bao người liệt sĩ vô danh khác, cùng nằm lại nơi vùng đất xa xôi. Dù vậy, nhưng trong thâm tâm người phụ nữ ấy luôn niềm tin rằng sẽ có một ngày tìm được người thân, gia đình và đưa anh trở về với quê hương.

Những người thân đến trước mộ của liệt sĩ Dương Thành Hiến sau 40 năm.
Những người thân đến trước mộ của liệt sĩ Dương Thành Hiến sau 40 năm.

Và công sức lặn lội bấy nhiêu năm ấy của bà cuối cùng cũng đã được đền đáp, khi năm 2012, trong một lần bà ngồi nói chuyện tâm sự với anh Vũ Xuân Hiếu, Chủ tịch phường Hùng Vương. Bà đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của người cán bộ trẻ ấy. Bà Minh tâm sự: “Không hiểu sao khi nói chuyện với cháu Hiếu xong, tôi cảm thấy trong người thanh thản đến lạ kì”.

Và quả nhiên, không lâu sau, thông tin về người liệt sĩ mà bà chôn cất được xác định. Qua kết quả giám định ADN đã xác minh đó là liệt sĩ Dương Thành Hiến (SN 1950), quê gốc ở thị xã Hòn Gai - Quảng Ninh. Anh là một trong tám liệt sĩ bị mất tích của tàu T603, Đoàn tàu không số, trong một lần đoàn tàu bị bom Mỹ ném trúng khi đang bốc hàng. Bấy lâu nay gia đình anh cũng đã tốn không biết bao công sức để đi tìm. Và giờ đây, anh đã được đưa trở về với quê hương, với gia đình mình.

“Lúc nào tôi cũng nghĩ, nếu báo được tin với người thân của anh thì chắc hẳn gia đình anh sẽ vui lắm. Tôi cũng đã mong chờ tìm được người em của mình nên tôi hiểu họ mong mỏi như thế nào”, bà Minh xúc động nhớ về người em trai đã hi sinh trong chiến trường Nam Bộ suốt mấy chục năm nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Nhưng bà Minh tin rằng, ở một nơi nào đó trên mảnh đất hình chữ S này, em trai bà cũng đang được những "người dưng" ngày ngày khói nhanh chăm sóc, như bà đã chăm sóc cho phần mộ của liệt sĩ Dương Thành Hiến suốt 40 năm qua.