1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Gặp người cảm tử quân từng được truy điệu sống

(Dân trí) - Đã từng được truy điệu sống, kích nổ nhiều bom từ trường để đảm bảo huyết mạch giao thông vào tiền tuyến, và sau gần 40 năm, ông vẫn sống trong nghèo khó...

Gặp người cảm tử quân từng được truy điệu sống - 1

Cảm tử quân Bùi Sỹ Phương lần mở những trang hồ sơ cũ kỹ
 
Về xóm 3 xã Nghi Phương (Nghi Lộc, Nghệ An) hỏi ông Bùi Sỹ Phương (67 tuổi) không ai là không biết. Người dân nơi đây dành cho ông nhiều tên gọi với sự cảm phục thời trai trẻ oanh liệt của ông. Họ gọi ông là liệt sỹ sống, người từ cõi chết trở về hay người sinh ra từ bom đạn…
 
Trong căn nhà nhỏ cùng với những hồi ức về cuộc chiến chưa nguôi, ông kể: “Năm 17 tuổi, tôi bắt đầu tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lúc bấy giờ tôi được phân công làm công tác lái ca nô phá bom cho công binh nối cầu phao để mở những tuyến huyết mạch trên các con sông. Ở đâu có những bến sông bị oanh tạc, ở đó có chúng tôi. Và cũng trên những khúc sông ấy, biết bao máu của đồng đội tôi đã đổ xuống...”. Chỉ nói đến đấy, nước mắt ông lại trào ra.

Kể cho chúng tôi nghe về những trận đánh tưởng chừng không có hồi kết trong quá khứ, ông lại nhớ đến những người đồng đội đã nằm lại vĩnh viễn nơi chiến trường: “Năm 1965, khi đang cố gắng nối cầu phao cho xe chở khí tài vượt sông Bùng (nay là sông Bùng thuộc xã Diễn Kỷ, Diễn Châu - pv) thì bất ngờ hai chiếc máy bay F105 của không quân Mỹ bổ nhào phóng tên lửa giữ dội. Chưa tiêu diệt được mục tiêu, chúng còn huy động thêm hai máy bay chiến đấu vòng lại bắn 12 li bảy như trút nước. Trận ấy, 11 trong 13 chiến sỹ đã ra đi vĩnh viễn”.

Một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất phải nói đến đó là chiến dịch mở đường máu trên Sông Lam ngày 27/07/1968.
 
Gặp người cảm tử quân từng được truy điệu sống - 2

Những trang giấy chứng nhận thương tật đã ố màu vì thời gian

Năm đó, tại bến phà 3 Sông Lam thuộc xã Nam Thượng (Nam Đàn, Nghệ An), xe tiếp viện từ Miền Bắc vào Nam đã không thể vượt sông vì bom từ trường của quân đội Mỹ nằm san sát dưới lòng sông. Để thông tuyến, bắc cầu phao qua sông nhất định phải phá bom từ trường. Nhiệm vụ đó được giao cho đội cảm tử quân. Trong đêm tối, 2 chiếc ca nô của trung đoàn 329 xé màn đêm lao ra giữa sông. Chiếc thuyền quay vòng, một loạt tiếng bom nổ đinh tai nhức óc. Hai chiếc ca nô bị bom xé nát, toàn bộ cảm tử quân trên đó không trở về.

Bom vẫn chưa hết, cầu phao chưa thể bắc. Hàng trăm tấn hàng ùn ứ không thể qua sông. Phải chuyển hết hàng qua sông trước khi trời sáng! Mệnh lên trên đưa ra. Đội cảm tử thứ 2 lao xuống sông thực hiện nhiệm vụ vẫn còn dang dở. "Sau khi làm lễ truy điệu sống, tôi và đồng chí Nguyễn Thanh Bình (Thạch Lâm, Thạch Hà, Hà Tĩnh) lái ca nô lao vào bãi bom. Vừa rẽ sóng được 50m thì… quả bom bên tả ngạn cách mạn tàu 100m phát nổ. Chiếc cá nô vọt lên, tlao ra khỏi vùng ảnh hưởng, chạy tiếp được 100m lên phía thượng nguồn thì một tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên. Cả người và ca nô bị sức ép của quả bom "bốc" hẳn lên bờ. Tỉnh dậy tôi mới biết mình bị thương. Mảnh bom đã "cạo" mất 2 miếng trên đầu, 2 cái răng cửa bị mất, chảy máu mồm. Nguyễn Thanh Bình hy sinh trong đêm đó", ông Phương nhớ lại.

Hòa bình lập lại, ông về với ruộng vườn. Ký ức cuộc chiến cứ đeo đẳng ông không chịu buông tha. Mỗi khi trái gió trở trời đầu ông lại đau như búa bổ.
 
Ông cho biết: “Hiện tại bản thân đang mang trong mình thương tật trên 29%. Những cơn đau đầu, đau tim vẫn thường hành hạ, mọi sinh hoạt hằng ngày gặp rất nhiều khó khăn do những vết thương để lại. Năm 1970, tôi được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Huân chương chiến công hạng Ba. Năm 2000, tôi được trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì và được trợ cấp 1 lần với số tiền 2,3 triệu đồng. Đó là tất cả những gì mà tôi có được sau cuộc chiến khốc liệt năm xưa” - cựu binh Bùi Sỹ Phương ngậm ngùi.
 
Gặp người cảm tử quân từng được truy điệu sống - 3

Người cảm tử quân năm xưa và những tập tài liệu trên hành trình tìm lại chiến công

Cuộc sống khốn khó khiến cơ thể vốn đã phải hứng chịu bao khốc liệt chiến tranh càng đau đớn, ngậm ngùi.

Minh Hậu - Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm