1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Gặp người bảo vệ "dải lụa xanh" của Quần đảo Trường Sa

(Dân trí) - Đảo Nam Yết được ví như "dải lụa xanh" của Quần đảo Trường Sa, bởi nơi đây có số lượng và chủng loại cây nhiều nhất tại quần đảo này. Tuy nhiên, để duy trì màu xanh quý giá này luôn cần có sự chăm sóc của cán bộ bảo vệ thực vật và các chiến sĩ trên đảo.

"Dải lụa xanh" của quần đảo Trường Sa

Trong cuộc hành trình cùng với tàu Quân y 561 thuộc Lữ đoàn 955 đưa hơn 100 thân nhân là bố, mẹ, vợ của các cán bộ, chiến sĩ đang công tác, rèn luyện trên các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) ra thăm người thân của mình vào những ngày hè rực lửa vừa qua, phóng viên Dân trí có cơ hội được gặp gỡ và trò chuyện với Thạc sĩ Trần Văn Huy – cán bộ của Viện Bảo vệ thực vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) về câu chuyện bảo vệ màu xanh trên đảo Nam Yết.

Gặp người bảo vệ dải lụa xanh của Quần đảo Trường Sa - 1

Thạc sĩ Trần Văn Huy trao đổi với phóng viên Dân trí tại đảo Nam Yết (quần đảo Trường Sa).

Thạc sĩ Huy cho biết, sở dĩ đảo Nam Yết được mệnh danh là “dải lụa xanh” của quần đảo Trường Sa vì nơi đây có số lượng và chủng loại cây nhiều nhất trong số các đảo thuộc quần đảo này.

Quả thực, khi đặt chân xuống đảo Nam Yết chúng tôi cứ ngỡ như lạc vào một khu đô thị sinh thái nào đó trên đất liền, bởi hiện ra trước mắt chúng tôi rất nhiều cây, với nhiều chủng loại khác nhau.

Theo lời thạc sĩ Huy, trên hòn đảo này cây nhiều nhất là dừa, chính vì thế nó còn được đặt với một cái tên khác là “đảo dừa”. Dừa ở đây rất quý, quý đến nỗi được đưa vào “hồ sơ quản lý” rất chặt chẽ. Dừa vừa tạo bóng mát, quả dừa còn là nguồn thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo để cải thiện bữa ăn.

Dừa xuất hiện trên đảo Nam Yết cách đây nhiều năm và đã thích nghi được với khí hậu khắc nghiệt ở Trường Sa. Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ cũng đang tiến hành nhân giống dừa để trồng trên các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa.

Gặp người bảo vệ dải lụa xanh của Quần đảo Trường Sa - 2
Gặp người bảo vệ dải lụa xanh của Quần đảo Trường Sa - 3

Trên đảo Nam Yết, dừa là cây trồng phổ biến nhất.

Ngoài dừa, ở Nam Yết cũng rất phổ biến các loại cây mù u, tra, bàng vuông, phong ba, bão táp, hoa giấy cùng một số cây dại khác. Cây được trồng trên đảo phải đáp ứng các tiêu chí như: chịu hạn, mặn tốt, chống chọi được với gió bão, lớn nhanh, tỏa nhiều bóng râm.

Các loại cây trên đảo nói chung phát triển chậm hơn so với đất liền không chỉ vì thiếu nước mà còn do thổ nhưỡng xấu: Đất do san hô phong hóa, chỉ có lớp phân chim rất mỏng.

Đối với bộ đội, lợi ích của cây xanh được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau: Đầu tiên là bóng mát, cải thiện môi trường, tiếp đến là cho quả để bổ sung nguồn thực phẩm và nước giải nhiệt, cuối cùng mới là hoa để làm đẹp cảnh quan.

“Cây tra là cây mọc rất phù hợp với khí hậu ở ven biển cũng được các chiến sĩ mang ra đây trồng khoảng 30 năm nay và hiện tại đang phát triển rất tốt. Một số cây trồng khác như phi lao, mù u, đặc biệt là cây nhàu là cây có số lượng rất nhiều trên hệ thống các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Cây nhàu phát triển rất tốt và cũng làm nước uống tốt, bổ, có thể chữa được một số bệnh thông thường cho các chiến sĩ” – thạc sĩ Huy cho biết.

Gặp người bảo vệ dải lụa xanh của Quần đảo Trường Sa - 4
Gặp người bảo vệ dải lụa xanh của Quần đảo Trường Sa - 5

Cảnh quan trên đảo Nam Yết đẹp như một khu sinh thái.

Gặp người bảo vệ dải lụa xanh của Quần đảo Trường Sa - 6

Ngọn hải đăng trên đảo Nam Yết.

Cây xanh đang đối mặt với sâu bệnh

Theo thạc sĩ Huy, trong vòng 5 năm trở lại đây, cây xanh trên đảo Nam Yết đang phải đối mặt với sâu bệnh rất phức tạp, nếu không phòng trừ sớm thì “dải lụa xanh” của quần đảo Trường Sa sẽ bị tổn thương nghiêm trọng.

Cây bàng vuông trên hòn đảo này luôn hiên ngang trước bão táp là vậy, nhưng những năm gần đây đã có hiện tượng sâu ăn lá rất nặng, sâu ăn trụi cây, làm cho cây không đơm hoa kết trái được khiến cây còi cọc, chậm lớn. Nếu số lượng sâu lớn, mật độ cao có thể làm cho cây bàng vuông chết.

Không chỉ có bàng vuông, nhiều cây dừa cũng bị bọ cánh cứng tàn phá nặng nề, những đợt lá non mất dần màu xanh, bạc phếch, xơ xác như bị lửa táp, cây non còi cọc, còn những cây lớn cho quả rất ít và chất lượng quả giảm mạnh. 

Thạc sỹ Trần Văn Huy cho biết: Có nhiều con đường để sâu, bệnh xâm nhập vào đảo. Thứ nhất, qua các con tàu, theo các đàn chim biển. Thứ hai là lây lan từ các giống cây được mang tặng từ đất liền. Ở các hòn đảo không có hệ thống thiên địch trong tự nhiên, ví dụ chim sâu, để khống chế sâu hại cây, nên một khi chúng thích nghi được thì phát triển nhanh, bùng phát lên thành dịch.

“Màu xanh trên đảo rất quan trọng, nó giúp các chiến sĩ được tập luyện dưới bóng mát, tạo không khí trong lành cho đảo và giúp để ngụy trang các thiết bị tập luyện. Nếu cây xanh mà trụi lá thì đảo sẽ rất nóng” – thạc sĩ Huy lo lắng.

Gặp người bảo vệ dải lụa xanh của Quần đảo Trường Sa - 7
Gặp người bảo vệ dải lụa xanh của Quần đảo Trường Sa - 8

Cán bộ, chiến sĩ xem biểu diễn văn nghệ dưới bóng mát của cây xanh trên đảo Nam Yết.

Các cán bộ của Viện Bảo vệ thực vật mang theo ra đảo những chế phẩm sinh học để diệt sâu, trừ bệnh cho cây. Các loại thuốc hóa học không phù hợp để sử dụng trên đảo do diện tích hẹp, mật độ người cao, việc sinh hoạt, luyện tập của bộ đội vẫn diễn ra liên tục dưới bóng râm trong suốt thời gian chữa bệnh cho cây. Các chế phẩm sinh học trừ sâu, bệnh có tính năng thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến đời sống của con người và vật nuôi trên đảo, nhưng đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và phải thực hiện liên tục chu trình trong vài năm.

Thạc sĩ Trần Văn Huy cho biết: Việc trừ sâu, bệnh cho cây trên đảo khó khăn hơn so với trên đất liền do không thể dùng thuốc hóa học, trong tự nhiên lại thiếu thiên địch. Tuy nhiên, đảo có tính cách ly nhất định nên nếu cây xanh được “làm sạch” thì thời gian chưa bị tái nhiễm sâu, bệnh kéo dài hơn. Điều thuận lợi cơ bản là các cán bộ, chiến sĩ ở Nam Yết ý thức được tầm quan trọng của cây xanh nên hợp tác rất nhiệt tình với các nhà khoa học.

“Chúng tôi sẽ chờ 3 - 4 năm để khẳng định kết quả của việc phòng trừ sâu bệnh ở Nam Yết rồi chuyển giao công nghệ cho bộ đội. Sau đó, mô hình xanh ở Nam Yết sẽ được nhân ra khắp các đảo khác ở Trường Sa” – thạc sĩ Huy cho biết thêm.

Gặp người bảo vệ dải lụa xanh của Quần đảo Trường Sa - 9

Vườn rau của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Nam Yết.

Theo Thạc sĩ Trần Văn Huy, để việc bảo vệ màu xanh ở Trường Sa đạt hiệu quả cao thì cần có sự hợp tác chặt chẽ ở tầm cao giữa Bộ Quốc phòng với Bộ NN&PTNT, cùng Bộ Khoa học và Công nghệ. Bên cạnh việc trừ sâu, bệnh thì Bộ Tư lệnh Hải quân cũng cần nghiên cứu, đề xuất quy trình kiểm soát, kiểm định các loại cây giống, hoa quả mang ra đảo. Bên cạnh việc loại bỏ ngay từ đất liền những cá thể cây, quả đang mang mầm bệnh, thì việc lựa chọn những giống cây phù hợp với môi trường trên đảo và không “gây hấn” với các loại cây bản địa, các loại cây đã được thuần dưỡng ở quần đảo Trường Sa, là rất quan trọng.

Gặp người bảo vệ dải lụa xanh của Quần đảo Trường Sa - 10

Toàn cảnh đảo Nam Yết.

Gặp người bảo vệ dải lụa xanh của Quần đảo Trường Sa - 11

Dải cát tuyệt đẹp ven bờ của đảo Nam Yết.

Gặp người bảo vệ dải lụa xanh của Quần đảo Trường Sa - 12
Gặp người bảo vệ dải lụa xanh của Quần đảo Trường Sa - 13

Đảo Nam Yết nhìn từ xa.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm