1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gặp lại nữ dân quân kéo xác máy bay Mỹ

(Dân trí) - Hơn 45 năm đã trôi qua, ký ức của người nữ dân quân năm xưa và những ai được chứng kiến khoảnh khắc trong bức ảnh mang tên “Sự trừng phạt đích đáng”, vẫn in đậm về một thời gian lao mà hào hùng.

Cô nữ dân quân trong bức ảnh nổi tiếng “Sự trừng phạt đích đáng” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Văn là Hà Thị Nhiên, ở ngõ Văn Nhân, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Nam Định. Cô dân quân du kích ngày ấy giờ đã lên chức bà và có cuộc sống viên mãn bên chồng, con ở tuổi xế chiều.

Sức mạnh của người phụ nữ thời chiến

Sinh năm 1947, quê gốc ở xã Hải Thịnh, huyện Hải Hậu (nay là thị trấn Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định), năm 17 tuổi, cô gái Hà Thị Nhiên vừa tham gia dân quân du kích của xã vừa tham gia sản xuất và phối hợp với bộ đội phòng không bảo vệ cứ điểm quan trọng vùng cửa biển.

Gặp lại nữ dân quân kéo xác máy bay Mỹ
Bức ảnh nổi tiếng “Sự trừng phạt đích đáng” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Văn (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Năm 1966, bộ đội và dân quân xã Hải Thịnh bắn rơi máy bay ở ngay khu vực mép biển. Cùng thời gian này có một đoàn nhà báo từ Trung ương về để đưa tin biểu dương thành tích của lực lượng địa phương về chiến công bắn rơi máy bay. Trong đoàn nhà báo đó có nhiếp ảnh gia Quang Văn; chính ông đã ghi lại khoảnh khắc nữ dân quân du kích kéo xác máy bay Mỹ, bóng đổ dài bên bờ biển.

Năm 1970, bức ảnh này được đưa đi dự triển lãm ảnh quốc tế và đoạt giải. Sau đó bức ảnh được báo chí quốc tế in lại làm bằng chứng sống để phản đối và lên án sự xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Đó là hình ảnh đại diện cho ý chí và lòng dũng cảm của dân tộc Việt Nam và là sự trừng phạt đích đáng đối với kẻ thù xâm lược.

Bà Nhiên nhớ lại: “Đất nước bấy giờ ruộng, rẫy là chiến trường, nhà nông là chiến sĩ, cuốc cày là vũ khí, đó là phong trào chung, hậu phương thi đua với tiền phương là khẩu hiệu. Đàn ông con trai thì đi chiến trường, ở hậu phương chỉ có phụ nữ nên vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Quê tôi là vùng cửa biển, là vùng tối quan trọng, nơi sông Ninh Cơ đổ ra biển nên ngày nào máy bay Mỹ cũng đánh phá rất ác liệt, chúng rải bom khắp Miền Bắc và khi về còn bao nhiêu là chúng trút hết xuống đó để về tàu.

Dân quân du kích xã được lệnh phối hợp với bộ đội phòng không bảo vệ bờ biển, đánh tàu biển vừa bắn máy bay ngăn chúng không vào được đất liền. Trải qua rất nhiều trận đánh ác liệt vào ngày 15/1/1966, dân quân xã phối hợp với bộ đội pháo cao xạ bảo vệ bờ biển đã bắn rơi máy bay F4 của không lực Hoa Kỳ trong niềm vui khôn tả của nhân dân”.

Gặp lại nữ dân quân kéo xác máy bay Mỹ
Bà Nhiên chụp cùng nhà nhiếp ảnh Quang Văn trong chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ năm 2010" (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Chỉ vào bức tranh được treo trang trọng trên tường phòng khách, do con trai út của bà vẽ lại từ bức ảnh, bà Nhiên nói: “Khi đó chúng tôi được giao đi lượm lại những mảnh vỡ của chiếc máy bay bị bắn hạ về Ủy ban nhân dân xã. Điều tôi thực sự không ngờ tới là nhà nhiếp ảnh Quang Văn đã chụp tôi, vì lúc đó tôi cùng các đồng chí khác đang phân công nhiệm vụ cho nhau”.

Năm 2010 trong chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” trên Đài Truyền hình Việt Nam, bà đã có dịp gặp lại những đồng đội cũ một thời chiến đấu vào sinh ra tử, đặc biệt là được gặp lại nhà nhiếp ảnh Quang Văn tác giả của bức ảnh chụp bà năm xưa: “Tôi thực sự rất xúc động không cầm được nước mắt khi được gặp lại những đồng đội cũ, cũng phải gần 40 năm rồi chưa có dịp gặp lại, từ khi theo chồng về thành phố định cư, cuộc sống mưu sinh vất vả tôi chưa có dịp gặp lại họ sau từng ấy năm”, bà Nhiên xúc động.

Hạnh phúc đời thường của nữ dân quân năm xưa

Trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, cô dân quân Hà Thị Nhiên đã gặp gỡ và bén duyên hạnh phúc cùng với anh chàng bộ đội pháo cao xạ Phạm Quang Tiến.

Năm 1975 hòa bình lập lại, ông Tiến được phân công về thành phố Nam Định công tác, bà theo ông về thành phố Nam Định sinh sống. Những lo toan bộn bề của cuộc sống thường nhật càng làm toát lên ở người phụ nữ này một sức mạnh kiên cường không gì khuất phục được.

Gặp lại nữ dân quân kéo xác máy bay Mỹ
Hạnh phúc giản dị trong cuộc sống đời thường của hai vợ chồng bà Nhiên bên con cháu.

Ngày ngày với gánh hàng tào phớ thức khuya dậy sớm, không quản ngại thời tiết gió mưa bà đã tần tảo nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Đối với bà đó là điều quan trọng nhất, ba người con của bà giờ đều đã thành đạt.

Bà tâm sự: “Thực sự hoàn cảnh lúc đó của gia đình rất khó khăn chỉ trông chờ vào đồng lương mất sức của ông nhà tôi, nên vợ thì bán sữa đậu chồng thì bán trà đá để kiếm tiền nuôi các con ăn học, giờ con cái thành đạt là tôi thấy mãn nguyện rồi”.

Hôm nay, sau bao vất vả nhọc nhằn mưu sinh, con cái cũng đã trưởng thành, ông bà có thể an nhàn vui vầy với con cháu ở cái tuổi xế chiều. Ông bà thường xuyên tham gia các hoạt động của cựu chiến binh phường và các hoạt động xã hội. Ông Tiến nhìn vợ cười vui vẻ nói: “Nói thật ra tôi rất hiểu những cực khổ mà bà đã cùng tôi trải qua, nhưng tôi rất khâm phục bà ấy ở hoàn cảnh nào bà ấy cũng xứng đáng để tôi phải ngưỡng mộ”.

Bà Nhiên nhìn chồng cười, nụ cười hạnh phúc. Có những con người dù ở thời chiến hay thời bình vẫn luôn là biểu tượng của sức mạnh kiên cường. Tên tuổi của họ dù không ai biết đến nhưng những đóng góp của họ đã góp phần vào chiến thắng của dân tộc.

Trần Huệ - Đức Văn