Gặp lại người anh hùng diệt hổ, nhưng phải bỏ chạy khi gặp rắn hổ mang chúa
Nước da sạm đen cùng những nếp nhăn hằn lên khuôn mặt hốc hác, cùng đôi tay gân guốc cuồn cuộn nổi lên, sau quãng đời chiến đấu oai hùng. Dường như trong ông vẫn còn đó sức mạnh phi thường của thời trai tráng, gắn liền với thuở tung hoành ngang dọc.
Với người đàn ông này đó là quãng đời đầy oanh liệt, trải qua muôn ngàn sóng gió, vượt mọi hiểm nguy thách thức cả thiên nhiên khắc nghiệt, đối diện với hiểm họa từ kẻ thù và bao loài mãnh thú. Ông là Điểu Ưu (84 tuổi) vẫn đang sống cuộc đời bình dị, “ẩn dật” nơi miền miền biên ải xa xôi của Tổ quốc. Mặc nhiên ít người biết rằng, cụ già Sê Tiêng này là người anh hùng sắm vai “Võ Tòng đả hổ” giữa núi rừng Đông Nam bộ năm xưa, đem lại bình yên cho buôn làng.
“Beo rừng” nơi biên ải
Men theo con đường nhỏ giữa rừng cao su đất đỏ miền Đông Nam bộ, chúng tôi tìm đến nhà Điểu Ưu. Căn nhà nhỏ được xây bằng gạch, lợp tôn lấp ló trong rừng sâu, bị che lấp bởi vạt rừng và những bụi lau lách um tùm. Đây chính là nơi sinh sống mấy chục năm qua của cụ già người dân tộc với biết bao chiến công lẫy lừng. Bao nhiêu năm gắn bó với núi rừng, chỉ mỗi khi có việc ông lão mới ra khỏi nhà. Điểu Ưu sống ở ấp Hoa Lư, cha mẹ đều là người dân tộc Sê tiêng.
Sinh ra trong một gia đình đông con, trong thời chiến tranh nên Điểu Ưu cũng như bao người đồng bào khác không được đến trường. Cuộc sống rừng rú vốn khắc nghiệt, nên từ nhỏ cậu bé Điểu Ưu đã làm quen với cung nỏ, cắm chông cài bẫy bẫy. Lớn lên Ưu không chỉ là trụ cột trong gia đình mà còn là đứa con cưng của buôn làng.
Ngược thời gian trở về thời kì kháng chiến, Bình Phước là chiến trường khốc liệt, địa bàn diễn ra những cuộc đụng độ nảy lửa giữa ta và địch. Theo tiếng gọi non sông, tròn 21 tuổi chàng trai Điểu Ưu cầm súng cùng buôn làng mình đứng lên chiến đấu với quân thù. Lũ làng gọi Ưu là “beo rừng” mắt sáng long lanh trong đêm và khả năng thoát ẩn thoát hiện ngay trước họng súng quân thù. Với tài “thiện xạ” bắn “bách phát bách trúng”, “beo rừng” tiêu diệt nhiều sinh lực địch.
Cứ mỗi lần giáp mặt, Ưu đều khiến quân thù hoảng sợ khiếp vía. Mỗi lần giặc tấn công đều phải thoái lui trước sự kiên gan, cùng cạm bẫy của buôn làng dưới sự chỉ huy của Điểu Ưu, người con ưu tú của buôn làng. Địch không biết bao lần vây bắt, nhưng đều bất lực. Giặc còn bày quỷ kế, treo “giải thưởng”, nếu ai lấy được đầu Ưu, sẽ 10 gùi thóc và vàng bạc. Nhưng thủ đoạn của quân thù không thể làm lóa mắt lũ làng. Người đồng bào vẫn thủy chung bám trụ mảnh đất cha ông, một lòng che chở cách mạng. Đó cũng là năm tháng Ưu cùng buôn làng được Đảng dìu dắt trong cuộc trường chinh thần thánh của dân tộc,
Hòa bình lập lại, Ưu cùng đồng bào của mình trở về quê cũ dựng lại buôn làng, xây dựng cuộc sống. Chàng trai Điểu Ưu khi ấy trở thành một tráng sĩ, thân rắn chắc như gỗ lim, đôi mắt sáng long lanh, nhanh thoăn thoắt như con beo giữa rừng núi. Cùng với tài nghệ bắn cung bẫy thú rừng, nhà nào có con gái cũng muốn gả. Điểu Ưu nên duyên với 3 người phụ nữ trong buôn và có tới 21 đứa con, cả trai lẫn gái. Ba người vợ của Điểu Ưu đều qua đời trước vì tuổi già sức yếu, ông lão giờ đây sống lặng lẽ một mình, tất cả mọi sinh hoạt đều nhờ các con. Nhưng có lẽ những kỉ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông lão là một thời tung hoành dọc ngang nơi miền rừng Đông Nam bộ.
Già Điểu Ưu
“Võ Tòng đả hổ” Việt Nam
Năm 1980, người dân Lộc Ninh phải sống trong sự hoang mang lo sợ bởi sự đe dọa của thú dữ. Thời điểm đó, rất nhiều người đi rừng mất tích bí ẩn không rõ nguyên nhân. Tang thương bao trùm xóm nghèo, nhiều người đi rừng mà mãi không về nhà. Dấu vết để lại quanh hiện trường là vật dụng, quần áo rách tả tơi. Trong những lần đi săn đám thợ săn trong vùng cũng phát hiện những dấu hiệu của mãnh thú tấn công người. Liên kết đủ mọi dữ liệu, người dân trong vùng kết luận chắc chắn, cọp dữ đã sát hại nhiều tính mạng dân lành trong buôn làng.
Trước mối nguy hiểm thương trực ngày đêm đe dọa sự sống của người dân, UBND xã Lộc Tấn đã chỉ đạo đội thợ săn trong vùng gồm những thiện xạ tiêu diệt thú dữ. “Khi ấy người dân rất hoang mang, đội thợ săn được giao nhiệm vụ truy tìm và tiêu diệt cọp trừ họa cho dân làng. Đội cùng được trang bị vũ khi như súng kíp và dao rựa để phòng thủ và tấn công thú dữ”.
Được giao nhiệm vụ, đội thợ săn gồm 7 người, nhiều tháng ròng bằng rừng lôi suối truy tìm dấu vết. Những cuộc truy tìm thường lần theo dấu chân và phân để lại trong rừng nên rất khó khăn. Đội thợ săn còn đối mặt với sự khắc nghiệt của núi rừng âm u, hiểm họa thường trực từ muôn loài thú dữ. Gần 3 tháng ròng, đội thợ săn lùng sục theo dấu vết, nhưng tất cả hy vọng đều vào ngõ cụt. Vào lúc đoàn người rệu rã, trở nên mệt mỏi và muốn quay về thì bỗng dưng phát hiện những dấu vết cực mới của mãnh thú để lại.
“Vào lúc chuyến đi trở nên mù mịt thì đội săn trông thấy những tia hy vọng. Chúng tôi phát hiện những dấu chân cọp rất mới, to bằng cái chén (bát) ăn cơm. Quan sát kĩ thì thấy phân hổ rải rác quanh khu vực. Cùng lúc là gió rít rất mạnh, khiến ai yếu bóng vía sẽ rất dễ mất bình tĩnh. Lúc này cả đội dừng lại, rồi lên đạn. Không nói gì, nhưng cùng lúc tiến lên phía trước”, già Điểu Ưu kể lại.
Đi được một quãng chừng hơn 200 m, đội phát hiện một khu vực trống vắng, chỉ có cây cối rậm rạp và đất đá nhấp nhô. Lúc này, sau tiếng gầm lớn, một con hổ từ bụi cây rậm rạp với tốc độ kinh hoàng, lao thẳng vào người dẫn đầu là Điểu Ưu. Trước cú vồ của mãnh thú, nhanh như cắt Điểu Ưu lộn nhào một vòng, kịp thoát khỏi nanh vuốt. Hổ dữ vồ hụt “con mồi” ngã chúi đầu vào phiến đá, tỏ vẻ đau đớn gầm vang rồi quay ngoắt về phía Điểu Ưu. Người thợ săn vừa thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, lại rớt súng săn chưa biết xử lí ra sao thì mãnh thú tiếp tục lao đến...
Hổ dữ với tốc độ chóng mặt, vượt qua nhiều tảng đá lớn, chồm 2 chân lên người Điểu Ưu. Thủ sẵn con dao dài 25cm ngang thắt lưng, nhanh như cắt người thợ săn đâm thẳng vào ngực mãnh thú. Sau đó là một làn đạn rền vang của những người thợ săn đi cùng, khiến hổ dữ gèo thét, giãy giụa rồi gục xuống, nằm đè lên người Điểu Ưu. Những người thợ săn nhanh chóng lôi xác hổ dữ, lúc này con dao vẫn nằm yên giữa ngực mãnh thú. Tin diệt được hổ dữ nhanh chóng được thông báo về cho lũ làng.
“Sau đó, khoảng một giờ sau tôi mới tỉnh lại. Lúc này một vị lãnh đạo chính quyền đến bắt tay chúc mừng và con trêu đùa: “Vẫn chưa chết cơ à”. Thân thể lúc đó máu bê bết và nhiều trầy xước vì bị cọp cào xé”, già Điểu Ưu kể.
Sau này khi xẻ thịt cọp, người dân còn phát hiện trong ruột của mãnh thú vẫn còn rất nhiều tóc người. Cũng từ đó, bình yên trở về với buôn làng.
Một thời oanh liệt ....
Trong làn khói thuốc bảng lảng, ông cụ người đồng bào cứ trôi theo dòng hồi tưởng về một thời quá khứ. Càng lúc người thợ săn năm xưa “biến hình” thành một người khác, giống như vị già đáng kính trong những đêm hội cồng chiêng kể chuyện về buôn làng cho thế hệ sau. Và rồi những chiến công của một thời oanh liệt cứ dần được tái hiện qua giọng kể chậm rãi, rành rọt của ông lão.
Theo lời Điểu Ưu, những năm tháng sau giải phóng rừng núi còn rậm rạp hoang vu, có rất nhiều muông thú. Cuộc sống nghèo khó, buôn làng khi ấy luôn bị đe dọa bởi cái nghèo cái đói. Gạo chẳng đủ no nên người dân trong buôn thường săn thú rừng ăn thay cơm. Gia đình Điểu Ưu cũng vậy.
Theo lời kể, ngày đó rừng có đủ loài thú như: chim, hươu, nai, chồn, bò tót, trâu rừng... Đó cũng là nguồn thực phẩm vô giá mà thiên nhiên ban tặng để dân trong vùng tồn tại qua những cơn đói khát. Cho đến bây giờ, nhắm nghiền mắt ông lão vẫn nhớ từng con sông bờ suối, từng vách đá, điểm dừng chân, hay cả khu vực đặt chông cài bẫy, những dòng thác trên dòng sông Măng dù đã thay tên. Kĩ thuật săn bắt của Điểu Ưu được nâng lên đến tầm “nghề thuật”, người thợi săn chỉ nhìn dấu vết là đoán được “con mồi” để biết cách đặt chông, cài bẫy. Hay nhìn hướng bay, hoặc những cơn gió mùa cũng đoán được nơi nào loài chim xây tổ. Cũng vì vậy mà sau mỗi chuyến đi săn, Điểu Ưu chưa bao giờ về không.
Đất rừng phương Nam vẫn còn ghi nhớ những chiến công lẫy lừng của Điểu Ưu. Đó là những lần bắt hươu nai, bẫy bò tót, hàng phục trâu rừng cùng bao loài muông thú. Theo già Điểu Ưu, thích nhất là săn min (trâu rừng). Min thường đi theo bầy khoảng 10 – 15 con trở lên, mỗi lần chúng đi là cả rừng tre, rừng khộp đều đổ rạp. Một con min lớn, cho nhiều thịt buôn làng có thể ăn trong vài tuần lễ.
“Nhưng gian nan nhất vẫn là bẫy bò tót vì loài này rất hung dữ. Con đực thường tách ra khỏi đàn mà người đi săn rất khó bị phát hiện. Khi bị bắn, người thợ săn sẽ bị tấn công bất thình lình. Vì vậy, rất ít khi dám đến gần bò tót để bắn hạ, thợ săn thường đào hố sâu rồi ngụy trang cây cối để bẫy”, Điểu Ưu cho hay.
Trong cuộc đời săn bắt, một kỉ niệm mỗi khi nghĩ lại, Điểu Ưu vẫn không khỏi rùng mình. Đó cũng là chuyến đi săn khiến Điểu Ưu sợ hãi cho đến tận bây giờ. Hôm đó, Điểu Ưu vai mang súng và dao vẫn dắt ngang thắt lưng, men theo con suối nhỏ tiến về bìa rừng sát biên giới. Vượt qua những bụi lau lách um tùm, che khuất mặt người, người thợ săn tiến về phía cửa hang núi phía trước mặt. Nhưng lúc vừa đến gần, người thợ săn nghe trong bụi lau phát ra những tiếng “phì phì”. Đoán chắc sau lớp bụi rậm có một con thú, Điểu Ưu bẻ một cành cây dài hơn 1m, sau đó gạt bụi lau lách sang một bên. Ngay tức thì một đầu rắn nhô lên, miệng phình to, lè lưỡi như thách thức người thợ săn.
“Con rắn to bằng bắp chân, đầu trắng bệch và có mào màu đỏ ở trên đỉnh. Mắt nhìn trừng trừng về phía tôi, trông rất dữ tợn. Đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất tôi tận mắt nhìn thấy hổ mang chúa”, người thợ săn kể lại. Và lần đó, người dũng sĩ từng diệt hổ, trừ cá sấu và hàng phục biết bao loài thú dữ phải vội vã bỏ chạy.
“Vua săn bắt” gác súng
Trong căn nhà nhỏ già Điểu Ưu đang sống không hề có một vật dụng gì đáng giá. Gia tài của người thợ săn năm xưa chỉ vỏn vẹn một cái giường cũ kĩ và giấy chứng nhận người cao tuổi. Cũng không có sừng tê giác, sừng hươu nai, nanh lợn rừng, hay móng vuốt của các loài thú dữ như những người thợ rừng khác. Theo già Điểu Ưu: “Ngày đó nghèo đói, chỉ cần thực phẩm. Vì vậy, mỗi khi bắt được thú rừng chỉ xẻ thịt để ăn, những thứ còn lại đều vứt bỏ. Không nghĩ những thứ ấy đến giờ này lại quý giá đến thế”.
Trong nhóm thợ săn ngày ấy, chỉ duy nhất Điểu Ưu là vẫn còn sống. Tất cả những người đồng đội năm xưa, không một ai chết vì cọp beo rắn rết. Họ đều bị những cơn sốt rét rừng, hoặc vướng vào bom mìn mà mất mạng. Sau này, Nhà nước có chủ trương thu lại súng và cấm bắn giết muông thú trong rừng, Điểu Ưu tự nguyện và động viên các bạn săn giao nộp lại súng săn cho UBND xã. Cũng từ đó, “vua săn bắt” một thời chính thức gác súng.
Mặc dù có đông con cháu, nhưng già Điểu Ưu chỉ thích sống một mình. Hàng ngày con cháu vẫn đều đặn đem đồ ăn, thức uống đến cho ông. Tất cả những vật dụng đều để gần chỗ nằm, chỉ cần quơ tay là chạm đến. Giờ đây sức khỏe đã yếu, vật dụng lúc nào cũng bên cạnh là chai dầu gió, hộ thân những lúc trái gió trở trời. Niềm vui của ông lão là tự đi bộ đến thăm con cháu mỗi buổi chiều. Sau những chiến công thầm lặng nhưng đầy oanh liệt, ông lão Sê tiêng hồn hậu vẫn choàng tấm chăn vải ngồi giữa gian nhà. Với già Điểu Ưu, cuộc sống vậy là quá đủ, chẳng thiếu một thứ gì cả. Và câu chuyện về Điểu Ưu vẫn được những người Sê tiêng đôn hậu kể cho nhau nghe nơi ánh lửa bập bùng, bên những cuộc nhậu say nồng.
Theo Tuấn Kiệt
An ninh Thủ đô