Hà Tĩnh:
Gặp lại đôi vợ chồng trẻ 2 năm sau “đám cưới đặc biệt”
(Dân trí) - Công – Mai, đôi vợ chồng trẻ trong cái đám cưới đặc biệt diễn ra cách đây gần 2 năm mà Dân trí đã từng đưa tin, nay đã có đứa con đầu lòng bụ bẫm, đáng yêu. Đó là kết tinh, thành quả của một chuyện tình đẹp vượt núi rừng.
Bạn đọc hẳn vẫn chưa quên đám cưới đặc biệt diễn ra cách đây gần 2 năm tại bản Rào Tre (xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh) khi cô dâu là một cô gái dân tộc Chứt, còn chàng rể là một chàng trai khác làng người Kinh.
Sau gần 2 năm, chúng tôi đã có dịp gặp lại đôi vợ chồng trong đám cưới đặc biệt năm ấy. Giờ đây, đôi vợ chồng trẻ đã chào đón thêm thành viên mới rất bụ bẫm, đáng yêu. Cuộc sống của 2 vợ chồng cũng đã ổn định, có của ăn của để.
Giờ ngồi kể lại câu chuyện tình của mình cả Công và Mai vẫn còn bồi hồi và có chút ngượng ngịu.
Công là con một trong gia đình, tuổi thơ gặp nhiều bất hạnh, cha mẹ ly hôn khi Công mới 2 tuổi. Hơn 20 năm qua, 2 mẹ con Công dựa vào nhau sống qua ngày. Năm 2009, Công lên đường nhập ngũ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ra quân, Công lại về quê sống với mẹ.
Còn Mai là chị cả trong một gia đình có 4 chị em. Trong bản Mai là một trong số rất hiếm hoi thiếu nữ được học cao. Mai học đến lớp 11 tại Trường Nội trú ở TT Hương Khê, sau đó em về bản tiếp tục lao động và trở thành cô giáo "không lương" bày chữ cho các em nhỏ trong bản của mình.
Câu chuyện tình của họ bắt đầu từ năm 2011. Lúc bấy giờ tại bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng cùng Tổ công tác cắm bản Rào Tre phối hợp với chính quyền xã Hương Liên tổ chức đêm giao lưu tình quân dân tại bản. Đêm ấy, Công và Mai đã gặp nhau.
Ngay từ lần gặp đầu tiên, nhịp đập trái tim của 2 người đã như là một. Họ tìm hiểu, làm quen... và sau 1 năm thì trao lời yêu thương.
Khi tình yêu vừa chớm nở thì họ lại phải xa nhau. Công phải vào miền Nam làm ăn, còn Mai tiếp tục ở lại bản. Tưởng rằng thời gian, khoảng cách sẽ đẩy 2 trái tim ra xa nhưng chính lúc này tình yêu mãnh liệt, chân thành của họ càng được minh chứng.
Khi vượt qua được khoảng cách về địa lý thì cả 2 lại phải đối mặt với sự phản đối từ gia đình, họ hàng. Khi biết Công yêu cô gái người dân tộc Chứt, mẹ Công và anh em họ hàng đã phản đối kịch liệt.
Nhưng bằng tình yêu chân thành, Công đã tìm mọi cách thuyết phục, giải thích cho mọi người hiểu và cuối cùng tình yêu của hai bạn đã được chấp nhận.
Vào ngày 7/4/2015, Đồn Biên phòng bản Rào Tre, Tổ công tác cắm bản Rào Tre phối hợp với các ngành chức năng huyện Hương Khê đã tổ chức đám cưới cho Công và Mai. Đây là đám cưới hết sức đặc biệt, lần đầu tiên cô dâu là một cô gái dân tộc Chứt, còn chàng rể là một chàng trai khác làng người Kinh.
Cuộc sống ban đầu của đôi vợ trẻ còn gặp nhiều khó khăn. Song nhờ sự cần cù, siêng năng của cả 2 vợ chồng nên cuộc sống cũng đã dần ổn định. Và niềm vui của đôi vợ chồng như được nhân đôi khi vào đầu năm 2016, đứa con trai đầu lòng ra đời, được đặt tên là Hồ Lê Trung Hiếu (theo phong tục ở đây ai cũng mang họ Bác Hồ).
Để giúp đôi vợ chồng trẻ, Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện xây dựng nhà ở và hỗ trợ một số tiền để hai vợ chồng lấy vốn làm ăn. Với ý chí vượt lên, phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất khô cằn nên cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ cũng đã ổn định, có của ăn của để. Trong ngôi nhà nhỏ của Công và Mai luôn tràn ngập tiếng cười, hạnh phúc.
“Nhà nước đã hỗ trợ và tạo điều kiện rất nhiều để vợ chồng em làm ăn, phát triển kinh tế. Giờ trong nhà cũng đã có của ăn của để. Hai vợ chồng sẽ nuôi con và cho con ăn học thành người cũng như sẽ cố gắng giúp dân bản ở đây học được con chữ, biết cách làm ăn để thoát nghèo”, Công tâm sự.
Mẹ của Công là bà Lê Thị Thành cũng đã gác mọi công việc ở quê để lên cùng phụ giúp với các con. Bà chỉ cho người con dâu từng ly từng tý từ cách trồng rau, chăm gà…
“Ban đầu ngăn cấm vì hai đứa là hai dân tộc khác nhau nên sẽ gặp khó khăn. Nhưng giờ đây nhìn con hạnh phúc như thế tôi cũng vui lắm”, bà Thành nói.
Một cán bộ Tổ công tác cắm bản Rào Tre cho biết: “Hiện nay mặc dù đã có nhiều cố gắng song nhiều tập tục của bà con dân tộc Chứt vẫn chưa thay đổi được nhiều. Bà con vẫn còn chậm trong vấn đề học cách sản xuất. Việc có những mối tình “vượt biên giới” như Công và Mai thật sự như cuộc cách mạng. Đây sẽ là một tiền đề để cứu lấy đồng bào dân tộc Chứt trước sự suy thoái về nói giống vì nạn hôn nhân cận huyết”.
"Thời gian qua, Đồn Biên phòng và chính quyền các cấp luôn hỗ trợ và tạo điều kiện cho bà con cũng như những đôi vợ chồng trẻ như Công và Mai. Cuộc sống của Công và Mai bây giờ cũng đã ổn định. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng", vị cán bộ này chia sẻ thêm.
Xuân Sinh