1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gặp “hậu duệ” của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu

(Dân trí) - Nhắc tới nghệ thuật hát xẩm, người ta thường nhắc tới vùng đất Yên Mô - Ninh Bình, quê hương của “di sản sống” Hà Thị Cầu. Nhưng ít ai biết ở vùng đất Yên Mô ấy có một cô bé được nghệ nhân Hà Thị Cầu coi là “truyền nhân” của mình.

Gặp cô bé mang cái tên khá mộc mạc Vũ Thị Thu Sợi ở nhà nghệ nhân Hà Thị Cầu khi em đang hát cho cụ nghe “xẩm thập ân” với ước nguyện của cụ “ nghe trọn thập ân”, chúng tôi chợt thấy xốn xang như không gian xuân trong thơ Nguyễn Bính: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo: - Thôn Đoài hát tối nay.

Đoạt cú đúp giải đặc biệt cuộc thi “Giọng hát chèo hay” của tỉnh Ninh Bình hai năm 2004, 2005, giải B Liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc năm 2007, mới đây nhất là giải B Liên hoan tiếng hát dân la toàn quốc 2011, cô bé Vũ Thị Thu Sợi (SN 1993) ngay sau đó đã trở thành người “ăn lương nhà nước” theo chính sách thu hút, đào tạo nhân tài của tỉnh Ninh Bình.  
 
Gặp “hậu duệ” của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu - 1
Ca nương Vũ Thị Thu Sợi được coi la "truyền nhân" của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu.

Là con út trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mẹ mất sớm để lại bảy anh chị em lít nhít, Thu Sợi biết tự lập từ sớm. Bố em là người mê kéo nhị từ nhỏ Những năm kháng chiến chống Mỹ, mỗi khi nghỉ tay súng, ông thường “ngẩn ngơ nhị kéo cò cưa”. Đất nước hòa bình ông về quê, nay đây mai đó theo trai làng đi đào vàng, nhưng nhận ra “giấc mộng vàng son” không dành cho mình, ông trở về làng cùng với cây đàn nhị, trở thành thành viên trong phường bát âm, ban chầu văn của xã, kéo nhị cho cụ Hà Thị Cầu

Nhận ra niềm đam mê âm nhạc truyền thống của cô con gái út, ông đã luôn động viên Thu Sợi theo nghề. Kể về bài học âm nhạc đầu tiên của mình, Thu Sợi cười mỉm thổ lộ đó là bài hát chèo “Sinh đẻ có kế hoạch” được bố “nhân tiện” dạy khi đang hướng dẫn Hội phụ nữ xã tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình.

Mẹ mất khi học lớp 6 cũng là thời gian Thu Sợi bắt đầu đến với hát xẩm, mỗi khi nhớ mẹ em thường hát: “Thập ân phụ mẫu” ca ngợi công đức cha mẹ, vì thế em luôn tin hát xẩm là theo ước nguyện của mẹ. Trong cuộc thi “Liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc 2010” em dành giải B với bài hát “ tủ” này, em tâm sự: “ Hát xẩm thập ân thì phải có cảm xúc thì mới vào, mới tốt được”. Ngày còn sống, những ngày nông nhàn trong gia đình bố đàn, mẹ hát, bảy anh chị em xúm xít xung quanh. Bây giờ em học xa nhà, anh chị đã lập gia đình và đi làm nên cuối tuần nào em cũng tranh thủ về nhà, bố lại đàn, em lại hát mà ngỡ nhà mình vẫn đông đủ.  

Gặp “hậu duệ” của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu - 2
Nghệ nhân Hà Thị Cầu đang truyền dạy những điệu hát khó cho "hậu duệ" Thu Sợi. (Ảnh: Báo Ninh Bình)

Cách nhà nghệ nhân Hà Thị Cầu khoảng hai cây số, hàng ngày Thu Sợi vẫn thường sang chơi nhà “cụ”- cách gọi thân thuộc như người trong một nhà của em với nghệ nhân. Em rất thích mỗi khi giúp cụ giã trầu, thoang thoảng hương thơm vỏ quế, hắc hắc của vôi, nghe cụ kể về cuộc đời buồn nhiều hơn vui, nghe cụ hát. Em kể lại: “Tháng ba nào cũng vậy, cụ lau đàn cho sạch bóng, dở dở bộ quần áo nâu cất trong rương để chuẫn bị đi hát nhưng năm nào trời đổ rét nàng Bân, cụ ốm yếu không đi được là cụ ngồi ngoài hiên, mắt nhìn chong chong ra đầu ngõ”.

Bắt đầu đến với nghệ thuật là từ chèo nhưng Thu Sợi yêu thích và đạt nhiều thành công nhất với xẩm. Cô bé thuộc thế hệ 9x nhỏ bé “hạt tiêu” nhưng đã vút bay bằng chính giọng hát của mình. Từ khi mười ba tuổi, cái tuổi “biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan”, em đã rời gia đình để tự lập cuộc sống trên thành phố xa lạ.

Tâm sự về những khó khăn ngày đầu đeo đuổi niềm đam mê hát xẩm, Thu Sợi kể lại: “Khi biết em theo xẩm, nhiều người bạn khuyên em nên muốn nổi tiếng nên Nam tiến để trở thành ca sỹ trẻ vừa thành danh, vừa giàu có. Một số người còn coi em là lập dị, còn bé mà đòi làm trò, coi con đường em đi là con đường “ mù”. Có lần em thấy dòng chữ sau cuốn vở của mình: Tối trời bắt xẩm trông sao/ Xẩm thề có thấy ông nào, xẩm đui khiến em rất buồn nhưng lại nghĩ mình phải cố gắng để chứng minh con đường mình chọn là đúng”.  
 
Gặp “hậu duệ” của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu - 3
Giờ Thu Sợi (phải) đã tự tin hơn với con đường nghệ thuật mình lựa chọn.

Dịp nào về thăm cụ Hà Thị Cầu, cụ cũng cầm lấy tay em, ân cần hỏi han về việc ăn ở, tập luyện, đi diễn. Nghe em kể những kỷ niệm đi diễn xa các vùng Bắc Ninh, Hà Nội, Nghệ An, mắt cụ sáng lên, miệng bỏm bẻm nhai trầu, nhìn cụ “tươi” lắm. Thu Sợi luôn ấp ủ những kế hoạch cho riêng mình để tìm lại ký ức nơi làng quê đã từng là cái nôi nghệ thuật, để khắp trên đất nước Việt Nam nơi nào cũng ngân nga tiếng hát xẩm.

Em mong muốn mở rộng những lớp học xẩm “ truyền miệng” trong làng để kịp thời phát hiện ra những năng khiếu. Em đang ấp ủ cùng những người bạn của mình chuẩn bị cho những show hát xẩm ở chợ Rồng - TP Ninh Bình vào mỗi dịp cuối tuần. Thu Sợi còn lên kế hoạch lập một trang web hát xẩm, ra abum hát xẩm để đưa hát xẩm tới gần người nghe chứ không phải xẩm chỉ đôi khi sống lại trên sân khấu… Bao nhiêu dự định nghệ thuật của Thu Sợi là bấy nhiêu sự can đảm thật đáng trân trọng của cô bé mười tám tuổimong sao giữ “lửa” cho môn nghệ thuật hát xẩm truyền thống đang có nguy cơ dần bị mai một.

 Anh Thế - Quyên Quyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm