1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nghệ An:

Gặp gỡ người 5 lần truy điệu sống trên tàu không số

(Dân trí) - Ra đi cảm tử, không hẹn ngày về, 5 chuyến đi trên con tàu không số vận chuyển vũ khí vào Nam là 5 lần ông đều được truy điệu sống.

Nhờ chữ duyên tình cờ, tôi được gặp gỡ với cựu chiến binh Bùi Bình Trọng - một trong số những chiến sỹ đã làm nên kì tích đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, nhân chứng sống tự hào kể cho tôi nghe những câu chuyện ngỡ chỉ có trong huyền thoại.

“Ra đi cảm tử, không hẹn ngày về”

Trong gian nhà nhỏ ở xóm Tân Thành, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, ngồi đối diện tôi là lão nông Bùi Bình Trọng. Đã ở cái tuổi ngoại ngũ tuần nhưng nom ông rắn rỏi, chất phác, giọng hào sảng không khác gì những ngư phủ “ăn sóng, nói gió” mà tôi đã được gặp. Hỏi ra mới hay, ông quê ở vùng biển Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu.

Vị biển mặn mòi đã ăn sâu vào máu thịt nên dù đi đâu làm gì, người ta vẫn dễ nhận ra gốc gác của ông. Bên chén chè xanh chát sánh, người đàn ông cương nghị ấy trầm ngâm nhớ lại một thời đoạn lịch sử đau thương mà oanh liệt của đất nước, gắn liền với tuổi trẻ lý tưởng của bản thân mình. Câu chuyện được bắt đầu năm chàng thanh niên Bùi Bình Trọng tròn 18 tuổi, khi vừa học xong lớp 7 trường làng, cũng vừa nên duyên vợ chồng với cô gái hàng xóm, trước tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh đăng kí nhập ngũ.

Năm 1963, ở miền Nam, Ngô Đình Diệm đang điên cuồng đàn áp phong trào cách mạng, âm mưu chia cách vĩnh viễn đất nước với sự cố vấn của quan thầy Mỹ. Tháng 7 năm đó, ông nhận được giấy báo nhập ngũ trước sự ngỡ ngàng của gia đình. “Tôi thuộc diện ưu tiên không phải đi bộ đội vì là con một. Nhưng tôi vẫn “bí mật” gia đình đăng kí nhập ngũ ở trường mà không đăng kí qua xã. Hôm có giấy báo trúng tuyển, tôi mới thông báo cho cả nhà. Là con trai độc và cháu đích tôn của cả họ nên lúc đầu mọi người có nhiều ý kiến không đồng tình”, ông Trọng nhớ lại.
Khuôn mặt CCB Bùi Bình Trọng đăm chiêu khi nhắc về đồng đội đã hy sinh.
Khuôn mặt CCB Bùi Bình Trọng đăm chiêu khi nhắc về đồng đội đã hy sinh.

Thế nhưng, trước lòng kiên định và khát khao cống hiến sức trẻ khi Tổ quốc cần, dần dà, gia đình cũng hiểu và chia sẻ với quyết định của ông. Nén chặt trong lòng bao nỗi nhung nhớ luyến lưu, để lại người vợ trẻ mới cưới khi vợ chồng chưa ấm hơi nhau cùng mẹ già ở quê, ông vào huấn luyện ở căn cứ Hải quân ngay Cửa Hội.

Với khả năng bơi lội, thông thạo luồng rạch biển cả như trên đất liền, tháng 10/1964, chàng trai miền biển Quỳnh Lưu nhanh chóng được chọn vào Lữ đoàn 125 (tiền thân là Đoàn vận tải thủy 759 được Bộ Quốc phòng quyết định thành lập ngày 23 tháng 10 năm 1961) đóng quân ở Hải Phòng. Từ đây, ông cùng những người đồng đội dũng cảm bắt đầu tham gia hàng loạt chuyến vượt biển chi viện vũ khí cho miền Nam trên những con tàu không số ở vị trí pháo thủ, viết nên huyền thoại diệu kỳ về đường mòn Hồ Chí Minh trên biển Đông khiến kẻ thù vừa ám ảnh khiếp đảm, vừa khâm phục.

“Tôi là một trong những chiến sỹ người miền Bắc đầu tiên gia nhập vào Đoàn tàu không số. Trước đó, Đoàn chỉ có các chiến sỹ là con em miền Nam tập kết ra Bắc sau hiệp định Giơ - ne - vơ”, ông Trọng cho biết.

Cuốn lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân ghi lại rằng: “Cuối năm 1963, “quốc sách ấp chiến lược” của Mỹ - Ngụy phá sản, kéo theo những thất bại nặng nề trên chiến trường, báo hiệu sự thất bại không thể tránh khỏi của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Sau những thất bại đó, Mỹ - Ngụy cho rằng, mối nguy cơ đe dọa chúng chính là sự chi viện từ miền Bắc Việt Nam. Vì vậy, bước vào năm 1964, chúng chủ trương tiến hành một chiến dịch bóp nghẹt, kiểm soát chặt chẽ biên giới đất liền và tăng cường tàu tuần tiễu mặt nước, các bến bãi, chống thâm nhập bằng đường biển”.

5 lần truy điệu sống

Trong tình hình ấy, Bộ Tư lệnh Hải quân giao cho Đoàn 125 nhiệm vụ tiếp tục chi viện cho miền Nam, nhằm góp phần đánh bại âm mưu mới của địch. Đây cũng là thời gian, ông Trọng bắt đầu tham gia những chuyến vượt biển chi viện cho miền Nam. Chuyến biển đầu tiên trên con tàu không số của ông bắt đầu vào năm 1964, chở vũ khí vào Nam Bộ cập bến Cà Mau. “Tất cả các tàu đều được ngụy trang thành tàu cá. Máy bay của Hạm đội 7 Mỹ quần thảo liên tục để thăm dò. Trên biển ở Nam vĩ tuyến 17, tàu quân sự của Mỹ - Ngụy liên tục đeo bám, khiêu khích chờ tàu ta bị lộ”, ông Trọng nhớ lại.

“Lúc đó, chúng tôi vẫn bình tĩnh, giữ sinh hoạt bình thường như đi đánh cá nhưng trong tâm thế lúc nào cũng chuẩn bị chiến đấu. Nếu hỏa lực của địch quá mạnh khó kháng cự lại, chỉ cần có lệnh của chỉ huy, máy trưởng sẽ chập kíp điện cho nổ tàu, cán bộ chiến sỹ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bí mật cho tuyến đường chi viện trên biển”, ông Trọng vừa nói vừa chỉ vào bức ảnh đen trắng chiếc tàu không số do Hải quân Mỹ chụp lại mà ông được tặng trong dịp kỷ niệm 50 thành lập đơn vị. Chính vì nhiệm vụ nguy hiểm, các chiến sỹ đoàn tàu không số đều xác định “ra đi cảm tử, không hẹn ngày về”.
CCB Bùi Bình Trọng kể lại quãng thời gian làm nhiệm vụ trên tàu không số.
CCB Bùi Bình Trọng kể lại quãng thời gian làm nhiệm vụ trên tàu không số.

Cho nên trước mỗi chuyến ra khơi của đoàn tàu không số, đều có một nghi lễ thiêng liêng, oai hùng - “Lễ truy điệu sống”. “Toàn bộ quân trang, quân phục ở miền Bắc, đồ dùng cá nhân đóng vào rương. Quân nhu cấp cho thủy thủ quần áo đen, khăn rằn miền Nam. Sau 3 tiếng còi, tàu chào cảng ra đi vào ban đêm, cán bộ chiến sỹ đứng sắp hàng trên boong tầu lặng lẽ chào miền Bắc. Ai cũng dự cảm, đây có thể là lần cuối cùng nhìn thấy đất Mẹ nhưng không hề nao núng, sợ hãi”, ông Trọng kể. Liên tiếp trong 2 năm 1964, 1965, ông Trọng có 5 lần lặng lẽ chào bến cảng ra đi làm nhiệm vụ trong tâm thế sẵn sàng hy sinh như vậy. Trong 5 chuyến đi, tàu của ông cập bến Cà Mau thành công 3 chuyến, 2 chuyến còn lại do “bến động” tàu phải ngược trở ra miền Bắc.

Bước sang năm 1965, ông được cử đi học trường sỹ quan hải quân cho đến tháng 12/1966 thì quay về đơn vị với chức danh thuyền phó thực tập. Trong suốt thời gian từ 1968 đến 1972, tàu của ông liên tục đi theo hải trình Hải Phòng - Nhật Lệ (Quảng Bình) để vận chuyển vũ khí, thiết bị hậu cần chi viện cho tuyến lửa Quảng Bình và miền Nam. Tháng 12/1974, sau hơn 10 năm trong quân ngũ, ông Trọng phục viên về quê do sức khỏe yếu. Năm 1978, CCB Bùi Bình Trọng đưa cả gia đình lên huyện miền núi Quỳ Hợp sinh cơ lập nghiệp cho tới bây giờ. Vợ chồng là nghĩa tao khang, cưới nhau được vài tháng, ông lên đường nhập ngũ và đằng đẵng 6 năm trời mới về thăm vợ lần đầu. “Ngần ấy năm, bà ấy ở nhà đợi chờ, chăm lo gia đình nội ngoại cho tôi yên tâm làm nhiệm vụ”.

Sau mấy chục năm lập nghiệp trên miền quê mới, gia đình của người cựu binh già có cuộc sống đầm ấm, yên bình. Con cái lớn khôn, ra ở riêng và có việc làm ổn định. “Cuộc sống chưa phải giàu sang gì nhưng nhìn con cháu hòa thuận, chí thú làm ăn là phấn khởi lắm rồi”, ông Trọng nở nụ cười viên mãn trong áng chiều chạng vạng. Trên những con tàu không số năm xưa, đồng đội của ông, có người đã hy sinh vì nhiệm vụ, có người đã lên chức tướng, cũng có người chọn trở về đời thường lặng lẽ mưu sinh. Mỗi người một số phận. Lịch sử Việt Nam là những trang sử hào hùng được viết nên bởi những con người bình dị đó. Thế mới thấm thía chân lý được nhà thơ Xô- viết Evtushenko đúc kết: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”.

Với những hy sinh cao cả thời niên thiếu, Cựu chiến binh Bùi Bình Trọng được tặng Huân chương chiến sỹ vẻ hạng 3, Huân chương kháng chiến hạng 3, Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng nhất.

Nguyễn Duy