1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gần chục năm xa cách vì chiến tranh, 5 cha con bất ngờ gặp nhau tại Hà Nội

(Dân trí) - Năm 1955, ngày đón Đảng, Chính phủ về tiếp quản Thủ đô, cụ Hồ Kỷ được Chính phủ mời ra Hà Nội dự lễ duyệt binh lớn nhất của Quân đội ta hồi đó. Điều đặc biệt bất ngờ là chính tại đây, cụ được gặp lại bốn người con trai từ các chiến trường sau 8, 9 năm xa cách…

Gần chục năm xa cách vì chiến tranh, 5 cha con bất ngờ gặp nhau tại Hà Nội
Tháng 4/1958, toàn thể gia đình cụ được lên hoạ báo Quốc gia và được xuất bản 5 thứ tiếng (Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô, Pháp và Anh).

Một gia đình có 9 người con (6 trai, 3 gái, trong đó có 4 con dâu và 2 con rể) thì cả 9 người đều là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam; 6 người con trai đều tham gia hoạt động cách mạng, trong đó có 5 người con gia nhập Quân đội, kinh qua nhiều chiến trường.

Đó là câu chuyện về gia đình cựu chiến binh Hồ Văn Luyện ở xóm Trường Cửu, xã Hùng Tiến, Nam Đàn, Nghệ An. Ông năm nay đã 89 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Ông kể với chúng tôi về gia đình cách mạng của mình: Bố ông là cụ Hồ Kỷ, sinh năm 1891 tại xã Nam Lạc (nay là xã Hùng Tiến) - cái nôi của phong trào xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, là một trong những thanh niên Nam Đàn sớm giác ngộ cách mạng, cụ gia nhập Đảng cộng sản Đông Dương tháng 6 năm 1930.

Trong kháng chiến chống Pháp nhà ở của cụ là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng và in ấn truyền đơn, tuyên truyền nhân dân chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Cụ bị giặc Pháp bắt giam, đánh đập tra tấn dã man, nhà cửa bị đốt phá hoàn toàn, của cải bị cướp bóc. Sau 2 năm giam cầm, chúng không khai thác được gì nên buộc phải trả tự do cho cụ.

Sau khi ra tù, do bị tra tấn, cụ bị bại liệt cả hai tay, phải nhờ gia đình của người anh vợ nuôi dưỡng một thời gian, sức khoẻ mới dần bình phục, cụ lại tiếp tục hoạt động cách mạng.

Năm 1939 với mục đích vận động các gia đình địa chủ, lý trưởng trong địa phương tham giúp đỡ cách mạng, cụ mở hội cày thuê tại xã Thanh Lâm (Thanh Chương) để che mắt địch.

Gần chục năm xa cách vì chiến tranh, 5 cha con bất ngờ gặp nhau tại Hà Nội

Ngày tổng khởi nghĩa cụ tham gia cướp chính quyền xã và huyện. Từ năm 1945-1960, cụ tham gia hoạt động ở địa phương, là huyện Ủy viên Huyện uỷ Nam Đàn, công tác tại uỷ ban hành chính kháng chiến liên khu 3, 4. Sau đó trở về địa phương hoạt động tại Huyện uỷ Nam Đàn và được bầu làm Chủ tịch Liên Việt, Việt Minh (nay là Mặt trận tổ quốc).

Những ngày đầu tổng khởi nghĩa mang trong lòng ngọn lửa yêu nước, căm thù quân xâm lược các con tham gia cướp chính quyền rồi lần lượt tham gia hoạt động cách mạng. Trong đó người con cả của cụ là Hồ Trí được cha giác ngộ cách mạng sớm, đã tham gia rải truyền đơn, canh gác bảo đảm an toàn cho các cơ sở cánh mạng ở địa phương hoạt động.

Cánh mạng tháng 8 bùng nổ, ông Hồ Trí là Phó ban khởi nghĩa cướp chính quyền tại địa phương, sau đó được bầu làm Chủ tịch xã Hồng Thịnh, huyện Nam Đàn; rồi được điều lên huyện đảm nhiệm cương vị cán bộ thông tin. Năm 1960 ông được điều về Ty giao thông Nghệ an, sau đó được đảm nhiệm các cương vị Bí thư Đảng ủy, Phó Ty Giao thông Nghệ An.

Con trai thứ 2 của cụ là ông Hồ Văn Tự là cán bộ Ty Công an Nghệ An. Các con trai khác là ông Hồ Văn Luyện, Hồ Văn Mão, Hồ Văn Mậu và Hồ Đại Đồng đều trở thành cán bộ trung, cao cấp của quân đội. Trong đó có Đại tá Hồ Văn Mão (con trai thứ 4 của cụ) - nguyên là Chủ nhiệm Hậu cần mặt trận B5, Quảng Trị, sau đó Chủ nhiệm Hậu cần tỉnh đội Nghệ Tĩnh, đến lúc nghỉ hưu lại tiếp tục đảm nhiệm Chủ tịch Cựu chiến binh huyện Nam Đàn; ông Hồ Văn Mậu nguyên là Thượng tá Phòng Cơ yếu Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN.

5 cha con cụ Hồ Kỷ gặp nhau tại Hà Nội.
5 cha con cụ Hồ Kỷ gặp nhau tại Hà Nội.

Năm 1955, nhân ngày đón Đảng và Chính phủ về tiếp quản Thủ đô, cụ Hồ Kỷ là người duy nhất ở Nam Đàn được Chính phủ mời ra Hà Nội dự lễ duyệt binh lớn nhất của Quân đội ta hồi đó. Cũng rất vinh dự cho cụ Hồ Kỷ lúc đó được gặp Bác Hồ và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, được chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu gia đình cách mạng như đại biểu gia đình liệt sĩ Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Cù Chính Lan…

Điều đặc biệt bất ngờ của cụ là được gặp lại bốn người con trai từ các chiến trường sau 8, 9 năm xa cách về đây dự lễ. Gặp nhau vừa mừng vừa tủi, cụ động viên các con tiếp tục cầm chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc, phút giây ngắn ngủi càng tăng thêm sức mạnh và ý chí chiến đấu của các con.

Với những đóng góp to lớn, gia đình cụ được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba. Tháng 4/1958 toàn thể gia đình cụ được đăng lên hoạ báo Quốc gia và được xuất bản 5 thứ tiếng (Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô, Pháp và Anh).

Ông Nguyễn Hưng Đạo - Bí thư chi bộ xóm Trường Cửu (xã Hùng Tiến) - cho biết: "Gia đình cụ Hồ Kỷ thực sự là 1 gia đình cách mạng mẫu mực được cả huyện Nam Đàn biết đến từ cụ cho đến thế hệ con đời cháu sau này; nhân dân chúng tôi hết sức khâm phục và tôn trọng đóng góp to lớn của gia đình cụ Hồ Kỷ. Đến nay các con cụ dù tuổi đã cao, các ông không còn cầm súng chống giặc nhưng các ông tiếp tục trên mặt trận mới chống các tệ nạn xã hội; là tấm gương sáng cho cả dòng họ và con cháu noi theo, sống gần gủi với bà con lối xóm, luôn gương mẫu đi đầu và vận động con cháu chấp hành tốt mọi chủ trương chính sách của địa phương".

Vợ chồng ông Hồ Văn Luyện - người con thứ 3 của cụ Hồ Kỷ.
Vợ chồng ông Hồ Văn Luyện - người con thứ 3 của cụ Hồ Kỷ.

Tiếp nối truyền thống gia đình, các cháu của cụ tiếp tục lên đường bảo vệ Tổ quốc, trong đó có cháu là liệt sĩ; cháu đích tôn của cụ là Hồ Việt Hùng cũng là người con trai duy nhất của người con trai cả thi đỗ đại học, tạm gác sách đèn tình nguyện vào chiến trường và tham gia chiến dịch “81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị” được kết nạp Đảng trong chiến trường, được phong tặng danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ” và được cử đi học trường sĩ quan Lục quân I, rồi được giữ lại làm giáo viên tại trường.

Khi đất nước thống nhất, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh chuyển ngành về quê nhà đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm chiến đấu và tinh thần yêu nước cho nhiều thế hệ học sinh. Nay anh là Hiệu trưởng Trường trường PTTH Nam Đàn 1.

Cựu chiến binh Hồ Văn Luyện con trai thứ ba của cụ Hồ Kỷ chia sẻ: “Rất tự hào được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Xô Viết anh hùng, trong một gia đình cách mạng, với lòng yêu nước nồng nàn, anh chị em chúng tôi lần lượt tham gia hoạt động cách mạng, người ra chiến trường, người tuyên tuyền và vận động nhân dân vùng lên cướp chính quyền, người lãnh đạo quần chúng đấu tranh, rải truyền đơn.

Chín anh em trong gia đình nay chỉ còn lại 3 người lính năm xưa, chúng tôi luôn phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, giữ vững và phát huy truyền thống quê hương, truyền thống gia đình, là tấm gương sáng cho thế hệ con cháu noi theo, dạy bảo con cháu tin tưởng tuyệt đối và trung thành vô hạn với Đảng với Nhà nước, mãi đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ đã chọn”.

Ngọc Hoà - Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm