1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TT-Huế:

Gần 450 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường tránh “đi đâu ...tránh đó”

(Dân trí) - Theo tin từ Công ty CP Quản lý và sửa chữa đường bộ tỉnh TT-Huế, Tổng cục đường bộ Việt Nam đã có quyết định phê duyệt dự án và tiếp tục đầu tư các hạng mục, tăng cường nền mặt đường tại đường tránh Huế - tuyến đường “đi đâu tránh đó”.

Theo đó, mục tiêu của dự án là xử lý tăng cường nền mặt đường để kịp thời sửa chữa các đoạn mặt đường đã hư hỏng, tăng cường nền tương ứng với lưu lượng xe, đảm bảo bền vững công trình, đảm bảo an toàn giao thông, tăng tuổi thọ và hiệu quả đầu tư công trình tuyến đường tránh Huế.

Tổng nguồn vốn cho dự án khoảng hơn 437 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 335 tỷ đồng, được lấy từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Dự định, dự án sẽ khởi công vào quý 2 năm 2012.

Về chi tiết, đường tránh Huế sẽ có quy mô là đường cấp III đồng bằng với chiều rộng nền đường 12m, mặt đường 11m. Kết cấu mặt đường 2 lớp bê tông nhựa trên lớp móng tăng cường bằng cấp phối đá dăm.

Gần 450 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường tránh “đi đâu ...tránh đó”  - 1
Tuyến đường tránh Huế "đi đâu... tránh đó" sắp được nâng cấp hoàn chỉnh vào quý 2 năm nay

Riêng các vị trí hư hỏng cục bộ sẽ được khoanh vùng, xử lý. Phần nền mặt đường cũ bị hư hỏng sẽ được đào bỏ, sau đó thay bằng kết cấu nền, mặt đường mới. Hệ thống thoát nước cũng sẽ được sửa chữa, bổ sung gia cố các đoạn rãnh dọc bị hư hỏng. Những đoạn ngầm được thiết kế rãnh thấm dọc để thoát nước.

Như Dân trí đã phản ánh ở bài “Tuyến đường tránh đi đâu... tránh đó” vào cuối năm 2010 thì đường tránh Huế do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2001, hoàn thành vào tháng 1/2003 với tổng kinh phí 385 tỷ đồng. Ban quản lý dự án Biển Đông giám sát chất lượng kỹ thuật cùng hơn 10 đơn vị khác đảm nhiệm khâu thiết kế, kiểm định chất lượng và thi công. Đây là tuyến đường huyết mạch đi qua Huế nối phía Nam và Tây tổ quốc với 37km chiều dài kéo dài qua 10 xã thuộc huyện Hương Trà và thị xã Hương Thủy (TT-Huế).

Qua thời gian, dù chỉ mới hết hạn bảo hành, nhiều phần đường đã xuống cấp nặng. Sau nhiều đợt sửa chữa từ năm 2008 đến 2010 nhưng đường vẫn xấu. Lưu lượng xe đi lại ngày càng nhiều, mưa to kéo dài khiến con đường này trở thành nỗi “kinh hoàng” của nhiều tài xế. Rất nhiều xe do không muốn chạy trên con đường này vì mất thời gian quá dài đã “phá luật” bằng cách điều khiển xe chạy trực tiếp vào TP Huế gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Một số vụ tai nạn lớn nhỏ đã xảy ra xuất phát từ việc này.

Đại Dương