1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gần 300 bài thi "Sáng kiến An toàn giao thông 2023" sau 4 tháng phát động

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông do Báo Dân trí phối hợp Cục Cảnh sát Giao thông tổ chức, thu hút gần 300 tác phẩm. Số lượng bài thi tăng mạnh qua từng tuần, cho thấy vấn đề giao thông rất được quan tâm.

Mục tiêu của cuộc thi là tìm kiếm những ý tưởng mới, sản phẩm sáng tạo, ứng dụng công nghệ giải quyết các vấn đề bất cập của giao thông đường bộ trong nước.

Gần 300 bài thi Sáng kiến An toàn giao thông 2023 sau 4 tháng phát động - 1
Lễ phát động cuộc thi "Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023" được tổ chức tại Hà Nội (Ảnh: BTC).

Ngay khi vừa phát động, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ độc giả cả nước, cũng như cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài.

Tính đến ngày 2/8, chương trình nhận gần 300 bài dự thi, sau 4 tháng phát động.

Ban tổ chức đánh giá, số lượng hàng trăm bài dự thi gửi về cho thấy, vấn đề trật tự an toàn giao thông đường bộ rất được xã hội quan tâm.

Trong gần 300 bài thi, phần lớn tập trung vào chủ đề chống ùn tắc giao thông, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. 

Nhiều tác giả thể hiện sự bức xúc với chính những vấn đề mà họ thường xuyên gặp phải khi tham gia giao thông hàng ngày. Trong đó, có nhiều ý tưởng mới lạ nhưng không kém phần độc đáo, nhiều sáng kiến chứa hàm lượng công nghệ cao, khả thi trong việc ứng dụng vào thực tế.

Cuộc thi không chỉ thu hút các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ ban ngành Nhà nước mà còn gây chú ý nhiều doanh nghiệp, sinh viên ngành công nghệ.

Có nhiều sáng kiến gửi theo tập thể nhà trường. Giáo viên và các bạn học sinh tiểu học, THCS, dù còn rất trẻ đã tham gia đóng góp sáng kiến. Điều này thể hiện cho tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của thế hệ trẻ, cùng chung tay xây dựng giao thông nước nhà văn minh hơn.

Sau gần 4 tháng phát động với quy mô trên toàn quốc, cuộc thi đang bước vào giai đoạn nước rút. Theo ban tổ chức, số lượng bài dự thi theo tuần gần nhất đang có xu hướng tăng 30-40 bài/tuần.

Độc giả có thể tiếp tục gửi sáng kiến của mình trước ngày 25/8 tại tòa soạn Báo Dân trí, số 2 Giảng Võ, Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội; hoặc gửi qua email: sangkienatgt@dantri.com.vn

Cuộc thi dành cho các cá nhân, tập thể đang sinh sống ở Việt Nam hoặc nước ngoài; người nước ngoài sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Các cá nhân tập thể có thể gửi nhiều sáng kiến, ở nhiều hạng mục cùng lúc. Sáng kiến, giải pháp ở dạng ý tưởng hoặc đã có sản phẩm thực tế, giải quyết các chủ đề của cuộc thi và phải bám sát 2 hạng mục chính:

Hạng mục "Sáng kiến An toàn giao thông": các sáng kiến, giải pháp hoàn thiện thể chế và thiết lập kỷ cương pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT); tác động đến hành vi, ý thức của người tham gia giao thông.

Hạng mục "Sáng kiến công nghệ về An toàn giao thông": các sáng kiến, giải pháp công nghệ (phần mềm, ứng dụng trên máy tính và thiết bị điện tử; thiết bị kỹ thuật; robot; thuật toán; mô hình công nghệ; trí tuệ nhân tạo...) ứng dụng trong công tác bảo đảm TTATGT.

Tham gia chương trình, độc giả có cơ hội sở hữu giải thưởng với tổng giá trị lên đến 312 triệu đồng.

Mỗi hạng mục có một giải nhất trị giá 60 triệu đồng; 2 giải nhì mỗi giải 30 triệu đồng, 2 giải ba mỗi giải 10 triệu đồng, 2 giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng và 3 giải top 10 mỗi giải 2 triệu đồng.

Gần 300 bài thi Sáng kiến An toàn giao thông 2023 sau 4 tháng phát động - 2
Một trong những tác phẩm đoạt giải tại cuộc thi "Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022" (Ảnh: BTC).

Các đơn vị, cá nhân đạt giải được trao giấy chứng nhận đạt giải của ban tổ chức chương trình và giấy khen của Cục Cảnh sát giao thông.

Top 20 ý tưởng, giải pháp sáng tạo nhất sẽ được đội ngũ cố vấn chuyên môn cao cấp là các chuyên gia đến từ Cục Cảnh sát giao thông, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam; Trường Đại học Giao thông vận tải; Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải và một số chuyên gia chuyên ngành hướng dẫn triển khai mô hình thử nghiệm, đồng thời có cơ hội đưa vào ứng dụng thực tế tại các địa phương trên cả nước, nhất là hai đô thị trọng điểm: Hà Nội và TPHCM.