F0 tăng nhanh, Quảng Bình áp dụng Chỉ thị 16 tại nhiều địa phương
(Dân trí) - Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Quảng Bình đã áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn TP Đồng Hới và huyện Bố Trạch cùng một số khu vực thuộc huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy và Tuyên Hóa.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Bình, ngày 26/8, địa phương này ghi nhận thêm 118 ca mắc Covid-19 mới, chủ yếu trong cộng đồng. Tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Quảng Bình, như vậy, tăng lên 256 ca.
Việc điều tra truy vết cho thấy các ca mắc Covid-19 mới đều liên quan đến hoạt động kinh doanh tại cảng cá Nhật Lệ.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 26/8, tỉnh Quảng Bình quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng với toàn TP Đồng Hới và huyện Bố Trạch cùng một số khu vực thuộc huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy và Tuyên Hóa; đồng thời thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19, ứng trực 24/24h nhằm kịp thời tiếp nhận, triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch theo thẩm quyền.
Trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, trên các trục đường chính, các xã, phường tại TP Đồng Hới, lực lượng chức năng đã thiết lập 185 chốt kiểm soát phòng, chống dịch, kiểm tra giấy tờ và tuyệt đối không để người dân không có nhiệm vụ đi ra đường.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Bình yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố chủ động cấp giấy đi đường tham gia giao thông qua các chốt trong thời gian giãn cách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi làm việc phù hợp theo yêu cầu công việc.
Để ứng phó với diễn biến rất nhanh của Covid-19, tỉnh Quảng Bình đã triển khai kịch bản phòng, chống ở cấp độ cao hơn với tinh thần "phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly nhanh, dập dịch tích cực, hiệu quả, nhanh chóng ổn định tình hình".
Hiện tỉnh Quảng Bình đang tập trung truy vết, lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng các khu vực xuất hiện F0, tranh thủ những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 để thực hiện truy vết, xét nghiệm thần tốc bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên và RT-PCR, nhằm nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, cắt đứt nguồn lây nhiễm.
Theo lãnh đạo tỉnh, trường hợp cần thiết có thể áp dụng các biện pháp mạnh hơn.
Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cũng huy động nhân lực của ngành, trong đó có các y bác sĩ ngoài công lập, cán bộ y tế nghỉ hưu trên địa bàn để tham gia công tác chống dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19; tiếp tục chuẩn bị, bổ sung thiết bị, cơ sở vật chất cho các bệnh viện dã chiến, xây dựng phương án phân tầng điều trị phù hợp.
Tỉnh cũng đã kích hoạt thêm cơ sở điều trị Covid-19 cấp 1 tại Trường Cao đẳng Luật miền Trung để điều trị các F0.
Đối với công tác điều trị, hiện tỉnh Quảng Bình đang triển khai bệnh viện điều trị Covid-19 phân làm 3 tầng (tầng 1: F0 không triệu chứng; tầng 2: F0 triệu chứng nhẹ và tầng 3 là F0 diễn biến nặng); bổ sung các loại thuốc, các biện pháp điều trị cho F0 nặng. Ngoài ra, tỉnh này sẽ huy động đội ngũ cán bộ y tế không phân biệt công, tư để tham gia phòng, chống dịch.
Song song với công tác phòng, chống dịch, lực lượng chức năng cũng đồng thời triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới và các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho bà con.
Đắk Lắk: Người dân TP Buôn Ma Thuột không đi chợ trong 5 ngày
Ngày 26/8, UBND TP Buôn Ma Thuột có công văn chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên địa bàn toàn thành phố kể từ 18h ngày 26/8 cho đến khi có thông báo mới.
Theo đó, thành phố sẽ triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, chỉ được ra ngoài trong trường hợp được cơ quan chức năng cho phép trong trường hợp thật cần thiết như mua lương thực thực phẩm, thuốc men, cấp cứu.
Tạm dừng tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ, kể cả lĩnh vực ăn uống, chợ tự phát, buôn bán vỉa hè, kinh doanh hộ gia đình, tạp hóa; chỉ duy trì hoạt động của chợ, siêu thị, các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu.
Trong 5 ngày, từ 27/8-31/8, người dân toàn thành phố không được đến chợ, siêu thị, cửa hàng mua lương thực, thực phẩm. Việc cung ứng, đi chợ giúp người dân để mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu do chính quyền cơ sở phối hợp với các ngành của thành phố thông qua các đoàn thể chính trị xã hội được triển khai đến từng thôn, buôn, tổ dân phố, liên gia, chi hội, chi đoàn và đến từng gia đình.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động tại các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội; phóng viên ; nhân viên các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa thiết yếu; tình nguyện viên, nhân viên cứu trợ, tình nguyện viên… đều phải mang theo các giấy tờ cần thiết khi lưu thông trên đường.
Hoạt động vận tải hành khách như: xe buýt, xe hợp đồng, xe taxi, xe ôm, vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh đều tạm thời dừng hoạt động.
Trước việc liên tục ghi nhận các ca nhiễm trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây, TP Buôn Ma Thuột sẽ tiến hành tận dụng "thời gian vàng" xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 cho gần 400 nghìn người dân toàn địa bàn, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Thành phố huy động tối đa lực lượng công an và dân quân của các xã, phường để lập chốt chặn tại các cửa ngõ ra vào, kiểm soát người và phương tiện ra vào thành phố, nhằm tạo điều kiện cho các ngành chức năng thực hiện việc xét nghiệm và truy vết diện rộng.
Tính đến tối 26/8, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận tổng cộng 894 ca mắc Covid-19; trong đó, đang điều trị 637 ca, 252 bệnh nhân điều trị khỏi bệnh và 5 trường hợp tử vong.
Thúy Diễm