Dứt khoát không hợp thức hóa sai phạm của chung cư mini
(Dân trí) - Chia sẻ với thực tế nhiều người thu nhập thấp biết chung cư mini mất an toàn vẫn phải lựa chọn, đại biểu Quốc hội cho rằng phải đảm bảo chỗ ở cho người dân nhưng không được hợp thức hóa sai phạm.
Những tranh luận về việc quản lý chung cư mini trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 1/11 bắt nguồn từ quan điểm đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng đưa ra.
Từ vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội khiến 56 người chết, ông Thắng cho rằng cần bịt ngay kẽ hở quản lý loại hình này, nhưng không phải siết chặt quá mức cần thiết.
Theo ông, chung cư mini là cứu cánh chỗ ở cho người thu nhập thấp, sinh viên hiện nay; nếu siết quá chặt sẽ đẩy người lao động, sinh viên nghèo ra đường; trong khi họ không có điều kiện để ở tại những căn hộ đáp ứng yêu cầu cao.
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng nhà ở, nhà trọ với người lao động, người thu nhập thấp là cần thiết, nhưng không vì thế mà buông lỏng công tác quản lý.
"Việc cấp phép sai, không đúng quy định cần phải xử lý nghiêm minh", bà Lịch nói và dẫn lại vụ việc chung cư của ông Nghiêm Quang Minh (bị can trong vụ cháy chung cư tại Khương Hạ, Hà Nội) được cấp phép 6 tầng nhưng xây 9 tầng.
Thậm chí, người đàn ông này có tới 8 khu chung cư tương tự được xây trong 10 năm để cho thuê.
Theo nữ đại biểu, buông lỏng quản lý và biết nhưng không xử lý, đó là kẽ hở cần phải xử lý nghiêm khắc.
Nêu kết quả giám sát 65 cơ sở cho thuê chung cư cho thấy hầu hết không bảo đảm, bà Lịch băn khoăn khi báo cáo của cơ quan có thẩm quyền lại cho biết không có quy định về PCCC đối với nhà riêng lẻ.
"Luật còn chỗ trống, kẽ hở và cần siết chặt quản lý, làm rõ trách nhiệm của ngành chức năng", bà Lịch đề nghị sửa luật trong thời gian tới.
Dành toàn bộ thời gian phát biểu để góp ý vào nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho biết quy chuẩn, tiêu chuẩn của chung cư mini không rõ ràng, gây lúng túng trong quản lý và tạo áp lực cho hạ tầng đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
"Với quy định hiện hành, một cá nhân, một gia đình có thể đứng ra xây dựng chung cư mini để bán mà không bị khống chế số lượng căn hộ, chiều cao, thủ tục rất đơn giản, chỉ cần xin cấp giấy phép xây dựng riêng lẻ với nhà ở xây dựng", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chỉ ra thực tế.
Nữ đại biểu dẫn chứng bằng số liệu riêng TPHCM có hơn 42.200 nhà cho thuê kiểu chung cư mini và hầu hết xây trên diện tích đất nhỏ, trong ngõ hẹp, tiềm ẩn nguy cơ cao về an toàn cháy nổ, khi xảy ra cháy rất khó chữa cháy.
Theo đại biểu, sự ra đời của chung cư mini tại trung tâm TP đáp ứng nhu cầu người dân với mức giá 700-800 triệu/căn.
"Với khả năng tài chính eo hẹp, người lao động không dám mơ có căn hộ đảm bảo chất lượng, thì chung cư mini là sự lựa chọn phù hợp, đáp ứng nhu cầu có chỗ ở", theo bà Thủy, nhiều người thậm chí biết nơi đây mất an toàn nhưng cũng không có lựa chọn.
Đưa ra phép so sánh, bà Thủy cho rằng sau vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương khiến nhiều người chết đã quyết liệt yêu cầu cơ sở không bảo đảm phải dừng hoạt động, nhưng với chung cư mini không thể xử lý như vậy được. Bởi đây là nơi ăn chốn ở của hàng trăm nghìn người.
Nhấn mạnh "nhu cầu nhà ở của người dân phải được bảo đảm", song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp khẳng định "dứt khoát không hợp thức hóa sai phạm".
Bà kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai giải pháp ưu đãi, khơi thông nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá bình dân, bởi đây là gốc rễ của vấn đề.
Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng đang thanh tra, kiểm tra chung cư mini bên cạnh đó cũng phải hướng dẫn kịp thời cho người dân để có giải pháp phòng ngừa cháy nổ.
Bà cũng kiến nghị trong Nghị quyết kỳ họp Quốc hội lần này có nội dung yêu cầu về bảo đảm an toàn cháy nổ nói chung trong đó có an toàn cháy nổ đối với chung cư mini.