1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đường sắt tốc độ cao: 90% lệ thuộc vào nước ngoài

(Dân trí) - Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật nói: “Nếu làm đường bộ cao tốc, chúng ta tự chủ được tư vấn thiết kế, xây dựng… Trong khi nếu làm đường sắt tốc độ cao, đến 90% chúng ta lệ thuộc vào nước ngoài do chưa đủ trình độ, năng lực, từ khâu công nghệ, vật tư, nguyên nhiên vật liệu đến vận hành”.

Tại cuộc tọa đàm “Xây dựng cao tốc Bắc-Nam nhánh Đông từ chủ trương, chính sách đến hiện thực” do báo Giao thông tổ chức sáng nay (1/11), chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đưa ra tương quan so sánh giữa đường bộ cao tốc và đường sắt tốc độ cao để đánh giá về hiệu quả khai thác của từng loại hình vận tải.

Cụ thể, ông Thiên tính toán, với cự ly 300km nếu không làm đường bộ cao tốc từ Hà Nội vào Vinh, thay vào đó là làm đường sắt tốc độ cao thì sẽ gây hiệu ứng rất tốt.

“Người dân không cần phải đi máy bay vào miền Trung mà vẫn có thể sáng ở Hà Nội, vào Vinh ăn trưa, uống cà phê, tối về. Như vậy, cần tính như thế nào để đầu tư hiệu quả trong bối cảnh bài toán cân đối về vốn hiện đang rất căng thẳng” - ông Thiên nhấn mạnh.


Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Trả lời vấn đề vì sao không làm đường sắt tốc độ cao như Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên đặt ra, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho hay: Khoảng cách phù hợp để làm đường sắt ít nhất phải dài 300 - 400km. Hiện Chính phủ đang giao Bộ GTVT nghiên cứu tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh, TPHCM - Nha Trang.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho rằng thời điểm hiện nay, triển khai làm đường bộ cao tốc là khả thi hơn vì nhiều lí do.

“Nếu làm đường bộ cao tốc, chúng ta tự chủ được tư vấn thiết kế, xây dựng… Trong khi nếu làm đường sắt tốc độ cao, đến 90% chúng ta lệ thuộc vào nước ngoài do chưa đủ trình độ, năng lực, từ khâu công nghệ, vật tư, nguyên nhiên vật liệu đến vận hành. Chi phí làm đường sắt cao tốc rất cao, khoảng 15 tỷ USD so với làm đường cao tốc 2,5 tỷ USD” - Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, thực hiện đúng quy hoạch, Bộ GTVT đang đặt mục tiêu cố gắng đến năm 2019 - 2020 sẽ trình Chính phủ dự án đường sắt tốc độ cao, đoạn Hà Nội - Vinh, TPHCM - Nha Trang, bởi sau năm 2030 thì đường bộ cao tốc cũng sẽ đạt tới ngưỡng quá tải.

Để dành quỹ đất và tránh lãng phí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật thông tin, cùng với việc nghiên cứu làm cao tốc Bắc - Nam thì hiện nay Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (Tedi) cũng đang phối hợp nghiên cứu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.

“Thực chất tuyến đường sắt tốc độ cao đã được vẽ nhiều đoạn song song nhưng có phân định, ranh giới rất cụ thể, không cần phải lo lắng về vấn đề này” - Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật

Giải thích thêm về dự báo đường bộ cao tốc sẽ quá tải vào năm 2030, tức là chỉ 10 năm sau khi đưa vào khai thác, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP), Bộ GTVT - cho biết: Đường bộ cao tốc Bộ GTVT lựa chọn 4 làn xe dựa trên nghiên cứu của JICA trên cơ sở nghiên cứu, phân tích tất cả các loại hình vận tải, từ đó phân bổ cho từng loại hình vận tải để tránh lãng phí.

Theo ông Huy, trong chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam được Chính phủ phê duyệt, đến 2030 sẽ đưa tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh vào khai thác.

“Trong khoảng cách dưới 300km, đi đường sắt chắc chắn sẽ thuận tiện hơn đường bộ rất nhiều. Do đó, lúc đó nhu cầu đường bộ sẽ giảm xuống. Đây là lý do chúng tôi quyết định chỉ làm 4 làn xe chứ không làm 6 làn xe” – ông Huy nói.

Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư cũng dẫn chứng thực tế ở các nước trên thế giới, đường liên tỉnh, liên bang cũng chỉ 4 - 6 làn xe, chỉ có đường kết nối giữa các đô thị lớn trong bán kính khoảng 100-200 km thì mới có đường 10 làn xe. Nếu nhu cầu lên 10 - 12 làn xe, sẽ phải chuyển sang phương thức vận tải khác phù hợp hơn.

Châu Như Quỳnh