1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kon Tum:

Đường nghìn tỷ xuyên rừng: Đường đi tới đâu, rừng mất tới đó!

(Dân trí) - Lo ngại đường đi tới đâu, rừng mất tới đó của các cán bộ bảo vệ rừng tỉnh Kon Tum đã và đang trở thành hiện thực khi tuyến đường giao thông nông thôn Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh đang dần hoàn thành.

Dự án tuyến đường giao thông nông thôn loại A Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh có chiều dài gần 59km, với tổng vốn đầu tư 1.364 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ năm 2009, nối liền 3 huyện Tu Mơ Rông- Đăk Glei và Kon Plông (Kon Tum) do Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư.

Theo văn bản của Sở GTVT tỉnh Kon Tum trả lời báo chí, mục đích của việc mở tuyến đường này là phục vụ cho công tác sản xuất và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn 3 huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei.

Sau nhiều năm thi công, đến nay tuyến đường này đã chạm tới cửa rừng của rừng phòng hộ Tu Mơ Rông (đoạn qua xã Ngọc Yêu). Và đường đi của tuyến đường này sẽ đâm thẳng vào rừng phòng hộ Tu Mơ Rông để qua xã Mường Hoong- Ngọc Linh (Đăk Glei).

Được biết, tuyến đường trên đi qua những khu vực ít có dân cư, mà chủ yếu là xuyên qua rừng. Tại Km30 (đoạn vào cửa rừng phòng hộ Tu Mơ Rông), khi tuyến đường này thi công đến thì đã có rất nhiều cây rừng đã ngã xuống để nhường chỗ cho đường đi, những cây thân gỗ to đều đã được người dân “xẻ thịt” để lấy gỗ.

Theo một cán bộ bảo vệ rừng, khu đồi này vài năm trước là cánh rừng xanh mát nhưng giờ đã hóa đồi trọc.
Theo một cán bộ bảo vệ rừng, khu đồi này vài năm trước là cánh rừng xanh mát nhưng giờ đã hóa đồi trọc.

Đến khoảng vào tháng 3/2016, tuyến đường này đang thi công thì bị Ban quản lý Rừng phòng hộ Tu Mơ Rông đình chỉ, vì đơn vị thi công đã xâm phạm trái phép vào lãnh thổ của Ban này.

Theo đó, ngày 31/3/2016, UBND tỉnh Kon Tum mới có Quyết định 308/QĐ-UBND về việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất cho Sở GTVT tỉnh Kon Tum để xây dựng công trình đường giao thông đoạn Km23+166-Km27+227,15 thuộc tiểu dự án 2, đường Ngọc Hoàng…- Ngọc Linh. Quyết định này cũng cho biết, sẽ chuyển đổi 6,767ha rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông quản lý để thi công tuyến đường trên.

Mặc dù đoạn đường này chưa có quyết định bàn giao của UBND tỉnh, nhưng đơn vị thi công tự ý phá rừng, san ủi đất
Mặc dù đoạn đường này chưa có quyết định bàn giao của UBND tỉnh, nhưng đơn vị thi công tự ý phá rừng, san ủi đất

Tuy nhiên, khi Quyết định trên chưa được ban hành, thì đơn vị thi công đã tự ý phá rừng, san ủi đất để làm đường.

Một cán bộ bảo vệ rừng bày tỏ lo ngại với PV về việc đường đi tới đâu rừng bị phá tới đó, khi đường được mở vào rừng thì việc phá rừng, vận chuyển gỗ cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Đi cùng chúng tôi qua khu vực xã Văn Xuôi (Tu Mơ Rông) để vào xã Ngọc Yêu- một đoạn đường của tuyến đường trên đã đi qua, một cán bộ bảo vệ rừng khác vừa chỉ tay vừa nói, chỉ cách đây vài năm, những khu đồi trọc trên đều là những cánh rừng xanh mướt. Nhưng mới chỉ vài năm, những cánh rừng bạt ngàn đã “biến mất” giờ chỉ còn là những đồi trọc- “không ngờ quá trình rừng xanh hóa đồi trọc lại nhanh đến vậy”, vị cán bộ này nói trong xót xa.

Những cây gỗ to nằm ngay cạnh con đường đang thi công đã bị đốn hạ
Những cây gỗ to nằm ngay cạnh con đường đang thi công đã bị đốn hạ

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Kim Phương- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết, mục đích của việc mở tuyến đường trên để phục vụ dân sinh là chưa thực tế. Bởi khu vực mở đường dân cư sống rất thưa thớt, nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân trên tuyến đường trên cực kì ít.

Rừng hết cây to, cây nhỏ sẽ bị đốt cháy để làm rẫy như thế này
Rừng hết cây to, cây nhỏ sẽ bị đốt cháy để làm rẫy như thế này

Ông Phương thừa nhận, lo ngại của các cán bộ bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh về việc con đường này đi đến đâu rừng mất tới đó là điều đã trở thành thực tế. Và khi đường này chuẩn bị đâm xuyên vào lòng rừng phòng hộ Tu Mơ Rông, thì rừng cũng đã bắt đầu mất. Và đến khi con đường hoàn thành thì việc giữ gìn càng trở nên khó khăn, khi việc khai thác, vận chuyển gỗ lậu sẽ dễ dàng hơn rất nhiều: “Nếu trước đây người dân phải đi vào sâu để chặt gỗ, việc vận chuyển rất khó, có khi là không thể được. Thì bây giờ đường mở ra, họ sẽ chặt gỗ dễ hơn, vì gỗ nằm gần đường và vận chuyển cũng rất dễ”.

Xác cây nằm ngổn ngang khi con đường này đi qua
Xác cây nằm ngổn ngang khi con đường này đi qua

Được biết, rừng phòng hộ Tu Mơ Rông trước đây có diện tích 9.000ha rừng tự nhiên, sau đó chuyển 1.000ha giao cho UBND xã Ngọc Yêu quản lý. Đây là khu rừng tự nhiên còn sót lại ít ỏi trên địa bàn Tây Nguyên. Nhưng trong tương lai gần, sẽ không ai biết được số phận của khu rừng trên “sống chết” như thế nào khi con đường trên hoàn thành? Và điều khiến dư luận quan tâm là việc bỏ cả nghìn tỷ đồng để làm 1 con đường chủ yếu đi xuyên rừng đã mang lại lợi ích gì chưa? Nó có đáng để cho chúng ta đánh đổi “sinh mạng” của rừng hay không, khi thời tiết của Tây Nguyên đang ngày càng khốc liệt, khô hạn ngày càng tàn khốc?

Trước những thắc mắc trên, nhóm PV chúng tôi đã liên hệ với Sở GTVT tỉnh Kon Tum- đơn vị được UBND tỉnh này giao làm chủ đầu tư; sau khoảng nửa tháng đặt lịch làm việc, đại diện Sở này mới làm việc với báo chí bằng văn bản. Văn bản trả lời rằng: Sở GTVT được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư công trình đường Ngọc Hoàng- Măng Bút, vì vậy Sở làm đúng chức năng, nhiệm vụ của chủ đầu tư theo quy định. Vấn đề quản lý và bảo vệ rừng đã có cơ quan chuyên môn khác thực hiện!

Bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng lực lượng kiểm lâm như Sở GTVT Kon Tum nói
Bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng lực lượng kiểm lâm như Sở GTVT Kon Tum nói

Sở này cũng khẳng định, các đơn vị thi công công trình chỉ thi công trong phạm vi đã được bàn giao mặt bằng. Còn việc có nên đánh đổi quá nhiều rừng phòng hộ, trong khi Tây Nguyên đang xảy ra hạn hán nghiêm trọng? Sở này lý giải là để “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Và việc đầu tư xây dựng tuyến đường khi hoàn thành sẽ rút ngắn rất nhiều quãng đường nối các trung tâm xã với nhau, không còn phải đi đường vòng rất xa.

Và lợi ích của tuyến đường trên là tạo điều kiện giao thông đi lại thuận tiện, giao lưu văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.

Có nên hy sinh những cánh rừng tự nhiên ít ỏi còn sót lại để làm con đường giao thông nông thôn nghìn tỷ?
Có nên hy sinh những cánh rừng tự nhiên ít ỏi còn sót lại để làm con đường giao thông nông thôn nghìn tỷ?

Khi nhóm PV chúng tôi đề nghị được làm việc trực tiếp với Sở này thì bị từ chối với lý do... bận!

Thiên Thư