1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đường dây nóng nhận hơn 1.500 phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường

Thế Kha

(Dân trí) - Năm 2020, đường dây nóng Tổng cục Môi trường đã tiếp nhận và yêu cầu địa phương xử lý theo thẩm quyền hơn 1.500 thông tin, phản ánh về ô nhiễm môi trường, trong đó hơn 1.000 thông tin đã được xử lý.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 vừa diễn ra, ông Hoàng Văn Thức - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết cơ quan này đã thực hiện tốt công tác tham mưu, tổng hợp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sự chỉ đạo điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tổng cục Môi trường đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4 đối với 41 thủ tục hành chính; thực hiện việc quản lý điều hành, ký số hoàn toàn trên môi trường mạng và kết nối với các địa phương.

Đồng thời thực hiện việc công bố thông tin chất lượng môi trường, trong đó có thông tin về chất lượng môi trường không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông, trang thông tin điện tử. Xây dựng ứng dụng Envisoft trên thiết bị di động để công bố thông tin trực tuyến về chất lượng môi trường không khí trên phạm vi toàn quốc.

Đường dây nóng nhận hơn 1.500 phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường - 1

Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Ảnh: VEA).

Nhận hơn 1.500 phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường

Tổng cục Môi trường đã chủ động thực hiện các hoạt động giám sát về môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đảm bảo các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường thông qua việc tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động các Tổ giám sát môi trường.

Đặc biệt, trong tháng 12/2020, Tổng cục Môi trường đã chủ trì, tổ chức Hội đồng giám sát liên ngành và phiên họp đánh giá kết quả khắc phục các vi phạm và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh sau 3 năm triển khai.

Phối hợp tốt với các địa phương xử lý hàng chục thông tin phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó có nhiều vụ việc được Tổng cục Môi trường tổ chức kiểm tra, xác minh nhanh để kịp thời xử lý. Trong năm 2020, đường dây nóng (0869000660) đã tiếp nhận và yêu cầu địa phương xử lý theo thẩm quyền hơn 1.500 thông tin, phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường, trong đó hơn 1.000 thông tin vụ việc đã được xử lý.

Ông Thức khẳng định, Tổng cục Môi trường đã kiểm soát chặt chẽ môi trường các khu vực tập trung nhiều nguồn thải như khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, lưu vực sông và làng nghề. Tính đến nay đã có 250/280 khu công nghiệp đang hoạt động có khu xử lý nước thải tập trung (đạt 89,6%), trong đó có 219 khu công nghiệp đã thực hiện đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục (chiếm 87,6%).

Trong năm 2021, Tổng cục Môi trường sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và hài hòa với quốc tế; kiện toàn tổ chức bộ máy của các đơn vị trực thuộc; thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đúng quy định.

Bên cạnh việc đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, cơ quan này cũng sẽ tăng cường năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường.

Đường dây nóng nhận hơn 1.500 phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường - 2

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân.

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đánh giá kết quả đã đạt được trong năm 2020 của Tổng cục Môi trường rất đáng khích lệ, có nhiều thay đổi căn bản so với năm 2019. Trong đó đã kịp thời phát hiện và phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường trên phạm vi toàn quốc; tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ để xử lý nhiều vụ việc môi trường nóng, bức xúc được dư luận và báo chí phản ánh. Công tác bảo vệ môi trường đã chuyển từ bị động khắc phục sang chủ động phòng ngừa, ứng phó...

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2021, ông Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổng cục Môi trường tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 ngay từ đầu năm.

Tập trung tổ chức triển khai xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành đảm bảo yêu cầu về chất lượng, đúng tiến độ. Tăng cường các hoạt động thanh tra đột xuất và xử lý nghiêm, có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm,

Ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường hứa sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt liên quan đến quy trình, trình tự cấp các loại giấy phép để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và phù hợp với quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Tổng cục Môi trường cũng sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn, nhất là các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước, không khí; tăng cường hơn nữa các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn…