“Đường bay vàng”: Không chỉ là nối 1 đường thẳng từ Hà Nội đến TPHCM
(Dân trí) - Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thiết lập đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM qua lãnh thổ Lào và Campuchia. Tuy nhiên, hãng hàng không được “chỉ định” bay kiểm tra là Vietnam Airlines còn nhiều băn khoăn về hiệu quả của đường bay này.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, thời gian trước đây, do các nguyên nhân chủ quan và khách quan nên việc nghiên cứu mở đường bay thẳng giữa Hà Nội - TPHCM dọc kinh tuyến 1060 Đông chưa có tính khả thi. Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được người đứng đầu Chính phủ cho phép chấm dứt việc nghiên cứu đề xuất đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM.
Đến nay, được sự ủng hộ của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân chủng Phòng không - Không quân, cùng với quá trình phát triển của khoa học công nghệ áp dụng trong ngành hàng không, đặc biệt là trong dẫn đường hàng không, việc thiết lập đường bay thẳng đã khả thi hơn.
Bộ GTVT chỉ ra yếu tố thuận lợi cho việc mở đường bay này liên quan đến kỹ thuật, trong đó công nghệ dẫn đường hiện nay đã cho phép thực hiện việc mở đường bay thẳng (chuyển sang dẫn đường theo tính năng, sử dụng vệ tinh toàn cầu) mà không phải đầu tư hàng loạt thiết bị dẫn đường trên mặt đất. Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cũng đang phối hợp với các cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay của Lào và Campuchia lập phương án xử lý giải quyết các điểm nút giao cắt với các đường hàng không khác, bảo đảm an toàn cho hoạt động bay.
Bộ GTVT quyết tâm với phương án thiết lập đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM
Ở góc độ pháp lý, việc mở đường bay thẳng qua không phận Lào và Campuchia nhận được sự thống nhất của các Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Công an. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và Hàng không dân dụng Lào, Campuchia và Văn phòng Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thực hiện việc mở đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn hoạt động bay, hiệu quả kinh tế.
Bộ GTVT nhận định, việc mở đường bay thẳng giảm thời gian bay, tiết kiệm chi phí cho các hãng hàng không, giảm khối lượng khí thải, đồng thời giảm mật độ bay dân dụng trên trục Bắc-Nam trong vùng trời Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động bay quân sự, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.
Bộ này cũng cho biết sẽ chỉ đạo Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) triển khai việc bay kiểm tra, thống nhất với Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc mở đường bay thẳng trong thời gian sớm nhất.
“Đường bay vàng” nhưng không được ưu tiên?
Tại Hội thảo “Hàng không - Chắp cánh tăng trưởng kinh tế và kết nối Việt Nam với thế giới” diễn ra hôm qua (27/8), trao đổi với PV Dân trí về việc Việt Nam xúc tiến thiết lập đường hàng không nội địa trên không phận Lào và Campuchia, ông Tony Tyler - Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) - nêu quan điểm, việc mở đường bay nội địa qua không phận quốc gia khác cũng có thể xảy ra.
“Một số quốc gia do vị trí địa lý nên muốn bay từ tỉnh này sang tỉnh khác vẫn phải bay qua không phận các nước. Về mặt kỹ thuật không phải là khó giải quyết, mà việc này cần dựa trên sự phù hợp với những quy định, hiệp định các quốc gia ký kết với nhau để mở không phận cho đi lại trên không” - ông Tony Tyler cho hay.
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - cho rằng: Bất kỳ đường bay, hành lang bay nào được mở cũng cần được chứng minh việc tiết kiệm thời gian và chi phí so với đường bay hiện tại, vì vậy cần có đánh giá hết sức chi tiết về mặt kinh tế, kỹ thuật và tất cả các mặt, không chỉ đối với hoạt động của hãng hàng không mà cả với hành khách.
“Cho đến giờ này Vietnam Airlines chưa có bất cứ con số cụ thể nào để so sánh giữa đường bay hiện tại và đường bay thẳng qua không phận Lào và Campuchia. Đường bay không chỉ đơn giản là nối 1 đường kẻ thẳng từ Hà Nội đến TPHCM, tất cả tính toán như vậy chỉ nằm trên lý thuyết. Đường bay phải tính toán lúc máy bay cất cánh theo hành lang bay như thế nào và đi qua các điểm cụ thể, đặc biệt là các điểm tiếp cận. Khi thiết kế một đường bay thì phải có một hành lang bay với mực bay cụ thể mới tính toán được con số cụ thể về chi phí, thời gian bay để so sánh hiệu quả” - ông Phạm Ngọc Minh khẳng định.
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cũng cho biết, nhà chức trách hàng không của Lào và Campuchia chưa coi đường bay thẳng mà Việt Nam đề nghị thiết lập là đường bay trục của họ. Nước bạn chưa có những tính toán để dành ưu tiên dành cho hoạt động khai thác bay của Việt Nam, vì thế đây cũng là vấn đề không thể không bàn tới.
“Với Việt Nam, đường bay Hà Nội - TPHCM là đường bay trục, là đường bay được ưu tiên nên máy bay đều khai thác ở mực bay trên 30.000 feet (khoảng trên dưới 10 km). Trong khi đó, nếu là đường bay không ưu tiên thì máy bay sẽ phải bay ở mực bay 2.900 feet trở xuống, ở mực bay này thì vận tốc bay chậm, nhiên liệu bay tốn hơn, các chuyến bay không thể bay nhanh để rút ngắn thời gian và bài toán hiệu quả kinh tế chưa chắc đạt được như kỳ vọng. Ngoài ra, chi phí quá cảnh qua Lào và Campuchia cũng là một vấn đề lớn. Tất cả đều phải tính toán chi tiết về kỹ thuật chứ không phải nhẩm tính là ra”- ông Phạm Ngọc Minh thông tin.
Liên quan đến hoạt động bay này, đại diện Hãng hàng không tư nhân VietJet Air cho rằng đây là việc của Nhà nước nên hãng chưa có nghiên cứu gì về đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM qua không phận Lào và Campuchia. "Khi đường bay được thiết lập, nếu Nhà nước yêu cầu khai thác bay thì chúng tôi sẽ phải khai thác thôi" - đại diện VietJet Air nói.
Châu Như Quỳnh