1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Đường bay vàng”: Phải trả bao nhiêu phí cho Lào, Campuchia?

(Dân trí) - Mục đích về hiệu quả kinh tế của đường bay thẳng là đôi bên cùng có lợi, Việt Nam tăng các chuyến bay điều hành, nước bạn tăng nguồn thu. Theo Vietnam Airlines, chi phí phải trả khi bay qua Lào và Campuchia được tính theo từng chuyến bay và loại máy bay khai thác.

Lập tổ công tác liên quốc gia

Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, hôm qua (25/8), Cục Hàng không Việt Nam đã họp với Quân chủng Phòng không không quân, Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) để bàn về những vấn đề liên quan tới đường bay với những giải pháp cấp bách nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động bay và nâng cao hiệu quả kinh tế đường bay. Tại đây, Tổ nghiên cứu thiết lập đường hàng không thẳng Hà Nội - TPHCM bay qua không phận Lào và Campuchia đã được thành lập.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho hay, trong tuần này sẽ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo kết quả làm việc và chủ trương xây dựng đường bay sau chuyến công tác của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tại Campuchia hôm 21-22/8 vừa qua.

Đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM qua không phận Lào và Campuchia (màu đỏ)

Đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM qua không phận Lào và Campuchia (màu đỏ)

Trên cơ sở Chính phủ Lào và Campuchia đã đồng ý về nguyên tắc để Việt Nam thiết lập đường bay qua không phận của 2 nước này, nhà chức trách hàng không Việt Nam sẽ có văn bản chính thức gửi sang Lào và Campuchia nhằm thành lập Tổ công tác liên quốc gia 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia và mời các cơ quan hữu quan của 2 nước bạn sang Việt Nam ngay trong đầu tháng 9 để thống nhất các yếu tố kỹ thuật liên quan đến việc thiết lập một đường hàng không mới.

“Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai một đường bay nội địa trên không phận quốc tế và phải bay hiệu chuẩn. Sau khi đường bay được phê chuẩn và 2 nước bạn Lào, Campuchia sẵn sàng về mặt kỹ thuật thì sẽ tổ chức bay thực tế để kiểm tra về hiệu quả chính thức của đường bay mới. Việc kiểm tra cũng có thể thực hiện được qua hệ thống SIM (buồng lái giả định) và các thiết bị phần mềm hiện đại trên máy bay” - ông Lại Xuân Thanh cho biết.

Tính khả thi và hiệu quả thực tế

Việc mở đường bay thẳng trên trục Hà Nội - TPHCM không phải bây giờ mới được bàn tới, đã có nhiều ý tưởng và đề xuất về đường bay thẳng được đưa ra từ lâu, thậm chí có cả sự khẳng định về một “đường bay vàng” trên trục. Tuy nhiên, sự thiết lập đường bay không phải muốn là làm được, mà phải đảm bảo các điều kiện kỹ thuật và thực tiễn rõ ràng.

Nếu như ở đường bay hiện tại các chuyến bay xuất phát từ Nội Bài đi Tân Sơn Nhất sẽ phải bay qua biển Đông, qua khu vực Tây Nguyên rồi mới tiếp cận vùng kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh để hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất. Nhưng với đường bay thẳng qua không phận Lào và Campuchia, về mặt kỹ thuật thì các chuyến bay cất cánh từ Nội Bài đi Tân Sơn Nhất và ngược lại sẽ có cơ hội rút ngắn thời gian bay, tiết kiệm nhiên liệu, còn hiệu quả kinh tế thì sẽ được làm rõ khi bay kiểm tra.

Trên thực tế, bay thẳng tốt hơn và hiệu quả hơn bay vòng. Bởi vậy, nhiều người đặt câu hỏi tại sao trước kia không lập đường bay thẳng mà đến hôm nay mới triển khai?

Theo ông Lại Xuân Thanh, muốn bay được trên đường bay thẳng thì phải có phương thức bay phù hợp, đường bay này áp dụng phương thức dẫn đường lựa chọn theo tính năng theo kế hoạch của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và đến bây giờ phương thức của ICAO do Nhật Bản tài trợ mới bắt đầu được triển khai tại Việt Nam, Lào và Campuchia.

Một lí do quan trọng khác là trước kia Bộ Quốc phòng không tán thành đường bay thẳng trên trục vì những ảnh hưởng có liên quan. Đến nay, trong một bối cảnh mới, Bộ Quốc phòng có chủ trương tổ chức lại vùng trời để ưu tiên cho hoạt động hàng không dân dụng nhằm mục đích phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với đường bay thẳng trên trục Bắc - Nam thiết lập qua không phận Lào và Campuchia, Bộ Quốc phòng yêu cầu phải được nghiên cứu chặt chẽ, đồng bộ, mục tiêu triển khai phải đảm bảo hiệu quả tổng hợp cả lợi ích quốc phòng - an ninh và lợi ích kinh tế của đường bay.

Việc thiết lập đường bay thẳng qua không phận Lào và Campuchia sẽ được triển khai nhanh chóng

Việc thiết lập đường bay thẳng qua không phận Lào và Campuchia sẽ được triển khai nhanh chóng

Đề cập đến khoảng thời gian có thể rút ngắn được khi khai thác đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM qua không phận Lào và Camphuchia, ông Lại Xuân Thanh chưa đưa ra khẳng định nào về việc này. Theo ông Thanh, phải xây dựng được đường bay và phương thức bay tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất thì mới tính toán được thời gian cụ thể cho đường bay mới.

Trong khi đó, mục đích về hiệu quả kinh tế đặt ra với đường bay thẳng này là đôi bên cùng có lợi, Việt Nam sẽ tăng các chuyến bay điều hành, nước bạn sẽ tăng nguồn thu tài chính. Theo hãng hàng không sẽ bay chủ lực trên đường bay thẳng là Vietnam Airlines, chi phí phải trả khi bay qua Lào và Campuchia được tính theo từng chuyến bay và loại máy bay khai thác.

 

Cụ thể, với máy bay Airbus 321 từ Nội Bài đến Tân Sơn Nhất và Phú Quốc sẽ phải trả 225 USD/chuyến khi bay qua Lào và 412 USD/chuyến khi bay qua Campuchia; với máy bay Boeing 777 và 330, một chuyến bay từ Nội Bài đến Tân Sơn Nhất và Phú Quốc sẽ phải trả 350 USD khi bay qua Lào và 486 USD khi bay qua Campuchia. Chi phí này cũng tăng thêm 10% trong các dịp lễ Tết, vì vậy tổng chi phí phải thanh toán khi máy bay Airbus 321 bay khứ hồi qua không phận Lào và Campuchia là 1.300 USD, còn với máy bay Boeing 777/330, con số này là 1.700 USD.

 

Để đảm bảo không bị lỗ khi khai thác bay thương mại trên đường bay mới, Vietnam Airlines vừa đề nghị Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải đàm phán để Lào và Campuchia giảm giá 50% cho mỗi chuyến bay. Đề nghị về chi phí này đã được 2 nước láng giềng tiếp nhận nhưng chưa chấp thuận vì phải chờ Chính phủ phê duyệt. 

Về mặt chủ trương, đường bay thẳng trên trục Hà Nội - TPHCM qua không phận Lào và Campuchia sẽ được triển khai nhanh chóng để đưa vào khai thác sớm nhất có thể. Nhưng khi nào sẽ khai thác được thì phải mất một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị và hoàn tất mọi công tác kỹ thuật có liên quan đến hoạt động bay của cả 3 nước. Thực tế là với một đường hàng không thông thường, khi đã xong mọi thủ tục thì cũng phải 56 ngày sau mới có thể khai thác. Còn một đường bay nội địa trên không phận quốc tế cũng phải có những nghiên cứu và tính toán rõ ràng để nâng cao lợi ích kinh tế nhưng cũng phải đảm bảo lợi ích về quốc phòng-an ninh.

Châu Như Quỳnh