1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ai là “cha đẻ” của “đường bay vàng” trục Hà Nội - TPHCM?

(Dân trí) - Việt Nam thiết lập “đường bay vàng” qua không phận Lào và Campuchia là sự kiện quan trọng trong lĩnh vực hàng không và là tâm điểm chú ý trong những ngày qua. Tuy nhiên, thời điểm này cũng xuất hiện những tranh cãi về “cha đẻ” của đường bay này?

Không ít người nghĩ rằng ý tưởng “đường bay vàng” là của ông Trần Đình Bá - người nhiều năm qua đã liên tục viết bài, viết đơn, đề xuất, yêu cầu để gửi đi nhiều nơi, nhiều cấp, đặc biệt là gửi nhiều lần tới Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Thủ tướng Chính phủ - đề xuất thiết lập “đường bay vàng”.
 
Tuy nhiên, cựu phi công Mai Trọng Tuấn - người từng trình báo cáo về “đường bay vàng” lên Thủ tướng vào năm 2009 - lại cho biết, ý tưởng về “đường bay vàng” - đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM - đã được in thành sách từ những năm 80 của thế kỷ trước (tháng 9/1983) trong cuốn dự án VUETA.
 
Trong dự án VUETA nêu rõ: Để thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia trên tinh thần đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ và tôn trọng chủ quyền của mõi nước thì nên mở đường bay chung cho cả 3 nước, kéo thẳng kinh tuyến 106o Đông, từ Hà Nội đến TPHCM, rút ngắn được quãng đường bay 110 km…
 
Có thể coi đây là đường hàng không mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập ra Đảng Cộng Sản Đông Dương. Nếu bay theo đường này, thì cứ 9 chuyến bay được lãi ra một chuyến.

Dự án VUETA đưa vào thực hiện được 13 năm, nhưng việc thiết lập đường bay chung cho cả 3 nước kéo thẳng kinh tuyến 106o Đông, từ Hà Nội - TPHCM, vẫn chưa được thực hiện.

Tháng 4/2009, đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM chính thức được phi công Mai Trọng Tuấn tái đề xuất và gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ và Cục Hàng không Việt Nam xem xét. Ông Tuấn nhìn nhận: “Có thể đây sẽ là một đường bay vàng”. Từ đó, báo chí trong nước và dư luận gọi nôm là “đường bay vàng”.

Dù rằng sau nhiều buổi làm việc, nhiều cuộc họp bàn, đường bay này chưa thể thực hiện được vì rất nhiều lý do mà Cục Hàng không Việt Nam đưa ra. Tuy nhiên chính Cục này cũng phải thừa nhận rằng đường bay theo kinh tuyến 106o Đông, nối Hà Nội - TPHCM rút ngắn được 142 km so với đường bay hiện tại.
 
Phi công Mai Trọng Tuấn khẳng định, hai con số rút ngắn quãng đường bay trên trục Hà Nội -TPHCM theo tính toán trước đó là 110 km và 142 km là tương đối chính xác (vì trong dự án VUETA, đường bay Hà Nội xuất phát từ sân bay Gia Lâm - PV).
 
Sau này có thông tin đường bay giúp rút ngắn 412 km và thời gian tiết kiệm tới 26 phút cho máy bay Boeing 777 là không đúng.

Đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM sử dụng không phận Lào và Campuchia đang được xúc tiến triển khai

Đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM sử dụng không phận Lào và Campuchia đang được xúc tiến triển khai

Phi công Mai Trọng Tuấn không nhận mình là “cha đẻ” của “đường bay vàng”, bởi ông biết rõ đường bay này đã được ấp ủ từ cách đây hơn 30 năm. Ông Trần Đình Bá là người có công trong việc “hối thúc” suốt nhiều năm để đến nay Bộ GTVT chính thức tiếp nhận và nghiên cứu thiết lập đường bay này.  

Cần phải nói thêm rằng, việc đạt được những thỏa thuận hợp tác với Lào và Campuchia, sự thống nhất về nguyên tắc để xúc tiến thiết lập đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM qua không phận của 2 nước này là một sự kiện quan trọng của ngành hàng không nói riêng và GTVT Việt Nam nói chung. Đây cũng là sự tiếp nối của dự án hàng không chiến lược đã được ghi nhận từ 30 năm trước, nhằm mục tiêu rút ngắn thời gian bay, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trên thực tế, để một đường bay nội địa trên không phận quốc tế có thể đưa vào khai thác và đạt được những hiệu quả kinh tế như mong đợi, cần phải có sự chia sẻ, giúp đỡ và hợp tác toàn diện, chặt chẽ cả về mặt kỹ thuật, chuyên môn, hoạt động quản lý, năng lực tài chính… của các cơ quan hữu quan và các hãng hàng không 3 nước có đường bay đi qua là Việt Nam - Lào - Campuchia.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm