"Dừng giãn cách xã hội, Hà Nội khó đảm bảo được thành quả chống dịch"
(Dân trí) - Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây. Nếu dừng việc giãn cách thì khó đảm bảo được thành quả chống dịch đã có được.
Nhận định được Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu ra tại buổi họp về Công tác phòng, chống dịch Covid-19 sau khi Hà Nội quyết định sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố đến 6h ngày 23/8.
Tiếp tục giãn cách là cần thiết để Hà Nội giữ thế chủ động
Phân tích về quyết định này, Phó Bí thư Nguyễn Văn Phong cho biết, từ 24/7 đến nay, sau gần 2 tuần thực hiện Chỉ thị 17 của UBND thành phố, Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Có kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của người dân, của các doanh nghiệp và các đơn vị từ Trung ương đến thành phố đã đồng tình, ủng hộ. Dư luận xã hội cũng như các chuyên gia đánh giá việc thành phố thực hiện giãn cách xã hội là đúng, trúng, kịp thời.
Tuy nhiên, ông Phong cho biết thêm, trong thời gian này cũng có những khó khăn, phức tạp, đặc biệt là diễn biến dịch bệnh có nguy cơ rất cao, bởi Hà Nội là trung tâm cả nước, đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia. Trên thực tế, Hà Nội không thể "đóng cứng", thực tế vẫn có giao thương, vận chuyển hàng hóa.
Trong khi đó, xung quanh Hà Nội, các tỉnh vẫn có dịch. Các ca bệnh nằm rải rác ở khắp 30 quận, huyện, trong đó nhiều quận huyện có số ca mắc lớn, như Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Trì, Đông Anh...
Đặc biệt, dịch bệnh đã xâm nhập vào những nơi rất phức tạp, như khu công nghiệp, chợ, siêu thị, bệnh viện, các khu dân cư đông người... còn nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây.
"Chính vì thế, nếu dừng việc giãn cách thì những thành quả, những kết quả đạt được trong thời gian giãn cách vừa qua khó mà đảm bảo được" - Phó Bí thư Nguyễn Văn Phong khẳng định.
Theo ông Phong, trong giai đoạn này, việc tiếp tục giãn cách là cần thiết để Hà Nội củng cố, nâng cao năng lực của ngành y tế, giữ thế chủ động một cách toàn diện, trên tất cả các mặt công tác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Với quan điểm luôn luôn chủ động, không lơ là, mất cảnh giác và chuẩn bị cao hơn một bước so với diễn biến tình hình dịch bệnh, thành phố đã có nhiều chủ trương, biện pháp để chuẩn bị, cụ thể: sử dụng bệnh viện thu dung F0 có triệu chứng nhẹ; chuẩn bị 30.000 chỗ để thu dung, điều trị F0 triệu chứng nhẹ; xây bệnh viện dã chiến quy mô 500 giường…
Xác định cuộc chiến phòng, chống dịch còn dài nên Hà Nội cũng có nhiều giải pháp phân công lại nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị nhằm giảm tải cho các lực lượng tuyến đầu để có thể đảm bảo hoạt động trong thời gian dài, nhất là y tế, lực lượng vũ trang, công an.
"Tinh thần là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17 của thành phố quyết liệt, thực chất hơn; tiếp tục giao quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình thực tiễn có thể thực hiện các giải pháp cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng" - ông Phong nhấn mạnh.
Hỗ trợ thêm nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng của đại dịch
Phát biểu tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định, cả hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc triển khai thực hiện mạnh mẽ Chỉ thị 17/CT-UBND và người dân đồng tình ủng hộ. Do đó, bước đầu thành phố đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác phòng, chống dịch.
Tuy nhiên tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn phức tạp, khó lường, số ca trong cộng đồng còn cao… Vì vậy, thành phố đã ban hành Công điện số 18/CĐ-UBND nhằm tiếp tục cách ly toàn xã hội thêm 15 ngày để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo ông Dũng, trong công điện này đã nêu rõ các nhóm vấn đề để tiếp tục thực hiện nghiêm phòng, chống dịch, trong đó, triển khai hoạt động thực chất, chặt chẽ hơn. Phải giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình, đồng thời, kiên quyết kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu ở nguyên đó". Ông đề nghị các cơ quan, tổ chức, nhân dân thực hiện nghiêm để bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các công việc xuyên suốt trong phòng, chống dịch, trong đó ngăn chặn, phát hiện, truy vết, cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch trong thời gian ngắn nhất; xây dựng các phương án chuẩn bị cho công tác điều trị; chủ động, duy trì bảo đảm cung ứng hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi sản xuất và có chỉ đạo cụ thể, cung cấp đầy đủ, không tăng giá hàng hóa…
Liên quan đến công tác an sinh xã hội, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, triển khai công tác trên theo Nghị Quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Thành phố cũng đã triển khai hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn không thuộc đối tượng của Nghị quyết 68/NQ-CP. Nhiều địa phương còn có cơ chế riêng đối với các đối tượng, hộ gia đình khó khăn…
Ngoài ra, Thành phố cũng chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát nhóm đối tượng bị tác động, gặp khó khăn không thuộc các nhóm trong Nghị quyết 68/NQ-CP để hỗ trợ kịp thời.
Về công tác tiêm vắc xin, đồng chí Chử Xuân Dũng cho biết, Thành phố đã chỉ đạo tiêm khẩn trương nhưng phải đảm bảo an toàn. Đặc biệt, các đơn vị sử dụng phần mềm tiêm chủng và hướng dẫn người dân khai báo y tế trước nhằm tránh mất thời gian đi lại cũng như đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Xét nghiệm diện rộng nhưng có trọng tâm
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương, tính từ 27/4 đến nay, toàn thành phố có 1.599 ca F0. Đặc biệt, từ 24/7, khi thực hiện giãn cách, Hà Nội ghi nhận hơn 900 ca và trong đó có hơn 500 ca ghi nhận trong cộng đồng. Hiện Hà Nội đang điều trị 882 ca, lũy tích 1.438 và đã khỏi bệnh 501 ca.
Thời gian qua, Sở Y tế đã phối hợp cùng các sở, ban, ngành đã thực hiện tất cả các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch; tận dụng thời gian giãn cách xã hội để thần tốc truy vết, bóc tách các ca F0 ngoài cộng đồng; cách ly triệt để các trường hợp liên quan, giãn cách nhanh nhất các ổ dịch, cố gắng không để lây lan rộng.
Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ việc người dân ra khỏi nhà. Tận dụng những ngày giãn cách xã hội, truy vết thần tốc các ca F0; trả kết quả xét nghiệm nhanh; rà soát tất cả những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở…
Đặc biệt, ngành y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng nhưng có trọng tâm tại các khu vực có nguy cơ cao; siết chặt công tác an toàn trong bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ mọi tuyến đường trên địa bàn…
Hiện thành phố đã tiếp nhận 1.635.500 liều vắc xin. Riêng chiều qua (5/8), đã tiếp nhận thêm 584.884 liều của Bộ Y tế. Hà Nội đã tiêm hơn 1 triệu liều vắc xin, chiếm hơn 10% dân số. Từ nay tới tuần sau, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người dân với 715 điểm tiêm cố định và lưu động…