1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Bình:

“Đủng đỉnh” chống dịch bệnh cấp

(Dân trí) - Gần đây, tại một số xã thuộc huyện Quảng Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình) liên tiếp xảy ra tình trạng trâu bò, lợn phát bệnh tụ huyết trùng cấp. Người chăn nuôi quay quắt lo nhưng cán bộ vẫn băn khoăn... “chờ chỉ đạo”.

Lợn chết, vứt ra đồng

Tại xã Hòa Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) thời gian này, nhiều đàn lợn của các hộ nông dân đồng loạt phát bệnh với triệu chứng nổi mụn đỏ khắp cơ thể, sau đó lở loét, bỏ ăn và lăn ra chết. Trước tình cảnh đó, nhiều hộ dân đã phải kêu lái lợn tới bán tống bán tháo với giá rẻ.

Ông Hoàng Văn Long ở thôn Hổ nuôi 10 con lợn thịt thì đã có 4 con chết, 6 con còn lại cũng phát bệnh bỏ ăn nằm la liệt. Bệnh phát quá nhanh nên gia đình ông Long chưa kịp xử lý gì ngoài việc mang lợn chết… ra đồng vứt.
 
“Đủng đỉnh” chống dịch bệnh cấp - 1
Lợn chết được người dân đem vứt ra đồng.

“May mắn” hơn, ông Dương Văn Điền ở cùng thôn khi phát hiện đàn lợn 11 con của mình phát bệnh đã kịp gọi lái lợn bán rẻ thu hồi vốn. Đó chỉ là hoàn cảnh điển hình trong mấy chục hộ gia đình chăn nuôi lợn ở xã Hòa Trạch, vốn đang quay quắt với bệnh dịch tụ huyết trùng bùng phát ở lợn một tuần nay.

Tuy nhiên, khi nói về vấn đề này, ông trưởng thôn lắc đầu nguầy nguậy: “không có chuyện lợn chết hàng loạt đâu”. Ông Nguyễn Hồng Thanh - Chủ tịch UBND xã Hòa Trạch - cũng không nắm được cụ thể trong xã có bao nhiêu con lợn chết, bao nhiêu con phát bệnh. Ông Thanh chỉ biết toàn xã có khoảng 2.500 con lợn với 90% hộ dân trong xã tham gia nuôi.

Bản thân người dân trong xã cũng có tâm lý muốn giấu bệnh vì sợ đàn lợn bị đem đi tiêu hủy như dịch tai xanh.

Có thuốc nhưng… không biết tiêm!

Theo báo cáo của UBND xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch), đến ngày 21/9 đã có khoảng 20 con trâu, bò bị nhiễm bệnh, trong đó 11 con đã chết với các triệu chứng thân nhiệt cao, miệng sưng, sùi bọt mép và bỏ ăn.

Tuy nhiên, con số này chưa phải con số thực tế. Chỉ đi quanh thôn Nam Lãnh đã nghe hàng chục người than có trâu bò chết phải đem chôn hoặc bán rẻ cho thương lái.
 
“Đủng đỉnh” chống dịch bệnh cấp - 2
Nhiều trâu bò ở xã Quảng Phú nhiễm dịch tụ huyết trùng cấp.

Dịch bệnh được phát hiện từ ngày 4/9 khi hai con bò của anh Lê Văn Trọng (ở thôn Nam Lãnh) lăn ra chết. Sau đó, nhiều hộ khác cũng chịu chung cảnh ngộ, có nhà có tới 3 con trâu chết đồng loạt.

Dịch bệnh bùng phát nhanh, nhưng 2 tuần sau ngày phát dịch, Trạm Thú y xã Quảng Phú vẫn chưa có báo cáo với ngành thú y cấp huyện để phối hợp xử lý.

Ngày 18/9, cơ số thuốc tiêm phòng dịch đã được chuyển về tới xã nhưng đến nay vẫn nằm trong… tủ lạnh vì theo ông Nguyễn Phi Khanh - Phó Chủ tịch UBND xã: “Cán bộ thú y tuyến xã chưa biết nên tiêm thế nào và tiêm vào thời điểm dịch đang phát triển có ảnh hưởng gì đến trâu bò hay không”.

Chiều 20/9, Trạm Thú y huyện Quảng Trạch mới cử người tới vùng dịch và khẳng định sẽ phun thuốc tiêu độc, khoanh vùng ổ dịch để tiêm phòng, dập dịch. Ông Nguyễn Văn Phương - Trạm trưởng cho rằng dịch tụ huyết tùng cấp không khó để khống chế.

Trước tình trạng ngành thú y cứ “chờ chỉ đạo” hoặc “đang phối hợp thực hiện” mà trâu bò vẫn cứ chết, hàng trăm hộ gia đình có trâu, bò trong xã đã chạy vạy tìm người tiêm thuốc để tự cứu lấy “đầu cơ nghiệp”.

Nhiều người dân cho biết, họ phải thuê một bác sỹ thú y trong xã tiêm thuốc trị bệnh cho trâu bò với giá cao. Có người vừa tiêm cho 2 con trâu hết hơn 400 nghìn đồng nhưng được vài ngày trâu lại lăn ra chết.

“Trâu bò của mình thì mình phải chạy chữa thôi, chờ xã tiêm chắc trâu chết cả rồi”, một người dân buồn rầu cho biết.

Thụy Khoa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm