1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đừng để đại biểu HĐND “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

(Dân trí) - Ngày 1/6, thảo luận tại hội trường về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các đại biểu cho rằng, để HĐND hoạt động hiệu quả, thực chất, phải khắc phục được tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” - không để quá nhiều cán bộ của Ủy ban kiêm nhiệm đại biểu của dân.

Ngay sau khi ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đọc xong báo cáo giải trình, tiếp thu, có tới 47 đại biểu đăng ký cho ý kiến Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, thực trạng HĐND hoạt động không hiệu quả là do đại biểu kiêm nhiệm quá nhiều dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa cho ý kiến về Luật tổ chức chính quyền địa phương
Đại biểu Huỳnh Nghĩa cho ý kiến về Luật tổ chức chính quyền địa phương (Ảnh Ngọc Châu)

Để khắc phục tình trạng trên, trong Luật đã tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách giúp HĐND hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, muốn HĐND thực quyền, không hình thức, đại biểu Nghĩa đề nghị cần quy định cụ thể tỉ lệ đại biểu chuyên trách ở tất cả các cấp, đồng thời hạn chế thấp nhất cán bộ làm việc ở Ủy ban nhân dân kiêm nhiệm đại biểu HĐND. Đại biểu cũng đề nghị quy định thẩm quyền quyết định của HĐND về kinh tế, quốc phòng.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết, qua nghiên cứu dự thảo và tiếp xúc cử tri tại địa phương, việc giữ nguyên mô hình hiện nay - cấp nào cũng có HĐND và UBND là phù hợp. Tuy nhiên, theo đại biểu cần có sự điều chỉnh nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bên trong của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm của nông thôn, hay đô thị.

“HĐND hoạt động hình thức không phải do đại biểu mà do HĐND chưa có cho công cụ sắc bén, đủ mạnh để hoạt động hiệu quả”, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhận định. Vì vậy, theo đại biểu trong luật cần xác định rõ các nghị quyết của HĐND được ban hành phải bắt buộc thực hiện và xác định rõ trách nhiệm của các cấp trong thực hiện các nghị quyết này.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nhận định, nguyên nhân khiến hoạt động của HĐND hình thức là do thiết chế tổ chức chưa phù hợp. Dự thảo quy định Trưởng ban của HĐND có thể hoạt động kiêm nhiệm là chưa thực sự đổi mới. Vì thực tế Trưởng ban kiêm nhiệm thường là Trưởng ban hoặc Phó trưởng ban cơ quan Đảng, không đủ thời gian tham gia hoạt động của Ban và hoạt động của HĐND. Theo đại biểu, Trưởng ban HĐND tỉnh, huyện phải là ủy viên thường trực HĐND và là đại biểu chuyên trách.

Đồng thuận với việc tổ chức HĐND ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), nhưng đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, HĐND phải khắc phục tình trạng hoạt động còn mang tính hình thức, chưa ngang tầm với vị trí là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, chưa thực sự phát huy được vai trò là cơ quan dân cử thay mặt nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước ở địa phương.

Để phát huy hiệu quả hoạt động của HĐND, đại biểu Trần Thị Hiền đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ hơn vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, quy định cụ thể lĩnh vực phụ trách, trách nhiệm của các ban HĐND.

Theo đại biểu, hiện nay đại biểu HĐND đa số là cán bộ công chức, viên chức làm việc trong cơ quan của Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị xã hội ở địa phương. Do vậy, phần lớn đại biểu hạn chế thời gian thực hiện nhiệm vụ của cơ quan dân cử. Đại biểu Hiền đề nghị quy định rõ hơn cơ chế hoạt động của HĐND.

Quang Phong