1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Ninh:

Đừng coi nhân quyền là vấn đề nhạy cảm

(Dân trí) - Đó là phát biểu của PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng viện nghiên cứu Quyền con người - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tại Hội nghị tập huấn về “Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người ở Việt Nam” do Ban chỉ đạo về Nhân quyền Chính Phủ, Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương và Ban chỉ đạo về Nhân quyền Quảng Ninh tổ chức diễn ra vào sáng 7/12.

Đừng coi nhân quyền là vấn đề nhạy cảm - Ảnh 1.

Toản cảnh hội nghị

Đại diện các Bộ, ban, ngành thành viên Ban chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ, lãnh đạo Ban Tuyên giáo 30 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, các đơn vị liên quan cùng nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cùng tham dự Hội nghị.

Với mục đích tăng cường hơn nữa chất lượng và nội dung công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người trên các phương tiện thông tin đại chúng và đấu tranh phản bác một cách thuyết phục các quan điểm sai trái, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch. Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã cung cấp những thông tin cơ bản về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam và cộng đồng quốc tế về quyền con người, về những thành tựu bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam trên các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.

Bên cạnh đó Ban tổ chức cũng cung cấp thông tin về công tác chỉ đạo, định hướng, tuyên truyền và đấu tranh phản bác trên lĩnh vực quyền con người; vấn đề quyền con người trong quan hệ quốc tế và trách nhiệm thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người của Việt Nam.

Đừng coi nhân quyền là vấn đề nhạy cảm - Ảnh 2.

PGS.TS Tường Duy Kiên cho rằng, nhân quyền không phải là vấn đề nhạy cảm...

Hội nghị tập huấn cũng là dịp tăng cường mối quan hệ phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin giữa các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương…Tạo diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác tuyên truyền về quyền con người.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh Văn phòng (Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền), thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người. Đời sống người dân ngày một nâng cao, tỷ lệ nghèo giảm mạnh...

Phát biểu tại hội nghị, bà Hoàng Thị Thanh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ các tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao cho rằng, công tác tuyên truyền về nhân quyền không nhất thiết phải cao siêu mà bài viết chỉ cần bám vào một khía cạnh nào đó trong xã hội, đi vào từng việc làm cụ thể như: Đảm bảo việc làm cho người khuyết tật, Trẻ em được quyền đi học…

Theo PGS. TS Tường Duy Kiên, không nên nghĩ nhân quyền là vấn đề nhạy cảm mà hãy coi như cơm ăn, nước uống… gắn bó với đời sống hàng ngày ngày của con người. Chưa kể, nhân quyền sẽ được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, các thế hệ học sinh sẽ được làm quen với nó.

Tại Hội nghị, một số diễn giả cũng nhận định, báo chí cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy quyền con người, tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch. Tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức thông tin chứ chưa đi sâu, đánh giá về nhân quyền.

Cũng theo một số diễn giả, việc cung cấp thông tin cho báo chí về lĩnh vực này còn hạn chế. Cụ thể, thông tin vấn đề về Việt Nam tham gia vào các diễn đàn quốc tế về nhân quyền cũng chưa cung cấp được nhiều tới báo chí. Trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người trong công tác giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân, báo chí còn thiếu thông tin hoặc có nhưng chưa cụ thể.

An Nhiên