1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội:

“Đục” nhà vườn cổ quý nhất Hà Nội để… xây bếp

(Dân trí) - Nhà vườn cổ duy nhất của Hà Nội đang bị xâm lấn bởi những công trình tạm bợ, chắp vá và... vô duyên. Cụ chủ gần 100 tuổi, người đã dành cả đời mình để gìn giữ ngôi nhà, giờ lại cạy cục lên quận xuống phường, đòi lại không gian cho di sản quý.

Quây buồng, xây bếp, dựng toi-let…

 

Cụ Phạm Thị Tề, 96 tuổi, chủ ngôi nhà vườn cổ duy nhất còn lại trong phố cổ Hà Nội cho biết: Năm 1945, gia đình cụ là chủ hiệu vàng Sư Tử đã mua ngôi nhà 115 Hàng Bạc (có cổng sau là số 6 Đinh Liệt) được xây vào khoảng đầu thế kỷ XX với giá 100 cây vàng. Trước ngôi nhà là khuôn viên có bể cá, tháp nước, trồng cau, trúc quân tử... khiến giữa cái ồn ào, tấp nập của phố phường, ngôi nhà càng trở nên quý giá.

 

Bà Phạm Ngọc Bích, con cụ Tề, cho biết: “Hàng chục năm qua, dù biết giá trị của mảnh đất vô cùng lớn song gia đình chúng tôi vẫn quyết tâm giữ gìn, không xây dựng, không chia cho con cháu để hôm nay Hà Nội còn có một nhà vườn kết hợp khá hài hòa kiến trúc Việt và kiến trúc châu Âu, được ghi nhận là một trong những địa chỉ tham quan của du khách quốc tế”.

 

Tuy nhiên, sau bao nỗ lực gìn giữ bảo tồn không gian kiến trúc, nhà vườn trên đang bị thu nhỏ, bị phá hỏng bởi một số hộ dân cùng sinh sống trong số nhà lấn chiếm, cơi nới trái phép.
 

“Đục” nhà vườn cổ quý nhất Hà Nội để… xây bếp - 1
Căn bếp "vô duyên" nằm giữa khu nhà vườn cổ kính.

 

Cụ thể, hộ gia đình ông Võ Quang Hùng được nhà nước phân căn buồng rộng 17m2 ở khu nhà chính. Trong quá trình sử dụng, ông Hùng đã chặt cây, làm mái tôn lấn thêm khoảng 20m2 để quây thành buồng. Sự việc trở nên “ầm ĩ” kể từ tháng 7/2008, khi ông Hùng đã cải tạo, kiên cố hoá gian buồng này, phá dỡ tầng gỗ chạm trổ hoa văn áp mái ngói để cài mái tôn, xây toi-let, bếp ở hành lang khu nhà chính; nâng cốt nền phần vườn lấn chiếm cao thêm 30 cm, xây bục bệ... phá vỡ kiến trúc ngôi nhà và cảnh quan khu vườn. Không dừng lại ở đó, ông Hùng tiếp tục xây lại một căn bếp trên đất vườn.

 

Thanh tra quận còn “lơ mơ”

 

Quá bức xúc trước sự việc trên, gia đình cụ Tề đã nhiều lần gửi đơn lên UBND phường Hàng Bạc, UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị can thiệp, ngăn chặn vi phạm nhưng không kết quả.

 

Bởi, nội dung quan trọng nhất mà cụ Tề tố cáo là việc tháng 9/2008 trong khuôn viên ngôi nhà vườn cổ trên xuất hiện một căn bếp do ông Võ Quang Hùng xây không phép thì UBND phường Hàng Bạc đã không giải quyết nổi.

 

Theo “lý luận” của ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch phường thì: “UBND Hàng Bạc không đủ thẩm quyền xử lý diện tích bếp trên do phần diện tích bếp này được xây dựng từ năm 1978, trước thời điểm có Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính 1995 (?)”.

 

Không chấp nhận việc giải quyết như trên, cụ Tề tiếp tục gửi đơn kêu cứu đến Thành uỷ, UBND TP Hà Nội. Hai cơ quan trên đã có phiếu chuyển đơn gửi về UBND quận Hoàn Kiếm.

 

Cực chẳng đã, đến lúc này Ban Thanh tra quận Hoàn Kiếm mới gửi giấy mời cụ Tề ra Thanh tra quận để “trao đổi” vào ngày 6/5/2009.
 
“Đục” nhà vườn cổ quý nhất Hà Nội để… xây bếp - 2
Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Tề vẫn phải ngược xuôi đòi lại không gian cho di sản quý của Thủ đô.

 

Tuy nhiên, cuộc “trao đổi” trên đã rơi vào bế tắc khi bà Lê Thị Minh Thuỷ - Chánh Thanh tra quận đưa ra “yêu sách”: “Gia đình cụ Tề muốn yêu cầu UBND quận bảo tồn diện tích nhà vườn cổ tại 115 Hàng Bạc thì cung cấp cho Thanh tra quận các văn bản chứng minh nhà 115 Hàng Bạc là nhà vườn cần bảo tồn để UBND quận cơ cơ sở xem xét”.

 

Như vậy, đến ngay cán bộ Thanh tra quận cũng còn “lơ mơ” khi không hề biết ngay từ năm 1999, nhà vườn 115 Hàng Bạc (có cổng sau là số 6 Đinh Liệt) đã được Hà Nội công nhận là công trình có giá trị cần được bảo tồn và tôn tạo (QĐ 45/QĐ/1999)!

 

Ban Quản lý Phố cổ bất lực

 

Để làm rõ sự việc trên, ngày 19/5/2009, PV Báo Dân trí đã có buổi làm việc với ông Trần Việt Anh - Phó Trưởng ban Thường trực - Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội. Ông Anh cho biết: Nhà số 115 Hàng Bạc thuộc diện nhà ở có vườn, có giá trị cần bảo tồn, tôn tạo theo Điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ Hà Nội ban hành theo Quyết định số 45/1999/QĐ-UBND, ngày 4/6/1999 của UBND TP Hà Nội.
 
 
“Đục” nhà vườn cổ quý nhất Hà Nội để… xây bếp - 3
Không gian cổ kính này có "sống" nổi đến ngày kỷ niệm Thủ đô 1.000 năm tuổi?

 

Đây là ngôi nhà vườn duy nhất còn lại trong phố cổ Hà Nội được các chuyên gia trong nước và ngoài nước đánh giá rất cao. Các chuyên gia Nhật Bản đã giới thiệu công trình này trong cuốn sách “The 36 guild streets area Hanoi’s Ancien Quarter” (Hà Nội 36 phố phường). Việc xuất hiện một căn bếp ở khu vườn nhà cổ trên đã phá vỡ cảnh quan, cấu trúc cổ kính của một căn nhà vườn cổ.

 

Ngay từ tháng 7/2008, khi nhận được đơn của cụ Phạm Thị Tề phản ánh việc cải tạo xây dựng không phép của ông Võ Quang Hùng gây ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc của công trình, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã có công văn số 174/BQLPC-TTKT gửi UBND phường Hàng Bạc, Thanh tra Xây dựng, UBND quận Hoàn Kiếm, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà số 3 tiến hành kiểm tra nhằm giữ gìn cảnh quan, kiến trúc cho công trình. Nhưng rất tiếc, cho đến ngày hôm nay căn bếp “vô duyên” trên vẫn ngang nhiên tồn tại.

 

Hiện nay, gia đình cụ Tề cũng như đông đảo những ai quan tâm đến ngôi nhà vườn quý giá trên đều mong muốn UBND phường Hàng Bạc, UBND quận Hoàn Kiếm sớm kiểm tra, giải quyết dứt điểm vụ việc trên để trả lại cảnh quan vốn có của ngôi nhà vườn cổ, nhằm bảo tồn, giữ gìn một nét đẹp văn hoá Thủ đô.

 

Vũ Văn Tiến