1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhà vườn cổ duy nhất giữa lòng Hà Nội kêu cứu

Ngôi nhà đã tồn tại ngót một thế kỷ nay, là nhà vườn duy nhất giữa lòng Hà Nội cổ kính, được giữ gìn bởi một dòng tộc gốc gác lâu đời đất kinh kỳ. Và công trình văn hoá “độc nhất vô nhị” của Thăng Long - Hà Nội đó đang có nguy cơ bị “xoá sổ”…

Nhà vườn cổ duy nhất giữa lòng Hà Nội kêu cứu - 1
 Cụ Tề dành gần cả cuộc đời mình để bảo vệ, chăm sóc ngôi nhà vườn.

 

Không gian thanh tịnh giữa đất kinh kỳ

 

Giữa cái ồn ào, tấp nập của phố phường, nhà vườn giống như một ốc đảo xanh tĩnh lặng khiến tâm hồn chợt chững lại, thư thái đến lạ kỳ. Mỗi ngày có hàng ngàn người vội vã đi qua, vội vã dừng xe mua sắm ở hai con phố cổ xưa là phố Hàng Bạc và Đinh Liệt. Nhưng có lẽ không mấy người trong số ấy biết đến cái không gian yên ắng, thanh tịnh của ngôi nhà vườn nằm lọt thỏm trên mảnh đất mà cửa trước thông ra phố Hàng Bạc, cửa sau có cái ngõ nhỏ chạy ra phố Đinh Liệt.

 

Trước cửa nhà là khuôn viên khá rộng chỉ dùng để trồng cây cảnh, làm tháp nước nuôi cá vàng. Bước trên lối đi dạo trong vườn, xung quanh là những cây cau, cây trúc quân tử, tre đằng ngà… làm cho ta nhớ da diết cái dư vị ở chốn quê. Ngôi nhà mang nét giao thoa giữa kiến trúc Việt cổ và kiến trúc Pháp. Những chiếc cột to và cao với nhiều ô cửa sổ, những căn phòng riêng biệt ấm cúng khiến người ta liên tưởng đến những ngôi nhà ở Pari hoa lệ. Nhưng mái nhà lại được lợp bằng ngói, mà lại là loại ngói dày bản, toả xuống hàng hiên, uốn cong vút ở góc đầu đao theo phong cách đình chùa của người Việt lại mang đến cảm giác bay bổng, thư thái và thanh tịnh. 

 

Ngôi nhà có kết cấu 2 tầng rộng 200m2, trải qua thăng trầm biến cố của lịch sử, đã tồn tại ngót nghét một thế kỷ nay và cũng đã đủ màu thời gian để có thể gọi là cổ. Mái ngói với những hoạ tiết uốn lượn vốn mong manh trước sự tàn phá nghiệt ngã của thời gian, nhất là ở cái xứ nhiệt đới nắng cháy da cháy thịt và mưa đến trôi cây lở đất, vậy mà vẫn còn vẹn nguyên đến nay. Cột nhà và cả những ô cửa gỗ, những chậu bonsai, hòn non bộ… cơ bản được giữ nguyên trạng như những thập niên đầu của thế kỷ trước.

 

Và người có công lưu giữ, bảo tồn ngôi  nhà cổ này chính là cụ bà Phạm Thị Tề, năm nay 95 tuổi. Toàn bộ ngôi nhà vườn nằm trên diện tích 556 m2 đất. Năm 1945, gia đình cụ Tề vốn là chủ tiệm vàng Sư Tử nổi danh đất Hà thành lúc bấy giờ, đã mua ngôi nhà vườn này từ một gia đình buôn bán lâu đời ở Hà Nội với giá 13 vạn đồng bạc. Văn khế mua bán bất động sản đã được lập ngay trong ngày 17/12 năm đó. Sau giải phóng Thủ đô, nhà nước đã trưng thu và quản lý một phần diện tích, phân cho 3 hộ sử dụng.

 

Nghịch lý Đại lễ 1.000 năm: “Phá” cũ, xây mới 

 

Nhà vườn cổ duy nhất giữa lòng Hà Nội kêu cứu - 2
 Khuôn viên phía trước nhà được trồng nhiều loại cây cảnh

 

Sau khi phân cho 3 hộ sử dụng một phần diện tích của nhà vườn, đã xuất hiện hàng loạt công trình làm phá vỡ cảnh quan khu ngôi nhà. Cụ Phạm Thị Tề, mái tóc dù đã bạc trắng nhưng trên khuôn mặt vẫn còn những nét thanh tú của hoa khôi Hà thành một thời, kể: “70 năm sống ở ngôi nhà này, tôi đã đấu tranh lắm, cố gắng lắm mới giữ gìn được kiến trúc nguyên bản của nó. Ở ngay giữa nơi mà một tấc đất không phải chỉ một tấc vàng mà hàng chục, trăm tấc vàng này, để làm được điều đó chẳng dễ chút nào”. Nói đến đây, giọng cụ nghẹn lại, dường như trái tim người đàn bà đã sống gần một thế kỷ đang đau xót lắm khi nghĩ đến tình cảnh khu nhà vườn bấy lâu cất công gìn giữ đang dần bị phá vỡ.

 

Ngôi nhà vườn duy nhất còn lại trong phố cổ Hà Nội được các chuyên gia trong nước và ngoài nước đánh giá rất cao. Các chuyên gia Nhật Bản đã giới thiệu công trình này trong cuốn sách “The 36 guild streets area Hanoi’s Ancien Quarter”.  

Cụ bảo, hộ gia đình ông Võ Quang Hùng được nhà nước phân cho thuê một buồng 17 m2 cạnh chái nhà bên phải. Trong quá trình sử dụng, năm 2002, ông Hùng đã tự ý chặt cây, xây dựng mái tôn, làm cửa sắt lấn chiếm một phần diện tích vườn. Tháng 7/2008, ông Hùng lại tiếp tục đào tường, đổ bê tông sàn, kiên cố hoá gian buồng, làm gác xép, phá dỡ tầng gỗ trạm chổ hoa văn áp mái ngói để cài mái tôn, nâng cốt nền phần vườn lấn chiếm cao thêm khoảng 30cm…

 

Lắc đầu buồn chán, cụ bảo đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu các cấp chính quyền nhưng chẳng có tác dụng gì cả, cảnh quan khu nhà vườn vẫn tiếp tục bị phá vỡ. “Thế này thì đến khi tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long thì nhà vườn đã chẳng còn”, cụ Tề lo ngại. Thực tế chứng kiến nhà vườn những ngày này mới thấy hết được sự “tang thương” của cái không gian cổ kính, tự nhiên: khu vườn cây bị lấn xây dựng những công trình tạm bợ, chắp vá, lòng nhà bị đập phá, sửa chữa, những ô cửa kính, cửa sắt tân tiến… khiến người ta không còn nhận ra ngôi nhà đẹp đến nao lòng như hình vẽ trong bản kiến trúc gốc.

 

Mặc dù ngay từ năm 1999, nhà vườn số 6 Đinh Liệt đã được Hà Nội đã được công nhận là công trình có giá trị cần được bảo tồn và tôn tạo (QĐ 45/QĐ-1999). Ban quản lý phố cổ Hà Nội lại một lần nữa khẳng định nhà số 6 Đinh Liệt thuộc diện nhà ở có vườn (nhà vườn) có giá trị cần bảo tồn, tôn tạo trong công văn số 174/BQLPC-TTKT. Thế nhưng, bảo tồn - tôn tạo thì chẳng thấy đâu mà chỉ thấy nhà vườn đang ngày càng bị thu nhỏ, cảnh quan thiên nhiên nguyên bản tồn tại ngót một thế kỷ đang mất dần từng ngày.

 

Theo Lã Xưa

Báo Gia đình & Xã hội