Đưa vào sử dụng hồ Thác Bạc trên đỉnh Hoàng Liên
(Dân trí) - Đây là 1 trong 2 hồ nước được xây dựng trên độ cao hơn 2.000 mét so với mặt nước biển, trên đỉnh núi Hoàng Liên thuộc địa bàn huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai).
Trước đó huyện Sa Pa đã đưa vào sử dụng hồ nước lớn Séo Mý Tỷ cũng nằm trên đỉnh núi Hoàng Liên, thuộc địa bàn xã Tả Van, cách thị trấn Sa Pa gần 10km, phục vụ nước trực tiếp cho nhà máy thủy điện Séo Chung Hô.
Một góc hồ Thác Bạc nằm trên đỉnh núi Hoàng Liên cao 2.005 mét
Hồ Thác Bạc được xây dựng trên đầu nguồn Thác Bạc, là một trong những danh thắng du lịch đẹp nhất vùng Tây Bắc nằm dưới chân đèo Ô Quý Hồ. Công trình xây dựng hồ Thác Bạc do Trung tâm Khảo sát thiết kế công trình xây dựng thủy lợi và phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai thiết kế, Công ty TNHH đầu tư xây dựng Đức Tuấn thi công và UBND huyện Sa Pa là chủ đầu tư. Tổng số vốn gần 50 tỷ đồng.
Theo kỹ sư Nguyễn Khắc Lãng, Chỉ huy trưởng xây dựng công trình, do địa hình khó khăn, xây dựng trên đỉnh núi cao 2.005 mét so với mặt nước biển và cao hơn 200 so với mặt quốc lộ 4D, nên công tác khảo sát và chuẩn bị thi công kéo dài trong 2 năm và 2 năm tiếp theo thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tất cả vật tư, vật liệu xây dựng đều phải dùng hệ thống tời từ mặt đường quốc lộ 4D lên nên cuối năm 2013, công trình mới hoàn thành đưa vào sử dụng.
Hồ Thác Bạc rộng gần 6ha, nơi sâu nhất 9 mét và có khả năng tích được khoảng gần 200.000 mét khối nước.
Việc đưa vào sử dụng hồ nước này sẽ đảm bảo nguồn nước quanh năm cung cấp cho danh thắng Thác Bạc trước đó thường bị khô hạn vào mùa khô làm mất đi vẻ đẹp kỳ thú của dòng thác nổi tiếng vùng Tây Bắc. Đồng thời hồ Thác Bạc sẽ là nguồn cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và nuôi cá nước lạnh của khu vực thượng huyện Sa Pa.
Hồ Thác Bạc còn là du lịch sinh thái kỳ thú trong tương lai của vùng du lịch Sa Pa vì hồ này nằm ngay đỉnh danh thắng Thác Bạc là điểm du lịch hấp dẫn nhất Sa Pa luôn thu hút đông du khách tới thăm quan, khám phá.
Phạm Ngọc Triển